Ở Bình Định, trường Tỉnh học đã có từ thời Gia Long. Nhưng sĩ tử phải ra tận Thừa Thiên để thi hương. Mãi đến niên hiệu Tự Đức thứ tư (1851), mới mở trường thi tại Bình Định cho các tỉnh từ Quảng Ngãi trở vào Bình Thuận.
Trường nằm phía tây nam thành Bình Định. Xây bằng đá ong, chu vi 193 trượng, cao bốn thước năm tấc (tức gần một cây số vuông chung quanh và gần hai thước chiều cao).
Đó là một nền lộ thiên ở giữa một dãy gò rộng không cây cối. Đến khoa thi, sĩ tử mang lều chiếu đến che ngồi.
Khoa đầu tiên là Khoa Nhâm Tý (1852). Người Quảng Ngãi giựt thủ khoa, nên có câu:
Tiếc cho Bình Định xây thành
Để cho Quảng Ngãi vô giành thủ khoa.
Nhưng đến khoa sau, rồi tiếp luôn hai khoa nữa, là khoa Ất Mão (1855), khoa Mậu Ngọ (1858) và khoa Tân Dậu (1861), ngôi thủ khoa đều về tay người Bình Định. Nên lại có câu:
Tiếc công Quảng Ngãi đường xa,
Để cho Bình Định thủ khoa ba lần.
Tuy thủ khoa ba lần liên tiếp về tay người Bình Định, nhưng sĩ tử Quảng Ngãi không phục, nên sau khi yết bảng, thường tìm cách thử thách các vị thủ khoa.
Một hôm, trong một quán nước, một tân khoa Quảng Ngãi gặp vị thủ khoa Bình Định, liền buông lời trêu… Nhân trong quán có trang thờ bà "Cửu Thiên Huyền Nữ" phía trước dán câu đối:
Trạc trạc khuyết linh
Dương dương tại thượng
Vị tân khoa Quảng Ngãi bèn ra câu đối, thách vị thủ khoa Bình Định đối. Rằng:
Trạc trạc khuyết linh, anh thấy em xinh, dương dương hồ tại thượng.
Người ra đối mượn cảnh trước mặt, lại mượn chữ liền, thì người đối lại cũng phải dùng cảnh trước mắt và chữ liền. Câu đối khó đối là ở chỗ đó. Vị thủ khoa chưa kịp đối thì một người Bình Định đứng lên xin thưa:
- Tôi là một tên thi rớt. Nhưng thấy câu đối kia quá sức tầm thường, không xứng để ngài thủ khoa đối. Nên tôi xin đối thế.
Đoạn kêu chủ quán đem rượu và thức nhấm lên. Chủ quán liền chạy đi lấy rượu và vợ đem đồ ăn lên. Người vợ ở dưới nhà "dạ" một tiếng to. Tiếng "dạ" vừa dứt, người Bình Định liền đối:
- Cấp cấp bất hạ, chồng kêu vợ dạ, đản đản kỳ nhiên tai.
Người Bình Định ấy không ai khác hơn là Phạm Trường Phát.
Phạm Trường Phát là một bậc hay chữ nổi tiếng. Khoa nào ông cũng đi thi, nhưng không bao giờ mang lều chiếu và giấy bút. Trên đầu lại quấn khăn trắng đến mấy bận. Có người hỏi, đáp:
- Sợ hay chữ quá nổ đầu, vào ngồi nơi thập đạo, rủi não văng lây chữ cho quan trường uổng, nên phải đề phòng.
Vào trường ngồi giữa thập đạo làm bài. Làm xong, đọc đi đọc lại ưng ý, liền nổi hứng lấy bút khuyên:
- Để quan trường khuyên uổng.
Rồi cáo bệnh bỏ ra.
Đồng thời cùng Phạm Trường Phát còn một người nữa, cũng hay chữ và ngông cuồng không kém. Đó là Nguyễn Bá Huân.
Nguyễn Bá Huân con trưởng cụ tú Nguyễn Khuê. Cụ tú có biệt tài về thơ Quốc Âm, làm thơ dễ dàng như nói chuyện. Cụ có bốn người con trai là: Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Nguyễn Quý Luân và Nguyễn Thúc Mân.
Cả bốn đều hay chữ, song xuất sắc nhất là Nguyễn Bá Huân.
Cũng như Phạm Trường Phát, năm nào Nguyễn Bá Huân cũng đi thi, và khoa nào vào trường cũng chỉ mang theo một bầu rượu ăm ắp. Vào thập đạo lãnh giấy bút làm văn. Hễ làm được một câu hay thì thưởng một chén rượu. Thưởng mãi thành say, không còn biết gì trời đất… Nhờ học trò cùng đi thi giúp đỡ và quan trường vị nể, nên khoa nào trở về cũng được bình an. Có một khoa, quan trường bảo lính lén đập vỡ bầu rượu. Ông liền cáo bệnh bỏ thi.
Người đương thời gọi Phạm Trường Phát và Nguyễn Bá Huân là Song Cuồng.
Vị tân khoa Quảng Ngãi kia, khi biết kẻ đối thủ là Phạm Trường Phát, thì tìm cách giảng hòa ngay.
Khoa Ất Mão (1855) quan Chánh chủ khảo trường Bình Định là Bảng nhãn thị Trạng nguyên Vũ Duy Thanh.
Khi khảo lại các quyển trường tư, Vũ Duy Thanh thấy một quyển bị cả ba ông sơ, phúc, giám đều phê liệt. Xét thấy văn chương có khí phách khác thường, biết rằng thí sinh này về sau sẽ gây nghiệp lớn, bèn phê "Bình", lấy vào hạng trúng tuyển. Sau này mới biết thí sinh đó là Ông Ích Khiêm.
Ông Ích Khiêm về sau quả là một văn thần kiêm võ tướng lập được nhiều huân công.
Các sĩ phu đều khen Vũ Duy Thanh là người có mắt tinh đời.
Trường Thi ngày xưa còn là nơi trả ân trả oán của người cõi âm.
Ở Trường Thi Bình Định cũng thường xảy ra nhiều chuyện, nghe thì thật là hoang đường, nhưng sự thật quả có, như chuyện cụ tú Nguyễn Diêu là một.
Cụ tú là người làng Nhơn Ân, huyện Tuy Phước, tục gọi là cụ tú Nhơn Ân.
Cụ tú học lực uyên thâm, phần đông các danh sĩ Bình Định đều tôn vào bậc thầy.
Lúc nhỏ đi học, cụ có tư tình cùng người con gái ông chủ nhà trọ. Hai bên đã nặng thề nguyền và đối với nhau đã "già nhân ngãi". Nhưng sau khi đậu tú tài thì có người kêu gả con. Bà mẹ ép phải ưng thuận. Vì hiếu cụ phải cắn răng phụ tình. Người con gái hay tin liền nhảy xuống giếng tự tử. Lúc bấy giờ nàng đã có mang được mấy tháng. Cụ tú hết sức đau buồn:
Ruột dường dao cắt chín chiều,
Sương sa trước mặt gió hiu bên đàng,
Cái duyên Chức Nữ Ngưu Lang,
Cầu ô đã bắt lại toan dứt cầu!
Dùng dằng nghĩa trước tình sau,
Dây phiền đó buộc chuỗi sầu đây mang…
Đó là nỗi niềm tâm sự cụ đã gởi gắm trong tuồng Ngũ Hổ Bình Tây của cụ.
Sau cụ đi thi nữa. Mỗi khi cụ vào trường thì thấy người con gái bồng con, mặt tiều tụy buồn thong, đứng nhìn sững cụ giây lâu, rồi biến mất. Cụ khiếp vía, tay run lòng rối. Nếu không phạm húy thì làm vấy mực vào quyển. Khoa nào cũng thế. Cho nên mãi đến lúc đầu bạc vẫn giữ chân tú tài.
Suốt đời Tự Đức (1847-1883) trường thi Bình Định không xảy ra việc gì quan trọng có liên quan đến toàn thể sĩ tử.
Đến triều Hàm Nghi, khoa Ất Dậu (1885), vừa thi xong trường ba thì được tin kinh thành Huế bị thất thủ, nhà vua xuất bôn. Phần đông sĩ tử bỏ thi. Vào trường tư chỉ còn có tám người và đều trúng tuyển hết. Trong số tám cử nhân, có nhà anh hùng Mai Xuân Thưởng, người huyện Bình Khê.
Khi ban áo mão cho các vị tân khoa, quan chánh chủ khảo có tặng một bài thơ rằng:
Sơn hà phong cảnh dị tiền niên
Hoành giám du khan thử địa huyền
Hận mãn xương môn trần ám ngoại,
Lệ linh văn viện bút đình biên.
Lịch triều giáo dục ân như hải,
Bát giải thanh danh phẩm thị tiên.
Nhất dự y quan nan tự hủy,
Cương thường khán thử cổ anh hiền.
Nghĩa là:
Non sông xưa đã khác rày,
Gương "hoành công khí" nơi này còn treo.
Cửa rồng hận ngất trần hiêu,
Bút hoa tuôn lệ tiêu điều viện văn.
Lịch triều lai láng biển ân,
Dự hàng bát tuấn thêm phần thanh cao.
Áo xiêm trót đã buộc vào,
Cương thường noi dấu anh hào nghìn xưa.
Sau khi xướng danh, quan Chánh chủ khảo mời riêng Mai Xuân Thưởng vào phòng nói chuyện.
Nguyên trước khi khảo lại các quyển thi, Chánh chủ khảo nằm mộng thấy một bà lão cầm tặng một nhánh mai, chỉ trổ một bông nhụy vàng cánh trắng, mùi hương nhẹ nhàng. Quan vừa đưa tay nâng thì hoa mai liền rụng vào nghiên son và bà lão biến mất. Giật mình tỉnh dậy, băn khoăn không hiểu là điềm chi. Khi thấy trong tám vị cử nhân có họ Mai và xem lại quyển thi thấy văn chương có khí phách, thì đoán chắc rằng điềm ứng vào Mai công. Nên mới mời vào ủy thác đại sự:
- Lúc này nước nhà còn mất, phần lớn là do nơi đám sĩ phu. Làm việc phải hết sức thận trọng.
Mai Xuân Thưởng lĩnh ý lui ra. Và trở về nhà, noi dấu cổ anh hiền, dấy nghĩa binh chống Pháp.
Phong trào Cần Vương do Mai anh hùng lãnh đạo, dấy lên chống giặc được gần ba năm thì tan rã. Mai anh hùng tuẫn quốc.
Trường Bình Định bỏ thi hai khoa, đến khoa Giáp Ngọ (1894) bắt đầu thi trở lại.
Từ ấy về sau nơi trường thi không xảy ra việc gì đáng kể, trừ một khoa, không nhớ khoa nào, ở làng Xuân Quơn, huyện Tuy Phước, một nhà ba anh em đi thi đều đậu cả ba, hai cử một tú. Khoa ấy ở Khánh Hòa ra thi chỉ đậu một cử nhân. Cho nên có câu:
- Một tỉnh Khánh Hòa không bằng một nhà Xuân Quơn.
Từ khoa Giáp Ngọ trở về sau, sĩ tử không có người xuất sắc. Rồi chữ Hán tàn lần lần và đến năm Mậu Ngọ (1918) thì cáo chung cả toàn quốc. Khoa chót, trường Bình Định không mở, sĩ tử phải kéo ra thi ở Thừa Thiên.
Thi chữ Hán bãi bỏ, trường thi trở thành vô dụng. Không có người coi ngó, đá ong chung quanh tường đều bị cạy phá lần lần hết; nền trường bị mưa gió làm sụp lở, lâu ngày thành bình địa, cỏ mọc bìm leo.
Ngày nay, người phương xa đi ngang qua Trường Thi, chỉ thấy một dãy gò hoang tiêu điều quạnh quẽ, thì không thể ngờ rằng đó là nơi có một quá khứ vẻ vang, nơi đã làm cho nhiều người "không cắn ớt mà cay", và đã giúp cho nhiều người "dài lưng tốn vải " trở về làng với "áo gấm xuê xoang, võng anh đi trước võng nàng theo sau".
Nhưng những người hiểu biết vẫn thường kể lại chuyện Trường Thi.
. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn) |