Đền Tây Sơn
14:52', 19/7/ 2005 (GMT+7)

Đền ở tại thôn Kiên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, cao ráo khoảng khoát.

Địa cuộc trước đây là khuôn viên đình làng Kiên Mỹ, xưa là vườn nhà họ Nguyễn Tây Sơn.

Bảo tàng Quang Trung, Tây Sơn (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Tổ tiên họ Nguyễn Tây Sơn vốn họ Hồ ở Hoan Châu (Nghệ An), vào Quy Nhơn từ đời ông Cố. Ông Cố tên gì không biết. Chỉ biết rằng ông vào nhà họ Đinh tại thôn Bàng Châu (gần Đập Đá) thuộc huyện Tuy Viễn (An Nhơn hiện tại). Thấy người trung hậu, cần mẫn, họ Đinh cưới vợ cho, và nuôi cả hai vợ chồng, coi như người người thân quyến. Vợ chồng sanh được một trai. Hồ Lang lớn lên, khôn ngoan, lanh lợi, song không có khả năng về nghề nông. Họ Đinh bèn giúp vốn đi buôn.

Thời bấy giờ trầu nguồn rất có giá. Nhưng ở đồng ruộng ít người chịu khó vượt suối trèo đèo để kiếm lợi. Hồ Lang bèn mang tiền lên ấp Tây Sơn buôn trầu. Đi buôn gặp người vừa ý, mới kết nghĩa vợ chồng. Để tiện việc làm ăn, bèn lập nhà cửa nơi quê vợ, tại thôn Phú Lạc, thuộc Tây Sơn Hạ, và nhập tịch ở đó. Sau sinh ra ông Phúc.

Họ Hồ đổi ra họ Nguyễn lúc nào và vì cớ gì, không ai biết rõ. Người đời sau cũng không biết rõ thân sinh ông Phúc tên gì. Chỉ biết ông Phúc tên tịch là Nguyễn Phi Phúc. Cũng chuyên nghề buôn trầu và đã lập bến Trường Trầu tại Kiên Mỹ (trước Miễu Cây Gòn) để buôn bán trầu cùng người dân tộc thiểu số.

Ông Nguyễn Phi Phúc sinh ra ba anh em vua Tây Sơn:

- Nguyễn Nhạc.

- Nguyễn Huệ.

- Nguyễn Lữ.

Ba anh em lớn lên thọ nghiệp cùng thầy Giáo Hiến ở An Thái, học cả văn lẫn võ.

Ông Phúc qua đời, ông Nhạc nối nghiệp cha. Ông Huệ tiếp tục đi học, ông Lữ xuất gia đầu Phật. Ông Nhạc có uy tín trong anh em lái buôn, người ta gọi là Ông Hai Nhạc. Ông Huệ vì mang tên hoa có hương, nên được gọi là chú Ba Thơm. Còn ông Lữ vì đi tu nên gọi là thầy: Thầy Tư Lữ. Lúc bấy giờ nhà đã dời xuống Kiên Mỹ (dưới Phú Lạc).

Mặc dù lên ở ấp Tây Sơn đã ba đời, gia đình ông Nhạc không quên nhà họ Đinh. Và nhà họ Đinh đối với họ Nguyễn Tây Sơn vẫn giữ niềm thủy chung. Khi nhà Tây Sơn dấy nghiệp chính họ Đinh đã góp phần khá lớn về mặt tài chánh. Cho nên sau khi lên ngôi Hoàng Đế, vua Thái Đức phong tặng cho con cháu họ Đinh rất hậu, và coi vị tộc trưởng nhà họ Đinh như người trong họ mình.

Truyền rằng:

Tộc trưởng nhà họ Đinh lúc bấy giờ là một ông lão trên 70 tuổi tên gọi là ông Chảng, tánh rất ngang tàng, coi trời như vung.

Được vời đến phong tước, ông Chảng tâu:

- Ngài tuy làm vua, nhưng vẫn là đạo con cháu. Nếu Ngài muốn phong tước cho lão, thì xin cho Lão được tự phong rồi Ngài thông lục.

Vua Thái Đức chuẩn y, Ông bèn viết:

Bùng binh chi tướng

Uýnh cướng chi quan

Bộn bàng chi chức

Chảng chảng ngang thiên.

Do đó Bình Định có câu "ngang quá ông Chảng".

Ông Chảng thỉnh thoảng đến thăm vua Thái Đức. Lúc đi đường, dùng một cái thanh làm kiệu ngồi, tám người khiêng. Hai bên bốn cây du du do bốn người cầm thay thế lọng. Và trước sau có hai hàng tùy tùng cầm cào cỏ, cuốc, thêu… thay thế cho cờ biển… Vua Thái Đức nể nang, không nói gì. Còn nhân dân lấy làm vui, nên mỗi lần ông Chảng từ Bàng Châu lên Đồ Bàn thành, thì người theo coi rất đông.

Khi vua Thái Đức đóng đô ở thành Đồ Bàn, vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân, thì nơi vườn cũ dựng một ngôi từ đường, do làng sở tại chăm sóc.

Đến khi nhà Tây Sơn bị diệt, nhà Nguyễn phục hưng, thì từ đường bị hạ và thay thế đình làng vào.

Đình làng dựng lên để thờ thần. Nhưng nhân dân địa phương vốn nhớ ơn nhà Tây Sơn đã cứu ra khỏi nạn bóc lột đè ép của bọn tham quan ô lại nhà Nguyễn Phúc, nên dấu sắc thần ở một miếu khác, còn đình thì bí mật thờ phụng ba vua Tây Sơn. Cho nên khi tế xuân tế thu, chỉ vái miệng chớ không đọc văn tế. Quan nhà Nguyễn biết rõ, nhưng vì không có bằng cớ và xét thấy không có hại gì, nên làm lơ. Thời Pháp thuộc (khoảng 1925-1930), Tản Đà tiên sinh đi ngang qua Tây Sơn, có ghé thăm đình. Tiên sinh xin vào làm lễ. Nhưng viên lý trưởng không cho. Nên thắp hương khấn lạy ở ngoài cửa.

Năm 1946 đình bị phá hủy.

Năm 1960, nhân dân Tây Sơn chung tiền chung sức lập đền thờ Tây Sơn tại nơi đình cũ.

Đền không lấy gì làm rộng lớn. Song nghiêm trang. Đối với sự nghiệp anh hùng không xứng. Nhưng đối với hoàn cảnh nhân dân địa phương "tự lực cánh sinh", thì chừng nớ cũng đã là một sự cố gắng vượt bực.

Đền có ba gian.

Gian giữa thờ vua Quang Trung.

Hai bên thờ vua Thái Đức và Đông Định Vương.

Trước sân có tượng bán thân vua Quang Trung và bi đình khắc bài ký tán tụng công đức nhà vua:

"Đức Vũ Hoàng

Họ Nguyễn, húy Huệ,

Ứng hùng năm Quý Dậu (1753)

Qui thần năm Nhâm Tý (1792)

Thọ 40 tuổi, ở ngôi 5 năm.

Niên hiệu Quang Trung,

Miếu hiệu Thái Tổ Vũ Hoàng Đế.

Tổ tiên vốn người Châu Hoan, dời vào ấp Tây Sơn được bốn đời. Trước ở Phú Lạc, sau xuống Kiên Thành. Buổi tiềm long chính nơi đây là Tây Kỳ cơ chỉ.

Vũ Hoàng có ba anh em:

Anh là vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, thiệp thế đa mưu.

Em là Đông Định Vương Nguyễn Lữ, thành tín nhân hậu.

Còn Vũ Hoàng:

Sức mạnh cử đảnh, tài dụng binh như thần. Lại sùng thượng kinh văn, quí trọng đạo lý. Kẻ cao tài đạt đức được tôn kính vào bậc thầy. Văn võ dưới cờ đều những trang khai quốc tuấn kiệt.

Thân bố y tay trường kiếm, Vũ Hoàng gồm cả khí tượng họ Hạng họ Lưu.

Quả là cái thế anh hùng vậy.

Năm Tân Mão (1771), thống tâm vì cảnh đất chia nước loạn, trăm họ hết chỗ đặt tay chân, ba anh em Vũ Hoàng chiêu tập nghĩa binh, chịu gian nan mà dấy nghiệp. Lấy thành Quy Nhơn làm căn cứ. Rồi đánh vào Nam, tiến ra Bắc. Lòng xa gần đều theo. Trăm trận trăm thắng. Thanh thế nhà Tây Sơn lẫy long.

Riêng Vũ Hoàng.

Bốn lần bạt thành Gia Định, ba lần vào thành Thăng Long, Thắng chúa Nguyễn, diệt chúa Trịnh. Thu non sông về một mối, dựng nên cơ nghiệp Võ Thang.

Lại hai phen thảo quân xâm lược:

Năm Giáp Thìn (1784) đánh tan 30 chiến thuyền Xiêm La do Phúc Ánh lưu vong rước tới.

Năm Kỷ Dậu (1789) quét sạch 20 vạn hùng binh Mãn Thanh do Duy Kỳ khất lân thỉnh về.

Nhờ vậy mà dân tộc thoát ách vong nô.

Nhờ vậy mà Tổ quốc vững bền độc lập.

Công thật cao như Trường Sơn.

Ân thật sâu như Nam Hải.

Non sông đãng định, Vũ Hoàng chăm việc trị bình:

Đắp quốc cơ theo tôn chỉ phú cường. Sửa chính sự cho kỷ cương nghiêm túc. Dùng chữ Nôm làm quốc văn tự. Lập Sùng Chính viện để đào tạo nhân tài.

Và cái nhục cống người vàng cho Trung Hoa rửa xong, Vũ Hoàng luyện tướng nuôi binh, quyết khôi phục phần đất Lưỡng Quảng.

Nhưng than ôi!

Năm sắc đá rèn gan, trời chưa kịp vá.

Chín tầng mây lấp núi, rồng thoát bay xa!

Khiến nhà Tây Sơn lâm vào bước suy vong!

Khiến nước Việt Nam lỡ mất cơ trường thịnh!

Tuy nhiên,

Danh Vũ Hoàng vẫn cùng mặt trời mặt trăng mà sáng.

Ân Vũ Hoàng vẫn cùng núi Trưng núi Tượng mà cao.

Và nhân dân Việt Nam vẫn ca rằng:

Non Tây áo vải cờ đào,

Giúp Dân dựng nước xiết bao công trình."

Mỗi năm đến ngày lễ Đống Đa, nhân dân toàn tỉnh Bình Định hợp nhau làm lễ kỷ niệm. Và tháng 11 âm lịch, riêng nhân dân Tây Sơn có tổ chức ngày kỵ ba Vua theo thường lệ. Hai ngày đều tổ chức long trọng. Lễ Đống Đa đông và tưng bừng hơn. Ngày kỵ có tính cách gia đình, song vẫn có đọc chúc văn và cử nhạc theo cổ lễ.

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ẩm thực: Bánh tráng  (17/07/2005)
Từ Miếu  (15/07/2005)
Trường Thi Bình Định  (13/07/2005)
Ẩm thực: Vú nàng  (11/07/2005)
Miếu Xà  (10/07/2005)
Ẩm thực: Món "Trót"  (08/07/2005)
Đồng Cô Hầu và Núi Hoàng Đế   (07/07/2005)
Vực Trầm Hương và Giếng Tiên  (06/07/2005)
Hang tối trời  (05/07/2005)
Hòn đá thần  (04/07/2005)
Thầy Nguyễn Văn Diêu  (03/07/2005)
Núi Ngang  (01/07/2005)
Hầm Hô  (30/06/2005)
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 3)  (29/06/2005)
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 2)  (28/06/2005)