Nguyễn Trung Trực sinh năm 1839 còn có tên là Lịch hoặc Chơn, nguyên quán Bình Định. Thân sinh làm nghề đánh cá. Sau khi hải quân Pháp nhiều lần bắn phá duyên hải Trung bộ. Gia đình cụ phiêu bạt vào Nam, định cư ở thôn Bình Nhật nay là xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.
Sinh thời Nguyễn Trung Trực là người nổi tiếng khỏe mạnh, giỏi võ nghệ, can đảm và mưu lược. Ngày 25-2-1861 cùng với Bình Tây đại nguyên soái Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực tham gia trận đánh đồn Chí Hòa. Sau đó Nguyễn Trung Trực được phân công chỉ huy một số nghĩa quân về quê cũ Tân An hoạt động. Ngày 10-12-1861 nghĩa quân do Nguyễn Trung Trực chỉ huy làm nên một chiến công lừng lẫy, đánh một trận mưu trí và táo bạo - đốt cháy chiến hạm Hy Vọng (Espérence) của thực dân Pháp trên sông Vàm Cỏ Đông (hay còn gọi là sông Nhật Tảo), diệt toàn bộ quân địch trên tàu gồm 17 lính Pháp và 20 tên Việt gian.
Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, tàu chiến bằng sắt thép, đại bác và nhiều vũ khí hiện đại khác khiến nhiều người ngờ chúng là "người nhà trời" không thể đánh thắng. Nắm được tâm lý này, một số lần quân Pháp cho khinh khí cầu trình diễn những màn tấn công từ trên không và quả thật đã làm nhiều người Việt hoảng sợ. Trong bối cảnh ấy niềm tin "người Pháp hoàn toàn có thể bị người Việt giết chết", rằng tàu đồng của Pháp cũng thể bị đánh chìm của Nguyễn Trung Trực thật sự là một bước đột phá trong tư duy. Tin như thế và chứng minh được mình đúng bằng thắng lợi to lớn ngay trong điều kiện còn hết sức hạn chế như Nguyễn Trung Trực đã làm là hết sức oanh liệt.
Không thắng được nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, nhờ sự tham mưu của Việt gian, thực dân Pháp đã bắt mẹ của ông làm con tin để gây sức ép buộc Nguyễn Trung Trực ra hàng. Chịu ảnh hưởng của quan niệm "trai thời trung hiếu làm đầu" Nguyễn Trung Trực đã nộp mình để cứu mẹ. Ngày 19-9-1868 Nguyễn Trung Trực bị bắt và mang về Sài Gòn. Không thể khiến ông làm tay sai, ngày 27-10-1868 thực dân Pháp đưa ông về Kiên Giang xử chém tại chợ Rạch Giá. Trước khi hy sinh, Nguyễn Trung Trực khẳng khái thét vào mặt kẻ thù: "Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây".
Câu nói nổi tiếng ấy đã phản ánh khí phách hiên ngang, bất khuất, quyết tâm chống giặc ngoại xâm của cụ Nguyễn Trung Trực nói riêng và dân tộc ta nói chung. Cảm kích trước sự anh dũng của cụ Nguyễn Trung Trực. Nhà thơ yêu nước Huỳnh Mẫn Đạt thảo nên bài "Khóc Nguyễn Trung Trực" để tưởng nhớ cụ, trong bài có câu: "Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/ Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần".
Tư tưởng "tàu đồng của Pháp cũng thể bị đánh chìm" của Nguyễn Trung Trực ngày nay vẫn còn có thể ứng dụng được trong đời sống hiện tại, nhất là với các doanh nghiệp Việt Nam trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các tập đoàn nước ngoài ở thời buổi toàn cầu hóa.
. Kiều Phong |