Anh hùng Mai Xuân Thưởng, lãnh đạo nghĩa binh Cần Vương bốn tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, tuẫn quốc ngày rằm tháng 5 năm Đinh Hợi (1887). Hài cốt đưa về chôn cất tại làng cũ ở Phú Lạc, huyện Tây Sơn, phía Bắc ngạn sông Côn.
Vì Mai anh hùng bị bọn thực dân và phong kiến kết tội "làm giặc", nên không ai dám đến viếng phần mộ, trừ gia đình mỗi năm đến dãy mả một lần!
|
Lăng Mai Xuân Thưởng (ảnh: Văn Lưu) |
Suốt 70 năm trời, hết thời phong kiến thực dân đến thời chiến tranh chống Pháp, phần mộ của Mai anh hùng cũng như sự nghiệp và thanh danh, bị chìm trong nơi quên lãng!
Đến năm 1961, nhân dân Tây Sơn chung của góp công, xây lăng mộ và đúc bia kỷ niệm để tỏ lòng sùng bái anh hùng.
Mộ anh hùng nằm trong nơi khất tịch, đường giao thông lại bất tiện, nên nhân dân thương lượng cùng gia đình, cải táng sang phía Nam ngạn sông Côn, gần quốc lộ 19, thuộc thôn Trinh Tường.
Mộ xưa kia bằng đất.
Nay xây thành lăng tẩm nguy nga.
Lăng xây trên dãy Hoành Sơn tục gọi là Núi Ngang. Mặt hướng về Đông.
Từ quốc lộ 19 đi trẽ vào Nam chừng vài trăm thước đến chân núi. Bốn trụ ba biểu to lớn và cao vút sừng sững làm ngõ vào lăng. Lăng bao trùm một ngọn đồi tròn trịa xinh xắn. Qua khỏi bốn trụ ba biểu rồi, bước lên 26 bậc cấp vừa cao vừa rộng, thì đến đài kỷ niệm. Đài dựng giữa một khoảnh sân rộng, mặt trước đắp bốn đại tự "Tổ Quốc Ghi Ơn". Qua khỏi đài thì đến chính tẩm. Đây là một ngôi nhà điệp ốc, cất theo kiểu xưa, mái ngói âm dương, thềm đá núi, nền lát ca rô. Mộ nằm giữa nhà, hình chữ nhật. Phía trước có một chí:
Đây nơi an nghỉ
Bên lòng người Việt Nam yêu nước
Nhà anh hùng
Mai Xuân Thưởng
Ứng hùng năm Canh Thân (1860)
Tuẩn quốc năm Đinh Hợi (1887)
Phía hậu đầu dựng sát vách một tấm bia cao lớn, khắc bài ký, như sau:
"Công
Người thôn Phú Lạc, quận Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định.
Tư cách khác phàm,
Văn võ gồm đủ.
Năm Ất Dậu (1885), kinh thành thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn. Phụng chiếu Cần Vương, công dấy nghĩa binh chống Pháp.
Lập mật khu nơi Linh Đổng,
Đắp chiến lũy nơi Hương Sơn,
Thanh thế lẫy lừng. Các sĩ phu tỉnh nhà đều ra phò tá. Các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận đều chịu quyền chỉ huy.
Trên dưới một lòng.
Trong ngoài chung sức.
Lấy hỏa mai giáo sào đương cùng súng trường, đại bác. Gian khổ nhưng kiên trì. Lực yếu nhưng khí mạnh. Chiến đấu ba năm trời, khi thua khi được. Chí tiêm cừu lòng địch khái, được càng hăng, thua vẫn hăng. Những trận Đông Viên, Đồng Vụ, Lục Phú, Cẩm Văn…, lòng dũng cảm đức hy sinh khiến quân địch phải khiếp phục.
Rồi quân địch thêm viện binh, bao vây công kích. Nghĩa quân tuy đá vàng gan dạ, cũng phải lui dần trước nanh vuốt đối phương. Và trải bao pháo đụt đạn xông, cuối cùng bị đại bại trận Bàu Sấu.
Binh tan tướng lạc, Công đơn thân độc mã vào Linh Đổng quyết gây lại lực lượng diệt thù. Quân giặc truy tầm, nhưng không dò ra tung tích. Tên ngoại nô Trần Bá Lộc liền hạ độc thủ: sanh cầm Mai Thái Mẫu, thảm sát lương dân, và ngày bắt lý hương hai thôn Phú Lạc, Phú Phong ra tra tấn.
Tình thế khó liệu cơ cứu vãn, Công không muốn kéo dài cuộc kháng chiến sợ Nhân Dân thêm nặng thong vong. Bèn hướng về Tây lạy bốn lạy từ giã mẹ, rồi thản nhiên bước lên đoạn đầu đài.
Hùng dũng thay!
Nghĩa liệt thay!
Truyền thống nghìn xưa, Công đã làm sáng tỏ trung can nghĩa khí của nòi giống.
Ôi!
Tuy bại mà vinh vậy!
Tuy chết mà không mất vậy!
Nhưng trên bảy mươi năm trời, bình lau che khuất gương trung dũng! Nay ba biểu trăng soi, chim hạc đã bay về đậu. Nên báu cũ nêu cao cùng sông Côn núi Tượng, để hưng khởi người hữu tâm.
Mùa Xuân năm Tân Sửu (1961).
Nhân dân Bình Khê.
Cẩn ký."
Chung quanh tẩm và sân đều có thành thấp bao bọc. Bốn phía lăng cây cao bóng cả che khắp. Lăng xây cất ngó đơn giản nhưng quang cảnh trông trang nghiêm.
Đứng nơi sân lăng trông ra bốn mặt: Phía Tây, núi non trùng điệp, khúc khúc bàn bàn. Trước mặt đồng rộng thênh thang, cánh cò bay phấp phới. Ở phía Bắc con sông Côn từ hướng Tây chảy xuống, như con rồng vảy bạc uốn khúc giữa bãi cát vàng, và đến địa đầu Phú Phong tiếp nước sông Đá Hàng từ phía Tây Nam chảy ra, trông như một cánh tay ôm lấy đại cuộc của lăng tẩm. Ở Gò Sặc núi Ông Đốc, hình con hổ phục, đầu ngó lên lăng và đuôi quay xuống phía sông Đá Hàng. Bên kia sông Côn tại thôn Phú Lạc, hòn Trưng Sơn tức hòn Sưng, đứng sừng sững như ngọn bút viết vào mây. Và đối trĩ cùng hòn Sưng, hòn Hợi Sơn tục gọi hòn Dũng, mà hồ nước trên đỉnh không bao giờ cạn, nằm khoanh tròn làm nghiên mực, ở phía Đông Nam dãy Hoành Sơn. Gần đó lại có hòn Ấn, hòn Kiếm. Và hòn Giải làm trống, hòn Một làm chuông. Bên chân Hoành Sơn ngay trước lăng, nổi lên ba nổng gò, đá mọc lởm chởm như binh mã đứng dàn hầu… Ở hướng Đông, tận thôn Kiên Thạnh, dãy Hương Sơn là nơi xưa kia nghĩa binh Cần Vương đắp Thứ để chống giặc, đứng làm nội án, và thăm thẳm tận dưới Lý Nhơn, huyện An Nhơn, hòn Mò O đứng làm ngoại án…
Đó là đại trí của lăng Mai anh hùng. Địa thế thật xứng hợp với khí tượng của vị anh hùng dân tộc.
Lăng xây xong vào mùa xuân năm Tân Sửu (1961) nhưng đến cuối đông (17 tháng Chạp tức 22-1-1962) mới cải táng Mai anh hùng.
Lễ cải táng rất long trọng.
Trước ngày chính lễ, trung cốt được bốc theo cổ tục. Di hài không còn gì nhiều, chỉ thu lượm được mấy mảnh xương chân, một hột nút huyền và một ít đất đen.
Đồng bào đến dự lễ rất đông. Tất các huyện trong tỉnh đều kéo nhau đến với tấm lòng ngưỡng mộ một vĩ nhân. Dưới sông thuyền bè, trên đường xe ngựa. Người tuy đông nhưng không ồn ào và nơi nào cũng giữ trật tự. Không ai bảo ai, mà ai nấy cũng im lìm, đứng sắp hàng từng đoàn từng toán, dọc theo hai bên đường chiếc linh cữu đi qua.
Từ trước đến nay, ở Bình Định chưa bao giờ có buổi lễ nào tề chỉnh và tôn nghiêm được như thế.
Đó là nhờ lòng tự giác của đồng bào.
Sau khi an táng trung cốt Mai anh hùng ở Núi Ngang, các nhà hảo tâm cùng các nhà du lịch ở phương xa thường đến thăm viếng. Và mỗi năm đến ngày rằm tháng 4 âm lịch, nhân dân Tây Sơn làm lễ kỷ niệm tại lăng.
Trong buổi lễ kỷ niệm, ngoài những thủ tục, các nhân sĩ có tổ chức trầm trà hoa quả và đọc chúc văn, tấu nhã nhạc.
Nếu đi thăm lăng mà gặp ngày cử hành lễ kỷ niệm thường niên, thì khách vãng lai mới nhận thấy rõ ràng tinh thần dân tộc của đồng bào Bình Định, và khí thiêng của sông núi Tây Sơn.
. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)
|