Trước đây vào ngày Rằm tháng 7, cả huyện An Nhơn đổ về An Thái - làng võ nổi tiếng ở đất Bình Định xưa dự lễ Vu Lan, xem hát bội và thi đấu giữa các lò võ cổ truyền qua lễ Đổ giàn. Sở Văn hóa - Thông tin Bình Định hiện đang có đề án phục hồi lễ hội độc đáo đã bị mai một này...
* Ký ức về một lễ hội thượng võ...
Ngày Rằm tháng 7 hằng năm, người An Thái dựng rạp, tổ chức hát bội suốt ba ngày ba đêm. Cảnh này được phản ánh trong ca dao xưa:
Đồn rằng An Thái, Chùa Bà
Làm chay, hát bội đông đà quá đông
Đàn bà cho chí đàn ông,
Xem xong Ba Ngọ, lại trông Đổ giàn.
Hồi ấy, hội Đổ giàn không tổ chức cố định vào một thời gian nào. Có thể hai năm hoặc ba năm một lần. Có lúc hội Đổ giàn được tổ chức vào Rằm tháng 7, nhưng cũng có lúc vào mồng 5 tháng 5 (Tết Đoan Ngọ)... Mục đích ban đầu của Hội là cầu mưa thuận gió hòa, cầu phúc lộc cho dân làng. Nhưng sức hấp dẫn của hội không phải chỉ ở chỗ làm chay, hát bội, mà còn một lý do khác. Đó chính là tiết mục "đổ giàn". Địa điểm "đổ giàn" tổ chức luân phiên tại các chùa Bà, chùa Hội Quán, Gò âm hồn và sau này được dời ra bãi cát sông Côn.
Sau hai ngày cúng tế và hát bội, đến ngày thứ ba thì người dân An Thái bắt đầu cúng chẩn và "đổ giàn". Lễ vật gồm có lá cờ phướn ghi bốn chữ: Phúc, Đức, Thần, Tài cùng với một heo quay nguyên con và gạo muối. Người ta lập một sân khấu ngoài trời làm bằng gỗ hoặc tre khá chắc chắn, cao 5m. Trên giàn có người chủ trò và một đội võ sĩ bảo vệ. Trà trộn trong đám đông người đi xem có nhiều vệ sĩ thuộc các võ đường nổi tiếng như: An Thái, An Vinh, Suối Bèo, Trường Định, Hòa Phong... Họ được phân công, tổ chức phòng thủ chặt chẽ, còn các võ sư thì ẩn trong các quán ăn gần đó để chờ đợi kết quả tỉ thí giữa các đệ tử của mình.
Khoảng 3 giờ chiều ngày thứ 3, sau ba hồi chiêng trống nổi lên báo hiệu lễ cúng kết thúc, bất thần, người chủ trò chặt đứt dây neo giàn và xô đổ con heo quay cùng các lễ vật cúng tế xuống đất... Các võ sĩ tài nghệ cao, phi thân lên giàn tìm cách cướp lấy con heo quay. Sau khi cướp được lễ vật, họ liền vác heo lao ra khỏi đám đông, cố hết sức mang con heo quay về địa điểm an toàn đã định.
Tất nhiên, mỗi nhóm tranh tài đều đã có phân công người bảo vệ, cản ngăn những đối thủ lợi hại khác có thể giật lại heo trên vai. Trong cuộc tranh tài này, các võ sĩ dùng mọi ngón võ, chiến thuật khôn ngoan để giành chiến thắng về mình...
Theo tục lệ, heo quay chiến lợi phẩm sẽ được xẻ ra để khao chung cho tất cả những võ sĩ cùng có mặt trong cuộc tranh tài. Những võ sĩ hay làng võ có người giành chiến thắng được mọi người hoan nghênh và nể trọng. Họ tin rằng năm ấy sẽ gặp hên vì được lộc của thần.
Ý nghĩa của cuộc tranh tài này không nằm trong giá trị vật chất của món quà giành được mà ở giá trị tinh thần, được thể hiện qua tài nghệ của những người dự cuộc với chỗ đứng danh dự trong làng võ. Võ đường nào không cướp được heo thì tiếp tục cho môn sinh luyện tập để chờ dịp khác...
* Cội nguồn địa danh làng võ An Thái
Đất An Thái là một trong những cái nôi của làng võ Bình Định. Khoảng đầu thế kỷ 17 đã có nhiều người Hoa gốc Minh Hương đến sinh cơ lập nghiệp ở làng An Thái. Sau này trở thành thị trấn An Thái (trung tâm của huyện lỵ An Nhơn thời bấy giờ).
Từ thế kỷ 18, nơi đây trở thành trung tâm buôn bán khá sầm uất. Mãi đến những năm trước 1975, An Thái vẫn còn là trung tâm buôn bán với nhiều cửa hàng tạp hóa, nhiều xưởng dệt và lò nhuộm, các cơ sở làm giấy bản và lò làm bún Tàu. Người dân An Thái, ngoài công việc đồng áng và bán buôn, còn rất mê học võ nghệ. Thuở xưa, hầu như con cái sinh ra ở vùng này đều được cha mẹ cho học võ. Nhà giàu thì đón thầy về dạy võ tại nhà, nhà nghèo cũng phải tìm mọi cách để gửi con cho một lò võ nào đó.
Có lẽ vì thế mà trong các lễ nghi, hội hè, hoặc các trò chơi dân gian ở đây đều phản ánh truyền thống hiếu võ này. Đây là nơi từng sản sinh ra những bậc võ nhân kiệt xuất của Bình Định. Người Bình Định vẫn lưu truyền câu ca về tài võ nghệ của các làng võ ở An Nhơn như: Trai An Thái, gái An Vinh hoặc Roi Thuận Truyền, quyền An Thái...
Hiện nay, địa danh "làng An Thái", vừa được phục hồi sau hơn 30 năm bị thay tên gọi là thôn Mỹ Thạnh (Nhơn Phúc - An Nhơn).
* Tái dựng hội Đổ giàn
Do hoàn cảnh chiến tranh, tục Đổ giàn đã bị bãi bỏ từ 60 năm trước. Mới đây, Sở Văn hóa - Thông tin Bình Định đã đề xuất với UBND tỉnh có kế hoạch khôi phục lễ hội độc đáo mang tinh thần thượng võ này.
An Thái hiện còn bốn lò võ lớn là Bình Sơn, Hải Sơn, Quách Cang và Hồ Hoành. Trong đó, lò võ Bình Sơn được xem là lò võ lớn nhất, kết hợp giữa võ Bình Định và võ Tàu. Môn phái Bình Sơn thờ vua Quang Trung làm tổ sư. Ông Lâm Ngọc Phú, trưởng môn phái Bình Sơn cho biết, "dân võ" An Thái đang rất chờ đợi hội Đổ giàn sớm được khôi phục.
. Theo Thể thao & Văn hóa |