Những ngôi mộ cổ ở Bình Định
16:35', 27/7/ 2005 (GMT+7)

Ở Bình Định có những ngôi cổ mộ không xây rồng đắp phụng, không đài điện nguy nga như lăng tẩm các vua nhà Nguyễn ở Huế nhưng vẫn rất được khách du quan hiếu cổ để ý. Sau đây là hai ngôi mộ cổ tiêu biểu.

* Tổ mộ họ Phan

Ngôi mộ nằm ở sườn núi đạp xuống Đông Nam, ở Hội Trung (?) thuộc huyện An Lão. Nhánh sông An Lão chảy từ Bắc vào Nam, rồi quẹo trở ra Bắc thành một cánh chỏ ôm choàng lấy chân núi. Ngôi mộ nằm ngay chỗ cánh chỏ, và con sông An Lão bao lấy mộ ở mặt Tây, mặt Nam và mặt Đông. Ở mặt Bắc lại có những khe nước nhỏ chảy xuống sông. Thành thử bốn mặt cuộc đất đều có nước bao quanh. Địa cuộc rộng chừng một mẫu vuông. Bốn góc có bốn tảng đá mọc tự nhiên, to lớn và phảng phất giống hình bốn con thú.

Các thầy địa lý cho là đại địa, vì "Tứ thủy triều qui, tứ thú tụ" nghĩa là bốn mặt có con nước về chầu, và bốn bên có bốn con thú tụ hợp. Tức là cuộc đất phát lớn.

Nhưng họ Phan coi giữ ngôi mộ này lại nghèo! Trong nhà không có gia phả. Hỏi gốc tích thì đáp là một chi phái của Phan Thanh Giản mà ngôi mộ kia là Tổ mộ. Trước kia thì trong Nam thường có thơ từ gởi đến và thỉnh thoảng có người về thăm. Nhưng ba bốn mươi năm nay, đứt hẳn đường liên lạc.

Về phương diện phong thủy, cuộc đất của họ Phan tốt xấu thế nào không dám chắc, chớ về phương diện phong cảnh thì thật hữu tình, vì có đủ non thanh nước tú, có đủ địch nội ca rừng… Mở mắt trời mây, lòng cũng vơi được nỗi trần lao tục lự.

* Tổ mộ họ Trần

Mộ ở bên tả ngạn sông An Lão thuộc địa phận huyện Hoài Ân.

Cũng như ngôi tổ mộ của họ Phan, ngôi tổ mộ của họ Trần đắp bằng đất, nền nấm không lấy gì làm cao to, có lẽ vì lâu ngày bị gió mưa mài dũa bớt.

Mộ nằm trong ấp Vạn Hội thuộc xã Ân Tín. Phạm vi chừng vài mẫu ta.

Nơi đây là gò đống, chung quanh có núi khe bao vây. Phong cảnh khả ái.

Trên một nấm gò cao ở trước mộ, dựng một tấm bia xây bằng đá, vuông vức, mỗi bề rộng độ hai thước tây, trên mặt đắp bốn đại tự: Trần Gia Tổ Sơn.

Đó là ngôi tổ mộ của Trần Quang Diệu.

Theo lời con cháu họ Trần ở Hoài Ân thì dòng Trần Quang Diệu có hai phái:

- Một ở Bình Định (Hoài Ân)

- Một ở Quảng Nam (huyện nào không rõ).

Đó là theo lời nhà họ Trần, thực tế có một phái ở Quảng Ngãi thì đúng hơn. Vì ở Quảng Ngãi, tại huyện Nghĩa Hành, xã Nghĩa Phú, thôn Nhân Lộc, hiện còn con cháu Trần Quang Diệu. Đó là thầy ba Trình, một lương y có danh và gia phả có nói đến Trần Quang Diệu.

Ngôi mộ này có đã lâu đời lắm.

Truyền rằng người dưới mộ là một vị Thượng thư quán Hoài Ân. Lúc về hưu trí nhận thấy cuộc đất nơi đây có huyệt tinh, quan Thượng bèn khẩn trưng một vùng rộng tám mươi mẫu để làm sanh phần. Quan Thượng thất lộc, con cháu theo lời di chúc, chôn cất và lập bia nơi chỉ định. Mộ phát đến ba đời quan lớn. Trần Quang Diệu là đời cuối cùng.

Nhà Tây Sơn bị diệt, nhà Nguyễn lên ngôi cửu ngũ. Nhà họ Trần sợ, đốt hết giấy tờ thời trước. Tập gia phả phái họ Trần Bình Định do đó cũng thành mây. Tuy vậy con cháu họ Trần không bị nhà Nguyễn làm tội, và suốt mấy triều vua từ Gia Long đến Khải Định, mỗi năm nhà họ Trần cứ mùa thu thì tảo mộ và mùa xuân thì cúng kỵ. Mỗi lần cúng, hạ một trâu, hai bò và bốn heo.

Mộ họ Trần nổi tiếng hơn mộ họ Phan.

Đó cũng do con đường lên xuống mộ họ Trần có phần dễ hơn và thế họ Trần có phần trội hơn. Thêm nữa nơi vùng mộ họ Trần còn ghi những sự kiện lịch sử khiến những người đến viếng mộ lúc ra về mang theo những gì mình đã thu lượm được để truyền lại cho người thân.

Cho nên mỗi lần đến thăm Trần Gia Tổ Sơn, khách du quan được biết thêm hoặc ôn lại những trang lịch sử về đời Tây Sơn, về đời nhà Nguyễn và về cuộc Nghĩa Binh Cần Vương chống Pháp. Vì cuộc đi viếng mộ có lợi nên nhiều người thích đi. Do đó mà Trần Gia Tổ Sơn nổi tiếng.

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định phục hồi lễ hội Đổ giàn  (26/07/2005)
Lăng Mai Xuân Thưởng   (25/07/2005)
Người đánh chìm chiến hạm Hy Vọng của thực dân Pháp  (22/07/2005)
Ẩm thực: Bánh tro  (21/07/2005)
Đền Tây Sơn  (19/07/2005)
Ẩm thực: Bánh tráng  (17/07/2005)
Từ Miếu  (15/07/2005)
Trường Thi Bình Định  (13/07/2005)
Ẩm thực: Vú nàng  (11/07/2005)
Miếu Xà  (10/07/2005)
Ẩm thực: Món "Trót"  (08/07/2005)
Đồng Cô Hầu và Núi Hoàng Đế   (07/07/2005)
Vực Trầm Hương và Giếng Tiên  (06/07/2005)
Hang tối trời  (05/07/2005)
Hòn đá thần  (04/07/2005)