Ở vùng Trần Gia Tổ sơn, tức là vùng Vạn Hội (Hoài Ân) có thứ trà đặc biệt gọi là Trà Cam Khổ.
Giống trà này mọc tự nhiên chớ không trồng được. Lá thô cọng lớn. Hương nồng và mới ngửi phảng phất như mùi mốc. Uống vào vị đăng đắng, nhưng vào khỏi cổ rồi thì ngọt và thơm đến hàng giờ.
Hương vị của trà Cam Khổ khác hẳn các loại trà khác, cả Tàu lẫn ta.
Các giống trà khi chế ra, thứ thì hương nồng vị đạm, thứ thì hương đạm vị nồng. Và tất cả đều chát. Trà Cam Khổ hương vị đều nồng, và chất lại đắng. Những người đã uống trà này thì các trà khác, cho đến cả trà Vũ Di Sơn như Bạch Mao Hầu, Bạch Mẫu Đơn, trà Trảm Mã, trà Liên Tâm, Ô Long… đều chê là dở.
Bởi vậy dưới triều Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức…, trà Cam Khổ ở vùng Vạn Hội chỉ để tiến vua, triều đình cắt người đến canh giữ. Cứ đến tháng ba và tháng chín mỗi năm thì hái đưa về Huế.
Một năm nọ, khỉ ở trên núi kéo xuống ăn phá hết. Mùa tháng ba đã không có trà để tiến, đến mùa tháng chín lại cũng bị mất nữa. Người giữ trà bị tội tử hình.
Nghĩ vì mất một miếng ngon ngọt của nhà vua mà làm đau khổ đến người khác, nên người địa phương mới gọi là "Trà Cam Khổ".
Chuyện chém người giữ trà là chuyện có thật. Nhưng không biết xảy ra dưới triều vua nào. Có lẽ dưới triều Gia Long vì ông là một nhà vua lấy hình phạt làm uy, hễ thần dân có việc làm gì không vừa ý là giết! Nhân dân ghét tính tàn bạo của kẻ cầm quyền, mới mượn vị trà pha vào cho câu chuyện thêm đắng chát. Chớ sự thật thì tên trà do vị trà mà ra.
Bởi vị trà vừa ngọt vừa đắng nên phải mang tên là Cam (ngọt) Khổ (đắng) đó thôi.
. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn) |