Bánh tráng nước dừa
11:10', 31/7/ 2005 (GMT+7)

Cây dừa là sản phẩm được thiên nhiên ưu đãi cho Bình Định. Tinh túy của dừa là phần dầu ổn tàng trong cơm dừa. Ngoài việc lấy dầu, người địa phương còn dùng để làm bánh tráng nước dừa. Đây là đặc sản của cánh Bắc Bình Định. Từ Tam Quan đến Phù Mỹ dọc theo quốc lộ 1 đều có bán nhan nhản.

Cơm dừa được mài trên bàn răng bằng thiếc hay sắt. Cơm dừa tơi ra thành hạt hoặc hình sợi. Phải là cơm dừa già mới tốt - giờ đây cơm dừa đã quánh lại, sền sệt, trắng non. Tất cả đem lên bàn ép - đó là nước dừa dùng để tráng bánh (khác với loại nước trong veo trong trái dừa).

Bột dừa và bột mì mài hòa với thứ nước trắng đục ấy để tráng bánh. Vẫn như cách tráng bánh gạo: Một nồi đồng lớn gọi là nồi bảy, lớn hơn gọi là nồi bung; nồi đựng chừng 2/3 nước bắc lên lò (lò có cấu tạo một bếp thông hơi), đốt bằng trấu hay lá dừa. Trên mặt nồi được căng một tấm vải trắng khá dày. Nước trong nồi sôi là bắt đầu tráng bánh.

Múc một gáo bột đổ lên trên mặt vải, dùng gáo dừa, đáy hơi phẳng, quây bột cho chảy đều trên mặt vải - một nhúm mè đen được rải khắp mặt bánh, tiếp theo là hành hương được xắt, giã cũng rải đều. Nắp nồi bằng tre đan đậy lại, sau chừng nửa phút, tráng một lớp bột thứ hai. Bánh đã chín, người ta dùng một que tre dẹt, mỏng vớt bánh đặt một nửa lên bàn, một nửa thừa ra ngoài. Hơi bánh tỏa ra xung quanh. Trong khoảnh khắc bánh đã ráo. Người thứ hai nhẹ nhàng nhặt từng lá bánh đem phơi trên vỉ gọi là phên bánh. Phơi chừng một buổi là bánh khô.

Chiều xuống họ thu bánh chồng lên nhau và dùng gỗ nặng đè lên trên cho bánh phẳng, cứ mười hai cái, lấy dây chuối cột lại và đem đi tiêu thụ. Bánh hình tròn rất đẹp, mười bánh cũng dày chỉ hai phân.

Bánh đem về nướng trên lò than hồng. Bánh chín nở thêm bề dày, vặn vẹo, thơm phức. Bánh được bẻ nhỏ, chia cho người ăn. Chỉ cần vài bánh thôi có thể phân chia cho mười người ăn. Bánh vừa thơm, giòn lại vừa béo - vừa nhai là bánh đã tiêu theo nước bọt. Người nào thích lắm cũng chỉ xơi chừng một vài bánh thôi. Ăn bánh tráng nước dừa không cần bàn ghế bài bản, vừa ăn vừa nói chuyện, gặp ai cũng mời, cũng chia một phần. Có lẽ vì thế mà nó còn có tên là bánh thơm thảo. Giữa thời buổi kinh tế thị trường, có món ăn nào vừa rẻ, ngon và nhiều lại dễ phân phối như bánh tráng nước dừa đâu?

Có lẽ chỉ có bánh tráng nước dừa là mang nhiều sắc thái Bình Định nhất - nó mang tính đạm bạc, thơm ngon và hiếu khách.

. Theo Văn hóa Ẩm thực Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trà Cam Khổ  (29/07/2005)
Những ngôi mộ cổ ở Bình Định  (27/07/2005)
Bình Định phục hồi lễ hội Đổ giàn  (26/07/2005)
Lăng Mai Xuân Thưởng   (25/07/2005)
Người đánh chìm chiến hạm Hy Vọng của thực dân Pháp  (22/07/2005)
Ẩm thực: Bánh tro  (21/07/2005)
Đền Tây Sơn  (19/07/2005)
Ẩm thực: Bánh tráng  (17/07/2005)
Từ Miếu  (15/07/2005)
Trường Thi Bình Định  (13/07/2005)
Ẩm thực: Vú nàng  (11/07/2005)
Miếu Xà  (10/07/2005)
Ẩm thực: Món "Trót"  (08/07/2005)
Đồng Cô Hầu và Núi Hoàng Đế   (07/07/2005)
Vực Trầm Hương và Giếng Tiên  (06/07/2005)