Mộ ở thôn Trung Tường, huyện Phù Mỹ, đắp đất, cao lớn, bao trùm một diện tích hơn một sào.
Người nằm dưới mộ tên họ gì không được rõ. Chỉ nghe gọi là Ông Khám. Cũng không biết sống về đời vua chúa nào.
Truyền rằng:
Ông Khám là một vị tướng, cầm quân đi đánh giặc, bị tử trận. Đầu ông cùng trống trận và chiêng đồng từ chiến trường bay về cố thổ. Đầu rơi tại Trung Tường, chiêng và trống lại rơi xuống Chánh Hội (Phù Mỹ) là làng chánh của ông.
Đêm đến ứng mộng cho nhân dân hai làng biết. Theo lời trong mộng, nhân dân chôn đầu tại Trung Tường và cất miễu thờ ở Chánh Hội.
Để lo việc lửa hương, triều đình cấp cho dân làng Chánh Hội ba chục mẫu ruộng. Nhưng vì Chánh Hội không có công điền nên lấy công điền ở Trung Tường mà cấp. Hằng năm, xuân đến dân làng Chánh Hội cắt một trăm người cùng lý hương đem chiêng trống, cờ kiệu, sang Trung Tường dẫy mả, rồi rước linh về Chánh Hội cúng tế.
Miếu thờ Ông Khám rất linh. Có một lần kẻ trộm vào miếu lấy mất quả chiêng đồng. Hương lý liền lên hương đèn và gióng trống cầu đảo. Tiếng trống vừa gióng thì liền nghe tiếng chiêng từ xa đưa đến. Theo tiếng chiêng đi tìm thì bắt được kẻ gian cùng tang vật.
Quả trống to như trống sấm nhà chùa. Quả chiêng to bằng nia và nặng hai người khiêng mới nổi. Trống hiện chỉ còn cái dăm. Còn chiêng thì dường như đã bị thất lạc trong thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954).
. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn) |