Rượu Bầu Đá - Mực khô
10:20', 3/8/ 2005 (GMT+7)

Bầu Đá mà nhấm mực khô

Có về âm phủ, (cũng) đội mồ mà lên

Không biết câu ấy có từ lúc nào mà làng nhậu ở Bình Định luôn nhắc nhở mỗi khi lâm cuộc (rượu). Theo sự phỏng đoán của chúng tôi thì đây là một câu ca dao mới, rất mới vì lẽ rượu Bầu Đá mới xuất hiện chừng dăm ba chục năm trở lại đây. Xuất xứ câu nói vui này có lẽ từ dân lưu linh ở đất võ, nó phảng phất giọng điệu của nhà văn, nhà ẩm thực họ Nguyễn. Tôi còn nhớ đại để: Sống ở dương gian không ăn miếng dồi chó, chết xuống âm phủ không biết có hay không? Thảo nào, dân nghiện rượu, nhâm nhi con mực khô với rượu Bầu Đá rất hấp dẫn kia, đến nỗi dù có chết rồi vẫn đội mồ sống lại cũng là lẽ nói vui có thể chấp nhận được.

Xin mời bạn về Bình Định - Quy Nhơn, đi một vòng bạn sẽ thấy nhan nhản những tấm bảng đặt trước cửa hàng rượu Bầu Đá. Chưa biết rượu ngon đến mức nào nhưng chỉ thấy những tấm quảng cáo rất bình dân kia cũng đủ lôi cuốn bạn rồi. Danh tiếng thứ rượu này vang dội, đắt hàng đến nỗi các quán cóc, dù không phải rượu Bầu Đá thứ thiệt cũng cứ ung dung lên bảng rượu Bầu Đá. Cái cảnh treo đầu dê bán thịt chó trở thành bình thường. Thế mà người ta vẫn chấp nhận.

Người ta ca tụng cái vị ngon, thơm của nó. Đây là rượu nấu thủ công như rượu Làng Vân ngoài Bắc hay Nàng Hương trong Nam. Bầu Đá là tên cái bàu, xung quanh bờ chập chùng toàn loại đá núi nhẵn nhụi vì do nước suối bào mòn và chảy vào đó. Bàu ở xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn. Con suối không lớn nhưng quanh năm đều có nước chảy rỉ rả. Dân làng lấy nước ở đấy dùng trong sinh hoạt, kể cả việc nấu rượu. Rượu nấu trong nồi đất lớn, dụng cụ chưng cất toàn bằng tre nức, không dùng đồ kim loại. Có lẽ vì thế mà rượu thành đặc biệt chăng?

Lúc đầu rượu chỉ dùng ở địa phương. Một hôm có đoàn khách lạ trong đó có cả người Nam, Bắc. Dân làng đãi bữa nhậu rượu Bầu Đá và khô mực. Cái ngon được xác nhận, ca tụng hết lời, vài chú sâu rượu dám bảo rằng Whisky ngoại không bì kịp. Rượu Bầu Đá ngon, thơm nồng mà không bị đắng, càng uống càng ngọt. Cái say cứ từ từ thấm vào khiến con mắt như muốn nhắm lại. Ngủ một giấc, trong cơn say thấy mình lâng lâng, bồng bềnh.

Rượu Bầu Đá là thế, dân lưu linh không mê sao được, nhất là khi có con mực khô đưa cay. Món mực khô vừa ngon ngót, ít hao mà lại rẻ nữa. Cao giá lắm cũng chỉ đến mười ngàn là có con mực to bằng bàn tay xòe. Năm ba người bạn gặp nhau kéo vào quán cóc, dưới tán cây đa, cây đề cùng nhau làm vài xị. Rượu Bầu Đá rót vào dĩa, đánh xoẹt que diêm, lửa rượu xanh cứ nhập nhòe. Huơ huơ con mực khô vài phút là có món nhậu tuyệt diệu. Mực vừa giòn, vừa dai, càng nhai càng ngọt. Tợp một ngụm, cái ngọt cứ đọng mãi trong hầu. Cứ thế cho đến lúc đỏ mặt, mềm môi chén mãi tít cung thang. Ai muốn về thì về, ai muốn ngủ thì ngủ. Ngủ cho quên mệt mỏi sau những ngày lao động vất vả, nếu có ai buồn thì ắt cái buồn cũng theo Bầu Đá mà tan biến. Đời sẽ đẹp biết bao từ trong mơ cho đến khi tỉnh giấc.

. Theo Văn hóa Ẩm thực Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mộ Ông Khám  (02/08/2005)
Bánh tráng nước dừa  (31/07/2005)
Trà Cam Khổ  (29/07/2005)
Những ngôi mộ cổ ở Bình Định  (27/07/2005)
Bình Định phục hồi lễ hội Đổ giàn  (26/07/2005)
Lăng Mai Xuân Thưởng   (25/07/2005)
Người đánh chìm chiến hạm Hy Vọng của thực dân Pháp  (22/07/2005)
Ẩm thực: Bánh tro  (21/07/2005)
Đền Tây Sơn  (19/07/2005)
Ẩm thực: Bánh tráng  (17/07/2005)
Từ Miếu  (15/07/2005)
Trường Thi Bình Định  (13/07/2005)
Ẩm thực: Vú nàng  (11/07/2005)
Miếu Xà  (10/07/2005)
Ẩm thực: Món "Trót"  (08/07/2005)