Danh sĩ Trần Văn Kỷ
9:5', 5/8/ 2005 (GMT+7)

Trần Văn Kỷ quê ở làng Vân Trình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trần Văn Kỷ đỗ giải nguyên năm 1777, tiếng tăm lừng lẫy khắp vùng Thuận Hóa. Là một danh sĩ kiệt xuất thời vua Lê chúa Trịnh nhưng Trần Văn Kỷ không bị chi phối quá nhiều bởi tư tưởng "trung quân" mà với ông dân tộc và nhân dân còn quan trọng hơn. Chính vì lẽ đó mà khi tiếp xúc với người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, ông nhanh chóng bị chinh phục và toàn tâm theo phò, dù rằng theo quan niệm chính thống của kẻ sĩ vào thời điểm ấy, làm như ông bị coi là "làm tôi bất trung".

Trần Văn Kỷ được Quang Trung - Nguyễn Huệ trọng dụng, phong làm Trung thư phụng chính, nắm toàn bộ các việc cơ mật trong triều đình. Trần Văn Kỷ tin vào tài năng và đức độ của Quang Trung - Nguyễn Huệ nên không chỉ dốc lòng phụng sự mà còn dụng tâm thuyết phục được nhiều danh sĩ, trí thức Bắc hà ra cộng tác với triều đại mới, tiến cử với Quang Trung - Nguyễn Huệ nhiều nhân tài vào bộ máy nhà nước. Phải xét lại danh sách những người được Trần Văn Kỷ tiến cử mới thấy ông tài ba đến đâu. Nếu không có tài hẳn ông sẽ khó lòng thuyết phục được Võ Văn Ước, Nguyễn Thế Lịch, Vũ Huy Tấn... ra cộng tác với triều Tây Sơn. Nhưng phải là bậc kỳ tài trong thiên hạ mới dám tiến cử Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích với triều đình, bởi lẽ những người này không là danh nhân xuất chúng thì cũng là bậc nhân tài kiệt hiệt, có họ trong triều rất có thể vị trí, sự ảnh hưởng của ông trong triều đình sẽ sút giảm đôi ba phần. Thực tế cho thấy, những người mà Trần Văn Kỷ tiến cử đều đã ghi dấu ấn của mình vào lịch sử của vương triều Tây Sơn nói riêng và của nước nhà nói chung. Và quả thật sau khi được vua Quang Trung tin dùng, một số người còn có vị trí cao hơn cả quan Trung thư phụng chính. Nhưng tất cả không ngăn cản Trần Văn Kỷ trở thành một hiền thần. Không chỉ dốc lòng phò vua mà còn nghĩ đến việc tìm thêm người tài giúp rập cho vua, tâm chí của những người như Trần Văn Kỷ thật cao cả.

Khi Nguyễn Ánh thắng thế, đánh đổ triều Tây Sơn, Trần Văn Kỷ về quê, đổi tên cải dạng nuôi chí khôi phục. Nguyễn Ánh lên ngôi lấy niên hiệu Gia Long và liền ra tay tiêu diệt những người theo Tây Sơn. Riêng Trần Văn Kỷ, thấy ông tài ba lỗi lạc, Gia Long dụ hàng bằng cách mời ông về làm tướng. Ông xin được về quê thăm họ hàng và cúng tổ trước khi về triều. Trên đường về, ngang Ngã Ba Sình, ông rút gươm tự sát. Hôm đó là ngày 24-12-1801. Theo truyền thuyết, ông tự sát ở Ngã Ba Sình nhưng thân xác lại trôi dạt về Vân Trình, được đem chôn thành mộ, còn lại xiêm áo, đai mũ được những người tưởng nhớ công lao của vị tướng lãnh Tây Sơn xin về đem chôn và lập bàn thờ. Vì vậy, ngày nay chúng ta không chỉ thấy ở Vân Trình mà cả ở những làng vùng Ngã Ba Sình cũng có những ngôi mộ và đền miếu thờ ông.

. Khoái Bút

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn  (04/08/2005)
Rượu Bầu Đá - Mực khô  (03/08/2005)
Mộ Ông Khám  (02/08/2005)
Bánh tráng nước dừa  (31/07/2005)
Trà Cam Khổ  (29/07/2005)
Những ngôi mộ cổ ở Bình Định  (27/07/2005)
Bình Định phục hồi lễ hội Đổ giàn  (26/07/2005)
Lăng Mai Xuân Thưởng   (25/07/2005)
Người đánh chìm chiến hạm Hy Vọng của thực dân Pháp  (22/07/2005)
Ẩm thực: Bánh tro  (21/07/2005)
Đền Tây Sơn  (19/07/2005)
Ẩm thực: Bánh tráng  (17/07/2005)
Từ Miếu  (15/07/2005)
Trường Thi Bình Định  (13/07/2005)
Ẩm thực: Vú nàng  (11/07/2005)