Lăng Võ Tánh
14:51', 5/8/ 2005 (GMT+7)

Lăng nằm ở thành Đồ Bàn cũ, trên địa phận huyện An Nhơn. Đó là nơi Võ Tánh cùng Ngô Tùng Châu tuẫn tiết.

Sau khi nhà Nguyễn trung hưng, vua Gia Long truy phong Võ Tánh là Hoài Quốc Công, Ngô Tùng Châu là Hòa Quận Công, và cho dựng đền tại nơi tuẫn tiết để phụng sự, lấy tên là Bát Giác Lầu Từ.

Lăng của Võ Tánh xây ở phía sau đền.

Còn di hài của Ngô Tùng Châu thì gia đình đưa về mai táng tại huyện Phù Cát.

Tên Bát Giác Lầu Từ đặt cho đền thờ là để nhớ nơi họ Võ đã tự thiêu (Lầu Bát Giác do vua Thái Đức dựng). Đền nguy nga tráng lệ. Trước đền có khắc câu đối quốc âm, trích trong bài Văn Tế của Đặng Đức Siêu:

Sửa mũ áo lạy về Bắc khuyết, ngọn lửa hồng mát mẻ tấm trung can;

Chỉ nước non giã với cô thành, chén thuốc độc ngọt mùi chính khí

Nhiều câu đối khác bằng Hán tự. Câu sau đây được nhiều người thuộc và truyền xa:

Quốc sĩ vô song, song quốc sĩ,

Trung thần bất nhị, nhị trung thần.

Chung quanh đền và lăng có thành cao bao bọc, trong thành trồng xoài, thân cao bóng cả, như một đám rừng xanh. Phong cảnh thật trang nghiêm u tĩnh. Những khách du lịch tới Bình Định đều tìm đến quan chiêm.

Năm Tự Đức thứ tư (1851) đền đổi tên là Chiêu Trung.

Nhà Nguyễn có cấp ruộng để lo việc tế tự và việc tu bổ.

Nhưng thời Pháp thuộc, việc chăm coi không được chu đáo, đền hư hỏng lần lần. Đến triều Bảo Đại (1924-1945), các thân hào thân Bình Định mở cuộc lạc quyên, triệt hạ đền cũ lập lại đền mới. Đền xây theo kiểu thức tân thời, trông khang trang nhưng vẫn giữ được vẻ cổ kính.

Từ ấy kẻ thì gọi là đền Song Trung, kẻ thì gọi là Lăng Võ Tánh.

Mỗi năm đến ngày xuân kỳ thu tế, thân hào thân trong tỉnh đến dự đông đảo. Quang cảnh tưng bừng. Đến năm 1947, đền dỡ, thành phá, xoài đốn. Quạnh hiu.

Hiện nay chỉ còn phần mộ của Võ Tánh đắp xi măng, một chiếc tiểu đình hình bát giác (tượng trưng cho lầu Bát Giác ngày xưa) xây gạch, và cửa tam quan gồm bốn trụ ba biểu bằng vôi, đứng chơ vơ giữa khoảng gò trống trải.

Hai con voi đá đứng trước cửa tam quan di tích ngày trước cũng bị phá hủy, đầu văng một nơi, thân chôn vùi một nơi! Và ngọn tháp Cánh Tiên, bản thân đã tang thương nhiều lớp, nhìn thấy cảnh tang thương dồn dập, lòng sanh tê tái, không buồn tan khóc gió mây.

Nhưng cảnh vật tuy đổi thay, lòng người cũng không đến nỗi tan rã hết. Đi ngang qua dãy gò Thành cũ, hành nhân còn thoảng nghe câu hát ngày xưa: "Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên.

Cảm thương ông Hậu thủ thiền ba năm" phảng phất trong hương chiều sương sớm.

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Danh sĩ Trần Văn Kỷ  (05/08/2005)
Mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn  (04/08/2005)
Rượu Bầu Đá - Mực khô  (03/08/2005)
Mộ Ông Khám  (02/08/2005)
Bánh tráng nước dừa  (31/07/2005)
Trà Cam Khổ  (29/07/2005)
Những ngôi mộ cổ ở Bình Định  (27/07/2005)
Bình Định phục hồi lễ hội Đổ giàn  (26/07/2005)
Lăng Mai Xuân Thưởng   (25/07/2005)
Người đánh chìm chiến hạm Hy Vọng của thực dân Pháp  (22/07/2005)
Ẩm thực: Bánh tro  (21/07/2005)
Đền Tây Sơn  (19/07/2005)
Ẩm thực: Bánh tráng  (17/07/2005)
Từ Miếu  (15/07/2005)
Trường Thi Bình Định  (13/07/2005)