Đầm Trà Ổ nằm ở giữa hai xã Mỹ Lợi, Mỹ Thắng (Phù Mỹ). Trà Ổ nhận nước từ các sông nhỏ xung quanh tập trung về. Đầm hai mùa nước, mùa đông nước ngọt từ các con sông chảy về, mùa nắng nước biển hòa nước đầm trở nên mặn. Thủy sản ở đầm khá phong phú, ngoài các loại tôm, cua, cá còn có cá chình.
Cá chình ở đây có màu đen nên được gọi là chình mun. Chình mun sống lâu năm khá lớn con. Người ta còn gọi là chình thâm. Khi cơn lũ đầu mùa bắt đầu cũng là mùa chình. Những ngày nắng, không có nước phù sa dường như không có chình. Chúng xuất hiện rộ lên theo nước ngọt, có phù sa - Có lẽ đây là mùa tìm bạn tình chăng?
Con nào cũng mượt mà, phổng phao. Ngư dân thường bắt được chúng trong nò. Mình tròn, đường kính cỡ chừng một tấc, mập ú, dài chừng bảy tám mươi phân, nó rất mạnh. Chiếc nò nào có lỗ thủng dù nhỏ, nó cũng phá ra để thoát thân. Khi phát hiện ra chúng là ngư dân phải tính ngay đồ chứa. Nếu để chúng thoát ra là không bắt lại được.
Chình cắt ra từng lát đem bán. Thịt chúng màu hồng tươi và thật rắn chắc, đôi khi những sớ thịt còn rung rung dù thân xác của chúng đã bị phân ra nhiều mảnh trước đó vài giờ. Vì thế người mua phải chờ một thời gian nữa mới chế biến. Thịt chình hơi ươn mới ngon.
Chình thâm được xắt ra thành nhiều miếng nhỏ, ướp với tiêu, ớt, muối, hành. Thích hợp nhất là cuốn với lá chanh, kẹp thành từng kẹp như bánh pháo hay từng vỉ đem nướng trên lửa than. Mỡ chình tươm ra bốc thơm lựng. Về mùa lũ, đồ ăn ít mà được một bữa chình nướng lá chanh thì tuyệt. Mùi chình ngồn ngộn tỏa ra khiêu khích khứu, vị giác của thực khách khiến họ không thể chờ đợi. Người không thích nhậu ăn vẫn ngon. Nó không giống thịt bò, thịt cá. Nó có hương vị riêng không lẫn vào đâu được. Vị béo của cá, vị thơm của thịt heo, vị ngọt của thịt rừng. Tất cả hòa quyện vào nhau mà thành thịt chình.
Thịt chình được nhiều người ưa chuộng, mặc dù giá hơi đắt, vì thịt chình rất bổ.
Chình còn tỏ ra hấp dẫn với món hấp và nấu cháo.
Sau khi đã ướp thịt chình với hành, ớt, muối, ta hãy đặt vào trong một tô lớn, xung quanh là nếp với đậu xanh đã gút, bá hạp, câu hỷ, đại táo được bỏ lên trên, tất cả đem hấp cách thủy. Hấp cách thủy là cách nấu cô đặc. Những chất bổ, hương vị ngọt thơm đều nguyên vẹn không tan loãng ra xung quanh nên món chình rất ngọt. Ngoài vị ngọt, chình rất béo, thơm lại được các thứ thuốc bắc nâng hương vị, khiến chình không còn tanh. Món này là món đại bổ dành cho người suy nhược, người tỳ yếu không được ăn nhiều vì sợ hàn.
. Theo Văn hóa Ẩm thực Bình Định |