Mộ Hàn Mặc Tử
8:45', 9/8/ 2005 (GMT+7)

Hàn Mặc Tử tổ tiên ở Thanh Hóa. Lệnh tiên nghiêm sanh và trú ở Thanh Tân, tỉnh Thừa Thiên. Tử sanh ở Lệ Mỹ (Đồng Hới) và lớn lên theo mẹ về ở Quy Nhơn cho đến khi mất.

Tuy không phải người Bình Định, nhưng khoảng đời xây dựng sự nghiệp văn chương nằm hẳn ở Bình Định, nên Tử lúc sanh thời đã coi Bình Định là quê hương, và anh chị em làng Thơ thời Tiền Chiến gọi Tử cùng ba người bạn Chế Lan Viên, Yến Lan, Trường Xuyên là Bàn Thành Tứ Hữu.

Hàn Mặc Tử mang ác tật của Nhiệm Bá Ngưu nên phải vào nhà thương Quy Hòa và mất tại đó. Vì sợ truyền nhiễm, thi hài Tử phải chôn cất tại nghĩa trang nhà thương.

Tử mất ngày 11 tháng 11 năm 1940.

 

                                         Mộ Hàn Mặc Tử (ảnh: Đào Tiến Đạt)

 

Trên hai mươi năm trời nấm mồ Tử nằm trong nơi hiu quạnh. Thật quả như lời Tử đã ước đoán trong Duyên Kỳ Ngộ:

Một mai ở bên kia khe nước ngọc,

Với sao sương, anh nằm chết như trăng.

Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc,

Đến hôn anh và rửa vết thương tâm.

Đó không phải vì gia đình vô tình, bạn bè vô tình, mà chính vì thời cuộc rối rắm, đường giao thông bị cắt đứt, mạng người sống còn xem nhẹ như sợi tơ bay, huống hồ nắm xương vùi dưới đất!

Đến năm 1959, gia đình cùng các bạn thân của Tử mới lo việc cải táng.

Bình sinh Tử rất thích cảnh Đèo Son ở địa đầu thành phố Quy Nhơn. Tử thường nói cùng bạn:

- Sau trăm tuổi nếu được chôn nơi đây để chiều chiều hiện hồn lên nhìn non nhìn nước thì thật là tuyệt thú.

Nhớ lời ao ước xưa kia, bạn và gia đình Tử đi xin đất nơi Đèo Son. Nhưng đất không xin được vì Đèo Son lúc bấy giờ thuộc khu quân sự. Ngoài Đèo Son ra, ở Quy Nhơn không còn nơi nào hơn Gành Ráng, cảnh vừa đẹp, lại vừa gần Quy Hòa rất tiện lợi cho việc di chuyển.

Tất cả mọi việc dường như có tiền định.

Việc cải táng thực hiện vào ngày mồng 6 tháng Giêng năm Kỷ Hợi, tức 13-1-1959.

Nơi này dường như trời để dành sẵn: một khoảnh đất bằng phẳng và đã dẫy dọn sạch sẽ như một cái sân, nằm ngay trên đầu gò cao, lưng tựa núi, mặt ngó ra biển khơi. Lại có con đường nhỏ lên xuống ẩn dưới đám cây cối. Thật là một nơi đắc địa.

Lễ cải táng rất đơn giản. Và người dự lễ chỉ có hai bà chị, hai người em trai, ba người bạn thân và một vị linh mục thỉnh đến để làm lễ mồ. Lễ cử hành giữa khoảng trời không, dưới bóng chiều bảng lảng.

Rồi một tháng sau lăng mộ Tử được xây dựng.

Mộ xây theo kiểu thức tân thời: nấm mộ hình chữ nhật nằm trên ba bậc cấp rộng và cao. Trên đầu dựng bia. Trên đầu bia tạc hình Đức Bà Maria đứng nhìn xuống nấm mộ và đưa tay ra như để đón linh hồn Tử đương quì ở dưới chân.

Mộ trông đơn giản nhưng trang nhã.

Cảnh trí thật thanh u.

Phía sau lưng, tức là phía Nam, núi xanh dựng thành, nơi cao nơi thấp và từng lớp từng lớp chạy ven theo biển cho tới Quy Hòa. Phía trước mặt và phía Đông, biển Quy Nhơn bát ngát và vũng Thị Nại láng lai. Thành phố Quy Nhơn nằm trên lưỡi cát vàng chạy dài ra biển, cửa nhà chen chúc dưới bóng phi lao và đường sá dọc ngang, suốt ngày người qua kẻ lại… Xiên xiên phía Tây Bắc, núi Đèo Son đứng sững ngó vào lăng. Và phía Tây cửa nhà san sát, rồi non chạy từng dãy ngoài xa xa.

Phong cảnh thật thích hợp với tâm hồn thơ.

Phía Đông lăng mộ Tử, xưa kia có lầu vua Bảo Đại.

Từ Quy Nhơn vào mộ Tử đường xe đi thông suốt cho đến chân đồi. Dưới chân đồi lại có một con đường rộng chạy quanh co theo triền núi cho đến chỗ lầu Bảo Đại.

Có đến viếng mộ Hàn Mặc Tử, các bạn nên đi vào buổi mặt trời mới mọc, hoặc vào lúc nắng đã nhạt hơi sương. Ánh hòa quang của biển vừa óng ánh vừa mát mẻ, ánh điều lộng lẫy của ráng nửa chìm sau núi nửa chiếu lên tầng mây, làm cho quang cảnh của lăng thêm vẻ cao sang tú mỹ. Chúng ta có thể ngờ rằng cảnh quang vinh của bậc thiên tài sau lúc mãn phần được thể hiện trên thế giới.

Nếu các bạn đi đến lăng vào lúc đêm trăng, thì chắc các bạn, vẳng nghe tiếng ngâm trong gió:

Ha ha! Ta đuổi theo trăng,

Ta đuổi theo trăng…

Trăng bay lả tả, ngã trên cành vàng,

...

Hô hô! Ta đuổi theo trăng, ta đuổi theo trăng!

Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng!

Thả nàng ra! Tôi thả nàng ra!

Hãy buông nàng xuống cho ta ẵm bồng.

Đố trăng, trăng chạy đàng trời,

Tôi rú một tiếng trăng rơi tức thì.

(Rượt Trăng, Thơ Điên)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chình thâm Trà Ổ  (07/08/2005)
Lăng Võ Tánh  (05/08/2005)
Danh sĩ Trần Văn Kỷ  (05/08/2005)
Mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn  (04/08/2005)
Rượu Bầu Đá - Mực khô  (03/08/2005)
Mộ Ông Khám  (02/08/2005)
Bánh tráng nước dừa  (31/07/2005)
Trà Cam Khổ  (29/07/2005)
Những ngôi mộ cổ ở Bình Định  (27/07/2005)
Bình Định phục hồi lễ hội Đổ giàn  (26/07/2005)
Lăng Mai Xuân Thưởng   (25/07/2005)
Người đánh chìm chiến hạm Hy Vọng của thực dân Pháp  (22/07/2005)
Ẩm thực: Bánh tro  (21/07/2005)
Đền Tây Sơn  (19/07/2005)
Ẩm thực: Bánh tráng  (17/07/2005)