Bình Định có câu ca dao:
Công đâu công uổng công thừa
Công đâu gánh nước tưới dừa Tam Quan
Tam Quan nói riêng, Bình Định nói chung nổi tiếng về dừa nhiều. Cây dừa gắn liền với cuộc sống, các sản phẩm và món ăn từ dừa thì ai cũng có thể kể được và nói được cách làm. Nhưng có một món ăn mà ít ai để ý và cũng không nghĩ đến, đó là nước mắm dừa.
Nếu là lần đầu mà được nếm món nước mắm này chắc hẳn bạn sẽ bảo là nước mắm loại 1 làm từ cá, bởi nó cũng có màu vàng, có vị mặn và thơm ngon. Loại nước mắm này được chế biến từ nước dừa. Mắm dừa có từ lúc nào thật khó mà xác định. Chỉ biết trong những năm kháng chiến ác liệt, đường vận chuyển bị cắt... thì mắm dừa được xem là chủ lực đối với vùng nông thôn, trung du, miền núi. Ngày nay đường vận chuyển được thông suốt, giao thông hàng hóa dễ dàng, mắm cá được đưa vào thì mắm dừa dần dần bị phai mờ và ít làm bởi cách làm rất nhọc công, mất thời gian.
Xin giới thiệu cách làm như sau: Lấy khoảng 20 lít dừa già cho vào xoong nấu cho sôi. Sau đó thì chụm lửa riu riu giữ cho độ sôi đều, lưu ý mở vung. Khi còn khoảng 2 lít thì nước dừa ngả màu vàng, lúc ấy cho muối vào vừa đủ mặn đặt xuống, để nguội, cho vào chai là đã có món nước mắm dừa. Thông thường nấu được 2 - 4 lít mắm dừa phải mất một ngày.
Mắm dừa cũng giống như bao mắm khác, cũng có màu vàng, có vị mặn và để lâu mấy cũng không hư, lại có mùi vị thơm ngon đặc biệt nên được xem như một món đặc sản của xứ dừa, tuy ít ai làm. Nước mắm dừa ngon hơn hoặc không bằng nước mắm cá thì còn tùy khẩu vị từng người.
Ngày nay ít ai chế biến nước mắm từ dừa nhưng không phải là nó bị quên hẳn trong cuộc sống. Chai nước mắm dừa cất giữ lâu ngày được đem ra dùng trong bữa mời khách cũng thể hiện chút tình cảm chân thật của người nông dân Bình Định cần cù, chất phác. Nước mắm dừa cũng được người ăn chay ưa dùng.
. Theo Địa chí Bình Định |