Sông Lại
15:11', 19/8/ 2005 (GMT+7)

Bình Định có 2 con sông lớn mà trong các bản tin dự báo thời tiết, dự báo thủy văn thường được Đài Phát thanh Truyền hình nhắc đến về mực nước. Đó là sông Kôn phía nam tỉnh, bắt nguồn từ rừng núi tỉnh Gia Lai chảy qua các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, An Nhơn, Tuy Phước rồi đổ ra biển. Phía bắc tỉnh là sông Lại bắt nguồn từ miền rừng núi An Lão, Hoài Ân, chảy qua huyện Hoài Nhơn phía cuối thị trấn Bồng Sơn và ra cửa An Dũ để hòa với biển Đông.

Sông Lại từ thượng nguồn vốn là các dòng suối nhỏ nhập vào thành 2 dòng lớn là sông Kim Sơn và sông An Lão. Chúng chảy quanh co luồn lách dưới các chân núi, sườn đồi. Đến thị trấn An Lão thì 2 nhánh nhập làm một để thành dòng lớn mang tên Lại Giang.

Hai nguồn hợp lại thành sông

Cho dòng nước mát ruộng đồng tốt tươi…

Sông Lại phía thượng nguồn thì khúc khuỷu gập ghềnh và chật hẹp. Xuống đến đồng bằng Hoài Nhơn nó rộng rãi thoáng đãng, lòng sông rộng ra vài trăm mét. Mùa mưa nước đục ngầu, cuồn cuộn chảy mang phù sa ra cửa biển. Mùa nắng, nước trong xanh, chảy lặng lờ như vừa đi vừa nghĩ ngợi. Hai bên bờ xanh mát những rừng dừa, bờ tre, bãi mía, nương dâu, ruộng ngô tốt mượt.

Trong hai cuộc kháng chiến, nhiều tuyến đường bộ bị giặc đánh phá và ta cũng đào hầm hố ngăn cản giặc, thì con đường giao liên chủ yếu là dòng sông Lại nối miền núi và miền xuôi. Đồng bào trong vùng địch tạm chiếm nhờ dòng sông để tiếp tế gạo, thuốc men, quần áo, súng đạn cho khu căn cứ cách mạng.

Từ bao đời, nhân dân hai bên sông Lại dựng hàng chục bờ xe đưa nước lên đồng tưới cho hàng trăm héc ta đất canh tác. Những đêm trăng thanh, tiếng guồng nước quay nhịp đều đều như tiếng nhạc du dương hòa quyện với những làn điệu dân ca bài chòi quen thuộc của các cô thôn nữ, âm vang đôi bờ sông Lại.

Ngày nay việc lưu thông trên dòng sông Lại đã hạn chế vì mạng lưới giao thông đường bộ phát triển. Tỉnh lộ 629 từ Quốc lộ 1 đi lên An Lão gần như song hành với sông Lại. Dòng sông bây giờ chỉ còn như một tứ thơ. Bù lại, hai cây cầu lớn, cầu Bồng Sơn đường sắt và đường bộ vắt mình qua mặt nước càng làm cho sông Lại thêm duyên dáng. Nhờ dòng sông bồi đắp phù sa, ruộng đồng tươi tốt nên con người cũng xinh đẹp, tươi ròn.

Gái Lại Giang da trắng tóc dài

Nhìn nhau một khắc nhớ hoài trăm năm…

Đặc biệt sông Lại có một thứ đặc sản nổi tiếng cả vùng là cá bống. Cá bống sông Lại sinh sống ở những vùng nước chảy lờ đờ. Chúng nằm sát mặt cát, đôi vây khe khẽ đung đưa, hai mang phập phồng. Cá bống chỉ to bằng ngón tay, thịt trắng tinh, thớ nhuyễn, mùi thơm chứ không tanh. Bụng cá có cục mỡ màu trắng hồng to bằng quả ớt chỉ thiên. Đây là phần ngon nhất của con bống. Cá bống kho tộ dành cho các nhà hàng. Còn với người lao động thì cá bống kho tiêu trong nồi đất cũng đã là sang lắm. Người đẻ ăn cá bống kho tiêu thì thật lành.

Sau ngày giải phóng (1975), nhân dân bắc Bình Định góp công góp sức xây dựng trên dòng sông Lại một công trình trung thủy nông mang tên "Đập dâng sông Lại", mở rộng mạng lưới kênh mương dẫn nước lên tưới cho 2.000 ha đất canh tác của 9 xã và thị trấn Bồng Sơn, đồng ruộng trước chỉ làm một vụ nay lên 3 vụ ăn chắc.

Dòng sông Lại là một nét đẹp không thể thiếu của xứ dừa Bình Định lắm núi nhưng ít sông này.

. Nguyễn Văn Chương

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bánh hỏi Diêu Trì  (18/08/2005)
Giai thoại về Nguyễn Huệ và Nguyễn Đăng Trường  (17/08/2005)
Chình bông Ngã Tư  (16/08/2005)
Bánh ít lá gai Bình Định  (15/08/2005)
Đô đốc Bùi Thị Xuân xử án  (14/08/2005)
Nước mắm dừa  (12/08/2005)
Gié bò Phú Phong  (11/08/2005)
Mộ Hàn Mặc Tử  (09/08/2005)
Chình thâm Trà Ổ  (07/08/2005)
Lăng Võ Tánh  (05/08/2005)
Danh sĩ Trần Văn Kỷ  (05/08/2005)
Mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn  (04/08/2005)
Rượu Bầu Đá - Mực khô  (03/08/2005)
Mộ Ông Khám  (02/08/2005)
Bánh tráng nước dừa  (31/07/2005)