Chọn kinh đô Phượng Hoàng - tầm nhìn xa của Quang Trung Nguyễn Huệ
10:35', 21/8/ 2005 (GMT+7)

Suốt chiều dài lịch sử của dân tộc từ trước đến nay, trên tả ngạn sông Lam, con sông lớn nhất của xứ Nghệ, đã hai lần được chọn làm kinh đô của cả nước.

Lần thứ nhất, Mai Hắc Đế xây thành Vạn An ở Sa Nam. Lần thứ hai, năm 1788, vua Quang Trung xây Phượng Hoàng Trung Đô dưới chân núi Phượng Hoàng và Kỳ Lân.

Trong chiếu gửi La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, ngày 3-9 năm Mậu Thân (1-1-1788), Nguyễn Huệ viết: "Nhớ lại buổi hồi loan kỳ trước, lúc qua Hoành Sơn, Quả Cung đã từng mở xem địa đồ, thấy ở huyện Chân Lộc, xã Yên Trường, hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng. Có thể chọn để xây kinh đô mới. Thực là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy".

Chỗ đất đẹp ở xã Yên Trường, huyện Chân Lộc để đóng đô chính là vùng đất núi Dũng Quyết.

Từ buổi đầu dựng nước và giữ nước, Dũng Quyết đã là nơi yết hầu, trên con đường thiên lý xuyên Việt, là chốn đô hội của non nước Hoan Châu. Đây là vị trí quân sự trọng yếu. Bằng đường bộ hoặc đường thủy, từ đây con người có thể vào nam, ra bắc, lên ngàn, xuống biển, tiến ra, lùi vào đối với các hướng đều thuận lợi. Thế núi Hồng Lĩnh, núi Dũng Quyết, sông Lam, sông Cồn Mộc là những bức tường thành thiên nhiên phòng thủ rất kiên cố.

Mảnh đất Nguyễn Huệ - Quang Trung chọn để xây dựng kinh đô nằm giữa núi Phượng Hoàng và núi Kỳ Lân nên gọi là Phượng Hoàng Trung Đô hoặc Trung Kinh Phượng Hoàng.

Trên đây là nói yếu tố địa. Trong tầm nhìn văn hóa của Nguyễn Huệ - Phượng Hoàng Trung Đô còn một yếu tố hết sức quan trọng là yếu tố nhân.

Trong suốt quá trình hoạt động Nguyễn Huệ - Quang Trung rất chú trọng tới con người xứ Nghệ.

Con người xứ Nghệ, ngoài những đức tính của người Việt Nam là yêu nước, ghét áp bức bóc lột, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho sự tồn tại của đất nước và phát triển của giống nòi, do đặc điểm riêng của điều kiện tự nhiên và truyền thống đấu tranh anh dũng lâu đời nên đã có những bản lĩnh rất đáng quý. Người xứ Nghệ chuộng những cử chỉ anh hùng, nghĩa khí, quý trọng những gương hy sinh về đất nước, về dân tộc như Mai Thúc Loan, Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí… đều được nhân dân xứ Nghệ dốc lòng ủng hộ trong sự nghiệp dựng nước và bảo vệ đất nước.

Do thực tế cuộc sống đã trải qua, nhân dân xứ Nghệ rất ghét tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh ở đàng Ngoài và tập đoàn phong kiến chúa Nguyễn ở đàng Trong, vì cả hai tập đoàn này đã gây ra cuộc chiến tranh tàn khốc nồi da nấu thịt suốt 200 năm, nhân dân xứ Nghệ phải trực tiếp chịu bao điều cực, khổ nhục.

Đối với nhà Tây Sơn, nhất là Nguyễn Huệ - Quang Trung, người xứ Nghệ luôn luôn dốc lòng ủng hộ.

Ngày 3 tháng 9 năm Mậu Thân (1-10-1788) Nguyễn Huệ - Quang Trung giao cho Trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Thận cùng La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô. Công việc xây dựng đang được khẩn trương tiến hành thì ở Nghệ An gặp hạn hán, mất mùa. Quang Trung xuống chiếu: "Những công việc to, tạm thời hoãn lại. Nhưng Sở Ngũ Hành thì không thể lưỡng lự được, cần phải hoàn thành sớm".

Sau khi đại phá quân Thanh, ý định dời kinh đô từ Phú Xuân ra Nghệ An càng thôi thúc, Quang Trung giao cho Trần Quang Diệu là Trấn thủ Nghệ An tiếp tục trưng dụng thợ thuyền chở gỗ, đá, gạch, ngói xây dựng cung, phủ, lâu đài.

Từ Bắc Hà về, tháng 10 năm Kỷ Dậu (1789), Quang Trung đã hồi giá nghỉ ngơi ở Phượng Hoàng Trung Đô. Tháng 5 năm 1791, từ đây Quang Trung kéo quân lên vùng thượng du Nghệ An để tiêu diệt lực lượng phản nghịch. Tháng 1 năm 1792, khi từ thượng du Nghệ An trở về, Quang Trung cũng dừng chân ở đây.

Vua Quang Trung đang có những dự định to lớn để củng cố, xây dựng, phát triển đất nước thì đột ngột lâm bệnh nặng. Khi tỉnh dậy, Quang Trung cho triệu Trấn thủ Nghệ An Trần Quang Diệu về triều bàn việc dời đô ra Nghệ An. Nhưng việc chưa quyết xong, thì bệnh tình đã nguy kịch. Trước khi mất, Quang Trung đã căn dặn Trần Quang Diệu và các quân thần sớm dời đô về Vinh Đô (Vinh) để khống chế thiên hạ.

Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (16-9-1792), vua Quang Trung mất.

Việc dời kinh đô từ Phú Xuân ra Phượng Hoàng Trung Đô không thực hiện được. Tuy vậy, với tầm nhìn của Nguyễn Huệ - Quang Trung, Phượng Hoàng Trung Đô đã được xây dựng, đã tồn tại trong lịch sử như một cố đô của đất nước.

Phượng Hoàng Trung Đô là chứng tích một triều đại hào hùng trong lịch sử nước nhà.

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sông Lại  (19/08/2005)
Bánh hỏi Diêu Trì  (18/08/2005)
Giai thoại về Nguyễn Huệ và Nguyễn Đăng Trường  (17/08/2005)
Chình bông Ngã Tư  (16/08/2005)
Bánh ít lá gai Bình Định  (15/08/2005)
Đô đốc Bùi Thị Xuân xử án  (14/08/2005)
Nước mắm dừa  (12/08/2005)
Gié bò Phú Phong  (11/08/2005)
Mộ Hàn Mặc Tử  (09/08/2005)
Chình thâm Trà Ổ  (07/08/2005)
Lăng Võ Tánh  (05/08/2005)
Danh sĩ Trần Văn Kỷ  (05/08/2005)
Mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn  (04/08/2005)
Rượu Bầu Đá - Mực khô  (03/08/2005)
Mộ Ông Khám  (02/08/2005)