Cảnh Thịnh Hoàng đế (1793-1802)
15:20', 22/8/ 2005 (GMT+7)

Quang Trung mất ở tuổi 39, khi các con còn nhỏ. Quang Toản là con trưởng mà cũng mới lên 10. Sinh thời, Quang Trung đã lập Quang Toản lên Thái tử. Sự lựa chọn này có lẽ là chính xác. Trước khi mất, Quang Trung đã nhận xét về Thái tử như sau:

- Thái tử là người có tư chất, nhưng tuổi hãy còn nhỏ.

Năm Quí Sửu (1793) Quang Toản chính thức lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh, sai Ngô Thì Nhậm sang nhà Thanh báo tang và xin sắc phong. Vua Thanh vốn đã sắc phong cho Quang Toản làm Thái tử khi vua Quang Trung còn sống nên lập tức xuống chỉ phong Toản làm An Nam Quốc vương. Án sát Quảng Tây được lệnh làm sứ thần đến Bắc Thành, Quang Toản cũng sai người đóng giả nhận thay. Sứ thần nhà Thanh có biết việc ấy song không có phản ứng gì.

Quang Toản lên ngôi vua, vẫn để hai em là Quang Thùy và Quang Bàn giữ tước vị cũ, dùng cậu là Bùi Đắc Tuyên làm Thái sư Giám quốc trông coi mọi việc trong ngoài; Thái úy Phạm Công Hưng giữ việc quân; Trung thủ phụng chính Trần Văn Kỷ làm ở Trung thư cơ mật và Trần Quang Diệu giữ việc văn thư lệnh thị.

Quang Toản tuổi còn nhỏ, mọi việc đều quyết định bởi Bùi Đắc Tuyên. Từ đó Đắc Tuyên ngày càng chuyên quyền, trong ngoài đều oán. Đại thần trong triều ngoài trấn nghi kỵ lẫn nhau, Quang Toản không ngăn chặn nổi đành chỉ khóc lóc mà thôi. Giữa lúc đó lại có cận thần gièm pha rằng, oai quyền của Trần Quang Diệu quá lớn, mưu đồ cướp ngôi… Quang Toản tin là thật, liền rút hết binh quyền của Trần Quang Diệu. Trần Quang Diệu gửi mật thư vào Quy Nhơn hẹn với Lê Văn Trung đem quân ra phế hạ Quang Toản, lập Quang Thiệu lên ngôi.

Việc không thành, Quang Thiệu bị giết, Lê Văn Trung bị chém. Con rể Lê Văn Trung là Lê Chất sợ hãi, bỏ Tây Sơn sang hàng Nguyễn Ánh. Về sau Lê Chất đem quân của Nguyễn Ánh ra đánh thắng Tây Sơn bị thu hết quân trang, quân dụng.

Năm Canh Thân (1800) Nguyễn Ánh vượt biển ra đánh thành Quy Nhơn, tướng Tây Sơn là Vũ Tuấn đầu hàng. Nguyễn Ánh chiếm thành Quy Nhơn, đổi là trấn Bình Định. Giao Võ Tánh và Ngô Tòng Chu giữ thành. Quân Tây Sơn bao vây nhiều tháng mà không hạ được vì Võ Tánh và Ngô Tòng Chu liều chết giữ thành.

Năm Tân Dậu (1801) Nguyễn Ánh ra đánh Phú Xuân. Quang Toản dốc sức chống giữ không nổi, Phú Xuân bị chiếm, Quang Toản phải chạy ra Bắc Hà, đổi niên hiệu là Bảo Hưng. Tháng 8 năm đó, Quang Toản đem quân bốn trấn Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam, Kinh Bắc và quân Thanh Nghệ vào đánh Nguyễn Ánh lại thua, vội rút về Thăng Long.

Ngày 16 tháng 6 năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Ánh ra đánh Thăng Long, khí thế rất mạnh, Quang Toản cùng hai em bỏ thành chạy theo hướng Bắc, bị thổ hào Kinh Bắc bắt được, đóng cũi đưa về Thăng Long. Quân Tây Sơn đến đây hoàn toàn tan rã.

Mùa đông năm 1802, Nguyễn Ánh về Phú Xuân cáo tế miếu, trả thù Tây Sơn cực kỳ tàn bạo và hèn hạ, Quang Toản và những người thân bị hành hình… Ấp Tây Sơn đổi thành ấp An Tây, mọi dấu ấn Tây Sơn đều bị họ Nguyễn xóa sạch.

Quang Toản lên ngôi vua năm 1793, đến năm 1802 thì mất, ở ngôi 10 năm, chết ở tuổi 20. Triều Tây Sơn kể từ vua Thái Đức đến hết Cảnh Thịnh (1778-1802) tồn tại được 25 năm. Cụ thể:

1. Thái đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc (1778-1793)

2. Quang Trung Nguyễn Huệ (1789-1792)

3. Cảnh Thịnh Hoàng đế (1793-1802).

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chọn kinh đô Phượng Hoàng - tầm nhìn xa của Quang Trung Nguyễn Huệ  (21/08/2005)
Sông Lại  (19/08/2005)
Bánh hỏi Diêu Trì  (18/08/2005)
Giai thoại về Nguyễn Huệ và Nguyễn Đăng Trường  (17/08/2005)
Chình bông Ngã Tư  (16/08/2005)
Bánh ít lá gai Bình Định  (15/08/2005)
Đô đốc Bùi Thị Xuân xử án  (14/08/2005)
Nước mắm dừa  (12/08/2005)
Gié bò Phú Phong  (11/08/2005)
Mộ Hàn Mặc Tử  (09/08/2005)
Chình thâm Trà Ổ  (07/08/2005)
Lăng Võ Tánh  (05/08/2005)
Danh sĩ Trần Văn Kỷ  (05/08/2005)
Mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn  (04/08/2005)
Rượu Bầu Đá - Mực khô  (03/08/2005)