Cách mặc của người Bình Định xưa
15:41', 24/8/ 2005 (GMT+7)

Người Bình Định xưa nay ăn mặc giản dị, không xa hoa.

Nhà giàu thì dùng lụa, dùng hàng.

Nhà thường thường và nhà nghèo thì dùng vải ta và thao đũi.

Đàn bà luôn luôn mặc áo dài. Đi cấy đi cắt cũng mặc áo dài. Để khỏi vướng vít thì xăn vạt trước, bằng cách vẹt ra phía sau và giắt vào lưng quần. Áo cụt chỉ mặc trong nhà, nhất là khi ngủ. Quần thì lưng vặn. Vặn có hai ngoai giắt trước bụng, ngó lỏng lẻo nhưng chắc chắn vô cùng. Leo cau không sút, đập lúa không trụt.

Đàn bà con gái đều mặc yếm. Yếm rất ít khi để bày ra ngoài nhưng không mấy người mặc yếm vải. Nếu không may được yếm lụa yếm hàng, mà phải dùng vải thì cũng lựa thứ vải thật mịn thất tốt mà may. Cổ yếm lại may rất công phu vì thường để ló ra nơi cổ áo không gài nút. Mặc yếm, tiếng là để che ngực cho ấm, nhưng sự thật là để làm đẹp cho ngực, nhất là đối với các cô chưa chồng.

Đàn ông thường mặc áo cụt vạt hò, dài quá mổng. Quần ống rộng, đáy rộng và kéo lên trên đầu gối. Để giữ lấy quần, phải buộc dây lưng. Dây lưng thường bằng bằng đũi, bằng thao. Người giàu có thì dùng lụa, kiều cầu, dài đến bốn thước. Sang thì để nguyên khổ. Hà tiện thì xé đôi. Người thanh đạm thì để trắng. Người thích trang điểm thì dùng màu đỏ hoặc xanh. Dây lưng quấn trong mình một hoặc hai bận, và thả lòng thòng trước bụng hai hoặc ba mối, có khi dài tới đầu gối. Mục đích để "diện" và để làm "bình phong" che "bộ tam sơn". Người không tiền sắm dây lưng thì cột bằng dây và thả trật lưng quần xuống quá háng, tục gọi "trật bầu lương".

Áo cụt thường nhuộm màu đà. Quần đàn ông luôn luôn may màu trắng, vải cũng như lụa, thao. Còn đàn bà thì áo dài đen, quần đen. Quần trắng chỉ mặc trong đám tang và trong những ngày đình đám.

Đó là về giai cấp bình dân. Còn nhà khá giả, có học hành, có địa vị trong làng trong huyện, thì ngày thường, những lúc ra đường, mặc áo cụt lụa trắng, hay lụa nâu.

Còn áo dài thỉ chỉ dùng trong lúc có kỵ, lạp, có đám tiệc, hoặc lên đình, lên quan và tới những nơi trưởng thượng. Áo màu chỉ người có chức tước có phẩm hàm mới được mặc. Từ lý hương trở xuống, phải mặc áo đen. Dân lại không được mặc áo có bông, dù là bông nhỏ. Áo dài trắng ít ai dùng. Các nhà sang thường dùng áo lụa, tuy trắng nhưng vẫn dờn dợn sắc vàng, chớ sắc trắng tinh chỉ dùng trong đám tang.

Phần đông người Bình Định đi chân không, nhất là anh chị em nông dân. Nếu đi guốc thì dùng guốc quai dọc, đảo bằng gốc tre khô, bằng lòng mức hoặc bằng vông. Guốc quai ngang mãi thời Pháp thuộc mới có. Song cũng ít thông dụng ở thôn quê. Ở thôn quê để đi củi đi đuốc khỏi đạp gai, anh chị em nông dân thường dùng dép bằng quai trâu phơi khô. Người sang thường dùng dép da thuộc, nhất là đàn bà. Dép da thường thường kết quai dọc, mũi cong. Về sau chế tạo thêm thứ dép bướm cho các nhà sang: Dép quai ngang trên quai kết con bướm bằng cườm xanh cườm đỏ. Các nhà đại phú và các nhà làm quan mới sắm nổi giày và mới được phép mang giày. Giày thường là giày dừa, may bằng nỉ hay nhung, trơn hay thêu kim tuyến hoặc kết cườm. Thời Pháp thuộc sản xuất thêm thứ giày da, tục gọi là giày hạ hoặc giày cá lóc. Thứ giày này "dễ mang" hơn giày dừa, song không phải ai mang cũng được. Phải là người có địa vị kha khá trong làng trong tổng mới được mang.

Trên đầu, trừ các ông sư bà vãi ra, ai nấy đều để tóc. Lúc nhỏ cạo cho mát, nhưng vẫn phải chừa chớp hoặc vá. Khi gần có vợ có chồng thì phải để tóc. Tóc bới ra sau ót. Búi tóc càng to càng tốt. Đàn bà ít tóc, phải bới thêm đầu tóc giả vào. Đàn bà bỏ tóc đuôi gà ít thấy ở Bình Định. Bới tóc bánh ú là kiểu thông thường nhất.

Người xưa rất quý trọng đầu tóc. Một khi đã để tóc rồi bất kỳ trai hay gái, trẻ hay già, không ai dám tự tiện cạo hay hớt bớt.

Năm Mậu Thân (1908), trong khi phát động phong trào "khất sưu", các nhà lãnh đạo hô hào nam giới hãy cắt bỏ "cục ngu trên đầu" nghĩa là hớt tóc ngắn, bỏ tục bới tóc. Chỉ có một số hưởng ứng. Để khỏi bị bức bách, nhiều người phải trốn tránh trên lá mái hoặc trong núi trong rừng. Sau khi dập tắt được phong trào, bọn Pháp lùng bắt người, hễ thấy người nào tóc ngắn là bắt, bất kể ai ai… Thịt rơi máu chảy! Khủng khiếp gieo khắp nơi nơi! Nhưng từ ấy về sau, đồng bào Bình Định bắt đầu hớt tóc ngắn, trước ít sau đông lần lần.

Khi còn để tóc, đàn ông cũng như đàn bà đều ưa xức dầu dừa cho láng tóc. Những người sang và có tiền thường dùng dầu dừa mùi thơm, hoặc dầu ngoại hóa như Song Muội, Cô Ba…

Ít người để đầu trần. Đàn bà thì bịt khăn xéo, đàn ông thì bịt khăn ngang. Khi cúng quải hay đi cùng người trưởng thượng, đàn ông bịt khăn đen, đàn bà cất khăn xéo. Nói chuyện cùng kẻ trên trước, đàn ông, nếu bịt khăn ngang, thì thường cất khăn nắm ở tay. Các cụ già thường chít khăn đầu rìu bằng thao, lụa, hoặc nhiễu, nhuộm đỏ hoặc xanh (Khăn đỏ chỉ để cho các cụ có địa vị trong làng, nước).

Đi ra ngoài đàn bà luôn luôn đội nón, trời mát cũng như nắng mưa. Đàn ông thì tùy thích. Nón chằm bằng lá kè! Thứ nón chớp là thứ thông dụng. Nón Gò Găng chỉ kẻ giàu sang mới dùng vì chỉ đẹp chớ không bền, và nếu gặp mưa thì hỏng. Đàn ông đội nón Gò Găng (tục gọi là nón Ngựa) để cho thêm sang lại bày tra thêm một cái chụp bằng bạc ở trên đỉnh. Lại có thứ nón lông gà, sắc đen, luôn luôn tra chụp bạc. Thứ nón này các thầy chánh tổng thường dùng. Các "công tử" các "văn nho" chỉ đội nón Gò Găng chụp bạc. Nón chụp bạc, Gò Găng cũng như nón lông, đều cột quai bằng hàng và bỏ tua ở dưới cằm. Về sau, đàn ông nhiều người dùng dù, tục gọi là "dù cánh dơi", "dù máy".

Cách phục sức ngày xưa rất đơn giản. Lòe loẹt là điều tối kỵ. Đàn bà con gái mặc được quần lãnh, áo lương, đàn ông con trai mặc được áo cụt nu, buộc dây lưng đỏ, đều đã gọi là sang:

- Gặp người quần lãnh áo lương,

Ngày dài tưởng nhớ, đêm trường chiêm bao.

- Chàng ràng vì áo cụt nu,

Vì dây lưng đỏ vì dù cánh dơi.

Đó là hình ảnh người Bình Định trước chiến tranh thế giới I (1914-1918). Từ chiến tranh thế giới II về sau, cách phục sức thay đổi nhiều, áo cụt vạt hò bỏ lần lần và thay bằng áo cổ giữa và cổ cao đổi ra cổ kiền. Người ta được tự do chọn lựa màu sắc, kẻ thường dân có thể đi giày hạ, mặc áo bông sắc đen hay sắc xanh (ngày xưa chỉ để cho hàng chức sắc), nếu đủ tiền sắm. Không ai có quyền cấm cản. Đàn bà con gái ít người còn bận quần vặn, nhất là con gái hầu hết đều dùng dây lưng rút, bỏ hai mối nho nhỏ dài dài, gió thổi bay phất phơ theo tà áo, hoặc đỏ, hoặc xanh, nửa như trêu, nửa như dấu.

Sang thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thì áo dài bỏ hẳn. Đàn bà cũng như người đàn ông, đều mặc áo cụt. Người sang thì mặc âu phục và mang dép cao su làm bằng lốp xe hơi. Màu sắc thì thanh niên nam nữ thường dùng màu đen, phụ lão ưa màu xám, màu sa, màu nu. Sắc trắng rất hiếm, một là vì sợ tàu bay khủng bố, hai là vì thiếu xà bông để giặt cho sạch… Lúc bấy giờ phần đông phụ nữ đều hớt tóc ngắn. Và đàn ông bới tóc thì "thắp tám cây đuốc tìm cũng không ra".

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cách ăn của người Bình Định xưa   (23/08/2005)
Cảnh Thịnh Hoàng đế (1793-1802)  (22/08/2005)
Chọn kinh đô Phượng Hoàng - tầm nhìn xa của Quang Trung Nguyễn Huệ  (21/08/2005)
Sông Lại  (19/08/2005)
Bánh hỏi Diêu Trì  (18/08/2005)
Giai thoại về Nguyễn Huệ và Nguyễn Đăng Trường  (17/08/2005)
Chình bông Ngã Tư  (16/08/2005)
Bánh ít lá gai Bình Định  (15/08/2005)
Đô đốc Bùi Thị Xuân xử án  (14/08/2005)
Nước mắm dừa  (12/08/2005)
Gié bò Phú Phong  (11/08/2005)
Mộ Hàn Mặc Tử  (09/08/2005)
Chình thâm Trà Ổ  (07/08/2005)
Lăng Võ Tánh  (05/08/2005)
Danh sĩ Trần Văn Kỷ  (05/08/2005)