Trị vì chỉ trong một thời gian ngắn, thế nhưng cùng với những chiến công hiển hách, triều Tây Sơn đã để lại những chiếu văn rất đáng suy gẫm.
Nếu vua Quang Trung với "Chiếu lên ngôi" và "Chiếu cầu hiền" tỏ rõ đức khiêm tốn của một vị vua xuất thân từ trận mạc nhưng có tài chính trị, thì vua Cảnh Thịnh với "Chiếu cầu lời nói thẳng" đã biểu trưng cho tinh thần dân chủ của triều đại…
Lên ngôi khi mới 10 tuổi nhưng với tư chất thông minh, chỉ sau một thời gian ngắn, Cảnh Thịnh đã nhận ra những việc làm nguy hại của bọn quyền thần ngoại thích. Cầu lời nói thẳng, trước hết nhà vua đã nói thẳng bằng cách bá cáo với thần dân những điểm yếu của mình như là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng khó khăn của đất nước.
"Trẫm ít tuổi đức mỏng, lịch thiệp chưa mấy, đấng Tiên hoàng đế sớm chầu trời để lại trách nhiệm nặng nề và gian nan cho trẫm. Khoảng hai, ba năm nay, vận nước gặp lúc gian nan, họ ngoại thích trộm quyền cương, tai biến của trời luôn luôn răn bảo, việc binh lửa không lúc nào ngơi, người hành dịch có khi bị chìm đắm dưới sóng gió, có khi bị mắc vào mũi tên hòn đạn, nào là phải vận tải đưa lương, nào là bị tham quan đục khoét, những sự đau thương của nhân dân nghe nói rất đáng thương…" (Chiếu cầu lời nói thẳng).
Nhìn nhận sát theo quan điểm triết học chính trị "thiên nhân tương dữ" của Nho giáo, nhà vua đã cho rằng chỉ vì mình đức mỏng tài hèn để chính sự phiền hà, gây khổ sở cho nhân dân đến nỗi trời luôn giáng thiên tai để cảnh báo. Quả hiếm có một vị vua nào trong lịch sử đã dám nhìn nhận những sai lỗi như thế về mình.
"Than ôi! Chơi vui là điều nguy hiểm, khoe khoang là cái cơ mất nước. Nay quốc gia đất rộng người nhiều, thực là nhờ công ơn của Tiên hoàng đế mở mang lúc trước. Nhưng đất rộng mà nhiều chỗ hoang phí, dân đông mà có nhiều nơi ca thán, Trẫm đây rất là sợ hãi, dường như đứng trên vực sâu, từ đời xưa, khai sáng công nghiệp là khó, mà sự thủ thành lại càng khó hơn…" (Chiếu cầu lời nói thẳng).
Một triều đại đang an hưng, bậc chăn dân tài giỏi vẫn cầu thị ý kiến đóng góp của thần dân nhưng đó là những kế sách nhằm giúp an hưng hơn nữa đất nước, triều đại. Trong một tình thế cấp bách, điều cứu ứng nhận từ kẻ dưới thường là một liều thuốc đắng cao độ, chẳng hạn lời phê phán một chính lệnh làm nhiễu khổ lê thứ. Nhưng, thời phong kiến, ai dám nói với bậc quân vương điều đó? Bởi thế, việc mở đường cho thần dân phê phán, hiến kế cho mình của vua Cảnh Thịnh là một hành động hết sức tích cực, sát với tinh thần dân chủ ngày nay, vượt qua những khuôn mẫu ràng buộc ngày đó.
"Vì rằng lo lắng như ngồi trên đống củi mà chất lửa ở dưới, không dám lúc nào nguôi. Nay trong thì triều đình, ngoài thì châu quận, xa thì nơi biên ải, nào là kỷ cương chưa thành lập, binh cơ dân chính, xem ra nhiều việc thiếu sót, thẩm lậu, lấp chỗ này thì hẫng chỗ kia. Nói tóm lại, cái tình trệ trễ biếng là cái lòng tự mãn, tự túc, cái tích tập chìm đắm đã lâu không sao kể xiết…" (Chiếu cầu lời nói thẳng).
Giữa lúc khó nguy của đất nước, vương triều, những lời trong chiếu văn như một sự trưng cầu ý kiến nhân dân, ta tưởng nhà vua đang đứng trước một hội nghị Diên Hồng nhưng không phải để đòi "hòa hay chiến" mà là để cầu tìm kế sách bằng những bày giải chí tình.
"Nay phải nghĩ kế bổ cứu tình trệ, việc đáng trước, việc đáng sau, việc gì hoãn, việc gì gấp, trẫm cùng với đại thần hỏi han đạo phải, cho tìm đến chỗ đúng, xưa kia "bậc thánh đế còn hư tâm hỏi đến hạ dân", huống chi trẫm đây còn ít tuổi, lại chưa có đức tính thông sáng, cung kính, mong rằng thần dân trong ngoài khuyên bảo cho trẫm đức hạnh tốt. Kinh Thư có câu: "Dân không có vua thì đội ai ? Vua không có dân thì cùng ai mà giữ nước? ". Tất cả mọi người có lương tâm phải hiểu rõ cái nghĩa trên dưới cùng giúp ích…". (Chiếu cầu lời nói thẳng).
Tuy thuộc những yếu tố tự thân, ngoại tại, sự an nguy, hưng phế của một triều đại là lẽ thường tình trong lịch sử. Nhưng, thật cảm động và cũng thật đáng kính lời trần tình của bậc quân vương đã đặt hết niềm tin tưởng vào thần dân: "Trẫm sẵn lòng nghe lời nói phải để thi hành ra chính sự, mong sao đổi được tệ tục, làm được chính sự hay, giúp đỡ lúc gian nan này. Hỡi các thần dân phải kính cẩn tuân theo, đừng có coi thường mệnh lệnh của trẫm!".
"Đừng có coi thường mệnh lệnh của trẫm!" - Nghĩa tình, nhu ái biết bao cái "mệnh lệnh" không mang tính mệnh lệnh chút nào này!
Ai cũng biết các chiếu dưới thời các vua Quang Trung, Cảnh Thịnh đều do danh thần Ngô Thì Nhậm soạn thảo. Đó là biểu hiện cao nhất sự hòa hợp giữa đức độ, tài năng của nhà vua với đức độ, tài năng của bậc hiền thần - yếu tố bảo đảm cho sự an trị lâu dài của đất nước. Tiếc thay lịch sử dường như đôi lúc đã tạo nên những kết cuộc một cách nghịch lý. Cái chết đột ngột nửa chừng của Quang Trung hoàng đế giữa lúc Nguyễn Ánh - người bền lòng với mưu đồ lớn đã đặt vương triều Tây Sơn vào một ngõ cụt. Nhưng vượt qua thành bại, vượt qua thời gian, cũng như các chiếu biểu nổi tiếng của vua Quang Trung, "Chiếu cầu lời nói thẳng" của vua Cảnh Thịnh là một trong những chiếu văn độc đáo, nói lên một quan điểm chính trị tiến bộ trong nền quân chủ của nước ta. Phải chăng, đây là chiếu biểu khá sớm ở nước ta công nhận quyền ngôn luận của công dân?
. Theo Địa chí Bình Định
|