Nước dừa Bồng Sơn
15:5', 26/8/ 2005 (GMT+7)

Dừa là đặc sản của Bình Định - từ Phù Mỹ trở ra Bồng Sơn, Tam Quan bạt ngàn dừa. Dừa từ trên đồi tiến đến biển, dừa dọc theo triền núi, hồ sông, dừa che mát cả một vùng trời. Dừa được khai thác triệt để, đủ mọi cách dùng.

                    Dừa Bồng Sơn (ảnh: Công Tâm)

Thân dừa làm sườn nhà, lá để lợp, cọng dừa để làm chổi, xơ bện dây, sọ làm gáo, làm than hoạt tính. Phần chính là trái: cơm dừa để ép dừa, xác dừa để nuôi heo. Mùa ép dầu bận bịu, nước dừa dư thừa phải đổ. Uống không hết mà lại không để dành được. Thật là uổng phí. Cái nhược điểm của nước dừa là khi để nước dừa tiếp xúc với không khí, nước có vị chua chua, mất ngon. Giá mà bằng một phương cách nào đó, các nhà khoa học tìm cách tích trữ, giữ được nguyên vị, vô lon, đóng chai thì nước dừa trở thành một thức uống trong lành và thú vị.

Nước dừa thanh ngọt, lành hơn mọi thức uống khác vì nước được chắt lọc qua bao nhiêu công đoạn tự nhiên của cây dừa. Nước dừa vô trùng và nhiều vi lượng, khoáng chất cần thiết cho cơ thể con người nhưng người xứ dừa chỉ mới khai thác một phần rất nhỏ.

Dừa có nhiều giống từ dừa xanh, dừa lửa cho đến dừa xiêm. Nước dừa nào cũng tốt nhưng dừa xiêm tỏ ra thích hợp nhất trong việc cung cấp nước uống.

Vào những ngày hè nắng nóng, đến thăm viếng một người bạn ở quê thế nào bạn cũng được thết một bữa nước dừa. Một buồng dừa chừng mười lăm trái được hạ xuống thật dễ dàng. Một em bé hay cô gái cầm chiếc "nài" vòng tròn hoặc hình số 8 đặt vào đôi bàn chân, tay bám thân dừa, thoăn thoắt leo lên tận đọt dừa. Chiếc dao liêm đã sẵn sau lưng. Phập! Thế là một buồng dừa rơi xuống.

Bằng những động tác rất quen thuộc, chỉ trong một phút là quả dừa chỉ còn phần sọ. Một nhát dao nữa đưa phăng qua, lưỡi dao chỉ ăn xớt một phần sọ dừa, một phần cơm dừa hiện ra, nước không đổ ra ngoài, cắm ống hút vào, thế là bạn đã có một thứ giải khát tuyệt vời.

Nếu bạn muốn thưởng thức món "dừa nạo" thì chắt nước ra ly, đưa chiếc muỗng cán thật dài nạo phần tớt dừa, màu đùng đục. Bạn vừa được uống vừa được ăn.

Ở các quán giải khát, người ta còn thêm một tí muối rang, một muỗng đường và nước đá. Nước dừa trở thành thức "hiện đại" hơn.

Dọc theo quốc lộ 1, khi đến Tam Quan, Bồng Sơn, xe khách dừng sẽ rộ lên những tiếng mời chào: "Nước dừa đây"!. Bạn chỉ cần gật đầu là được xem ngay một bài biểu diễn: Một cô gái tay cầm chiếc rựa nhỏ bén, sáng loáng, tay vung qua lại nhịp nhàng, trong khoảnh khắc những miếng vỏ dừa xanh tách ra, cái gáo dừa trắng xuất hiện, một nhát dao nhẹ mà thật chính xác, chiếc dao chỉ cắt phần sọ, phần cơm dừa vẫn nguyên vẹn. Cắm ống hút vào là uống ngay, cơn khát cứ theo nước dừa mà tiêu tan. Ta lắng nghe nước dừa tan dần vào cơ thể mát rượi.

Điều đáng nói hơn là kỹ thuật chặt dừa. Không biết động tác treo ngành trong "Vang bóng một thời" của Nguyễn Tuân nó chính xác tới mức nào, ghê rợn làm sao chứ động tác "phạt mõm dừa" của các cô gái miền sông Lại thì chính xác đến từng ly (mm) mà nhẹ nhàng như trò chơi.

Có vài người khi qua đây họ luôn uống nước dừa, không hoàn toàn chỉ để giải khát mà còn để xem một bài biểu diễn "phạt dừa" - Dịu dàng như một vũ khúc, đôi khi hùng dũng như bài thảo quyền.

Nước dừa Bình Định quả là một thức uống trong lành mà còn mang nét linh động của võ thuật. Thức uống của "xứ võ" có khác.

. Theo Văn hóa Ẩm thực Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
"Chiếu cầu lời nói thẳng" của vua Cảnh Thịnh   (25/08/2005)
Cách mặc của người Bình Định xưa   (24/08/2005)
Cách ăn của người Bình Định xưa   (23/08/2005)
Cảnh Thịnh Hoàng đế (1793-1802)  (22/08/2005)
Chọn kinh đô Phượng Hoàng - tầm nhìn xa của Quang Trung Nguyễn Huệ  (21/08/2005)
Sông Lại  (19/08/2005)
Bánh hỏi Diêu Trì  (18/08/2005)
Giai thoại về Nguyễn Huệ và Nguyễn Đăng Trường  (17/08/2005)
Chình bông Ngã Tư  (16/08/2005)
Bánh ít lá gai Bình Định  (15/08/2005)
Đô đốc Bùi Thị Xuân xử án  (14/08/2005)
Nước mắm dừa  (12/08/2005)
Gié bò Phú Phong  (11/08/2005)
Mộ Hàn Mặc Tử  (09/08/2005)
Chình thâm Trà Ổ  (07/08/2005)