Tục nhuộm răng của con Tiên cháu Rồng cũng được người Bình Định áp dụng triệt để. Từ đàn bà đến đàn ông, từ kẻ giàu đến người nghèo, ai nấy lớn lên đều lo nhuộm răng. Câu "răng trắng nhẻ như răng Chệt" là một câu chê những kẻ không làm theo.
Tục nhuộm răng ở Bình Định lần lần theo tục để tóc mà giảm bớt mức quan trọng. Sau phong trào khất sưu, đàn ông đã bắt đầu để răng trắng. Và đến lúc Tây học thịnh hành, thì con gái bỏ hẳn nhuộm răng, nhất là các cô được đi học.
Nhuộm răng có lẽ do ăn trầu mà ra. Ở Bình Định tất cả đàn ông đàn bà đều ăn trầu. Ăn trầu mà không nhuộm răng thì thật là "mất mỹ thuật", nhất là các cô các bà mà nhiều khi một nụ cười giá đến ngàn vàng. Nếu nhuộm răng cho đen nhánh, ăn trầu cho má ửng hồng cho đôi môi đỏ thắm, mỗi khi mở miệng cười thì có khác gì quả dưa hấu chín xẻ đôi. Mắt chỉ trông mà cổ đã thấy ngọt!
Nhưng rồi sắc trắng trông đẹp hơn màu đen nhánh, nên hạt ngọc thay thế lần lần cho hạt huyền. Ở Bình Định cũng như ở các tỉnh khác, tục nhuộm răng đã dần trở thành kỷ niệm.
Tục ăn trầu đi đôi với tục hút thuốc. Nhưng ở Bình Định đàn bà cấm hút thuốc. Người "ngoại lệ" rất hiếm hoi. Còn đàn ông thì tha hồ phun mây nhả khói. Trước kia cũng thế bây giờ cũng thế. Có lẽ là tục chung trong hoàn vũ, chớ không riêng Bình Định.
. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn) |