Nguyễn Huệ và tư tưởng đánh tiêu diệt
9:22', 29/8/ 2005 (GMT+7)

Trong sự nghiệp đấu tranh vũ trang bảo vệ Tổ quốc, sở dĩ Nguyễn Huệ đạt được thành tựu to lớn trong một thời gian ngắn như vậy chính là ông đã biết lấy tư tưởng đánh tiêu diệt làm tư tưởng chỉ đạo tác chiến cơ bản trong toàn bộ các cuộc chiến tranh, từ cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Xiêm năm 1785 đến cuộc chiến tranh chống quân Mãn Thanh năm 1789.

 

Quang Trung - Nguyễn Huệ cưỡi voi vào thành Thăng Long (cảnh tái hiện tại lễ kỷ niệm 215 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa).

 

Trước hết, tư tưởng đó đã biểu hiện ở chỗ lấy việc bảo tồn mình, tiêu diệt địch làm nguyên tắc chỉ đạo tác chiến và lấy việc tiêu diệt địch làm mục tiêu chủ yếu của chiến tranh. Chính Nguyễn Huệ đã huấn thị cho quân sĩ trước khi vào cuộc chiến năm Kỷ Dậu: "Ai bằng lòng chiến đấu thì hãy vì ta giết sạch quân giặc. Nếu ai không muốn thì hãy xem ta giết vài vạn người trong một trận, đó không phải là chuyện hiếm lạ đâu".

Hai là, tư tưởng đánh tiêu diệt biểu hiện xác định những hình thức chủ yếu của trận đánh. Tuy quân Tây Sơn đến lúc ấy đã thông thạo cả đánh vận động cũng như đánh công kiên nhưng xuất phát từ tư tưởng đánh tiêu diệt, nhất là dựa vào tinh thần yêu nước, tinh thần chiến đấu rất cao của những chiến binh nông dân vừa mới được giải phóng, đánh vận động vẫn được chọn làm hình thức tác chiến chủ yếu. Chính vì vậy mà dụ quân Xiêm đến để tiêu diệt gọn chúng ở chiến trường sông nước Rạch Gầm - Xoài Mút là phương pháp tác chiến thích hợp nhất. Ngay cả trong trường hợp phải công thành như sau khi tiến công đồn Ngọc Hồi, một "điểm rắn" trong cuộc chiến tranh năm 1789, quân ta cũng đã có những hành động tích cực như xua địch phải rút chạy vào trận địa mai phục để tiêu diệt gọn.

Ba là, tư tưởng đánh tiêu diệt biểu hiện ở chỗ "biết người biết mình", tranh thủ chủ động. Từ đó, những phương pháp, thủ đoạn, cách thức thích hợp nhất đã được đề ra nhằm đi tới đánh chắc thắng. Đó là việc nghị hòa với Chiêu Tăng trong cuộc chiến tranh chống quân Xiêm và hai lần trá hàng nhằm "kích tướng" với Tôn sĩ Nghị trong cuộc chiến tranh chống quân Mãn Thanh.

Trong những trường hợp có nguy cơ mất quyền chủ động, Nguyễn Huệ cũng đã nhanh chóng, linh hoạt xử trí tình hình, tìm mọi cách giành lại. Ví như việc rút lui khỏi Gia Định cuối năm 1784 cũng như việc rút lui khỏi Thăng Long cuối năm 1788 chính là nhằm né sức mạnh của quân xâm lược lúc ban đầu để tạo thế chiến thắng cho những đòn phản công chiến lược trong thời gian sau đó.

Bốn là, tư tưởng đánh tiêu diệt biểu hiện trong các phương pháp tác chiến. Ở đây điều chủ yếu và nổi bật là phương pháp tập trung gần như toàn bộ lực lượng đánh vào chính diện và một hoặc hai cạnh sườn của đối phương nhằm đạt tới mục đích trước hết là tiêu diệt một bộ phận địch và đánh tan một bộ phận khác. Việc làm đó đã tạo điều kiện thuận lợi để quân đội nhanh chóng di chuyển binh lực, tập trung sức mạnh, tiêu diệt một bộ phận khác cho đến lúc tiêu diệt hoàn toàn. Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là một trường hợp điển hình. Sau khi chính diện phía Nam và sườn phía Đông bị toàn bộ lực lượng quân ta chọc thủng, địch phải rút chạy về phía Bắc, thì các đội phục binh của ta, gồm mấy trăm voi chiến, di chuyển từ Đại Áng đến, đẩy chúng xuống tử địa Đầm Mực.

Năm là tư tưởng đánh tiêu diệt biểu hiện trong việc dàn thế trận. Đó là cách bố trí có điểm chính (khối quân địch ở bờ Nam sông Hồng), có điểm phụ (các khối quân địch ở Hải Dương, Sơn Tây) và luôn luôn nắm vững một đội dự bị quan trọng (mấy trăm voi chiến). Cách bố trí đó thể hiện tư tưởng tập trung tiến công trên một điểm (Ngọc Hồi) cùng với tiến công trên nhiều mặt (Cung Tây Long, Hải Dương) đồng thời có sự nổi dậy của nhân dân các xã ngoại thành. Mọi hành động trên các mặt đều nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thắng lợi quyết định tại một điểm.

Sáu là, tư tưởng đánh tiêu diệt biểu hiện ở sự vận dụng chiến thuật một cách cơ động, linh hoạt và đánh địch thật bất ngờ. Bất kỳ trong điều kiện nào, quân xâm lược cũng bị động nên luôn bị dồn vào thế yếu. Chính vì vậy dù địch có chuẩn bị kỹ lưỡng đến đâu cũng vẫn bị lừa. Chúng chuẩn bị nơi này, bị đánh nơi kia, chuẩn bị chu đáo thời gian này, bị đánh thời gian khác. Ngọc Hồi - Đống Đa là một hội chiến đã gây cho địch nhiều bất ngờ nhất, từ chiến lược đến chiến thuật, từ cách đánh đến vũ khí, từ địa điểm đến thời gian… Địch đinh ninh chiến sự sẽ diễn ra ở Phú Xuân nhưng không ngờ lại diễn ra ở Thăng Long mà ngay ở Cung Tây Long, thậm chí tại phòng ngủ của chủ tướng giặc; địch định sẽ mở cuộc tiến công sau Tết Nguyên Đán nhưng lại bị tiến công ngay trong những ngày Tết; đến nỗi khi quân ta đã tiến đến Ngọc Hồi, nhưng vì giỏi che giấu hành động thực nên ngay cả Tôn Sĩ Nghị cũng cho rằng: "… Đối với giặc, không có gì đáng lo ngại"…

Bảy là, tư tưởng đánh tiêu diệt biểu hiện ở việc khéo sử dụng các quân, binh chủng và giỏi tổ chức hiệp đồng chặt chẽ động tác của chúng trong tác chiến. Trong cuộc chiến tranh năm 1785, chỉ bằng một hội chiến quyết định, thủy quân ta đã "xóa sổ" đạo quân xâm lược nhưng trong cuộc chiến tranh năm 1789 thì sự hiệp đồng giữa thủy quân với bộ binh giữa bộ binh với pháo binh, tượng binh lại được diễn ra rất khăng khít. Ngay việc thống nhất về giờ nổ súng giữa mặt trận Cung Tây Long và mặt trận Ngọc Hồi cũng thể hiện rõ tính kỷ luật rất nghiêm về thời gian hiệp đồng tác chiến.

Tám là, tư tưởng đánh tiêu diệt biểu hiện ở sự chuẩn bị hết sức chu đáo về mọi mặt trước khi mở chiến dịch. Ví như ngày 21-12-1788, ở Phú Xuân, sau khi nhận được tin quân Mãn Thanh vào Thăng Long thì chỉ một ngày sau, ngày 22-12-1788, đại quân, hàng mấy vạn người, đã lập tức lên đường hành quân ra Bắc. Nếu không ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao độ, làm sao có thể hành động được kịp thời.

Dưới sự chỉ đạo của một tư tưởng tác chiến như vậy cho nên 5 vạn quân Xiêm bị nhấn chìm xuống đáy sông nước Rạch Gầm Xoài Mút chỉ trong một buổi sáng và bốn năm sau đó, 29 vạn quân Mãn Thanh bị loại khỏi vòng chiến đấu tại vùng đất Thăng Long và vùng đất phụ cận chỉ trong khoảng 5 ngày đêm.

Những chiến thắng vĩ đại đó trong các cuộc chiến tranh yêu nước cuối thế kỷ XVIII được xem là đã đạt tới đỉnh cao của văn hóa quân sự Việt Nam thời điểm ấy.

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tục nhuộm răng - ăn trầu của người Bình Định xưa  (28/08/2005)
Nước dừa Bồng Sơn  (26/08/2005)
"Chiếu cầu lời nói thẳng" của vua Cảnh Thịnh   (25/08/2005)
Cách mặc của người Bình Định xưa   (24/08/2005)
Cách ăn của người Bình Định xưa   (23/08/2005)
Cảnh Thịnh Hoàng đế (1793-1802)  (22/08/2005)
Chọn kinh đô Phượng Hoàng - tầm nhìn xa của Quang Trung Nguyễn Huệ  (21/08/2005)
Sông Lại  (19/08/2005)
Bánh hỏi Diêu Trì  (18/08/2005)
Giai thoại về Nguyễn Huệ và Nguyễn Đăng Trường  (17/08/2005)
Chình bông Ngã Tư  (16/08/2005)
Bánh ít lá gai Bình Định  (15/08/2005)
Đô đốc Bùi Thị Xuân xử án  (14/08/2005)
Nước mắm dừa  (12/08/2005)
Gié bò Phú Phong  (11/08/2005)