Tìm hiểu Đàn Nam Giao nhà Tây Sơn ở Bình Định
7:52', 30/8/ 2005 (GMT+7)

Trong tín ngưỡng của phương Đông nói chung, đều có quan niệm giống nhau về vũ trụ, trời - đất là hai thế lực siêu nhiên được tôn thờ, cho nên khi làm một việc gì đều phải làm lễ cáo, ở địa vị thứ dân (dân thường) thì sắm một cái lễ nhỏ, còn các bậc đế vương thì lập đàn tế. Nơi chọn lập đàn thường là vị trí cao, nơi "tiếp giáp" của trời và đất, hướng lập đàn chọn hướng nam của kinh thành, nên gọi là Nam Giao (đàn tế trời đất).

 

              Đàn Nam Giao - tục danh là Hòn Chùa, nơi Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế !

 

Các triều đại phong kiến Việt Nam từ Lý, Trần, Hồ, Lê, Nguyễn đều cho đắp Đàn Nam Giao. Theo lễ nghi đã quy định cũ, nhà Tây Sơn dưới triều Thái Đức khi lên ngôi Hoàng đế, nhà vua cũng cho lập đàn để tế Trời, Đất. Theo "Đồ bàn Thành ký" của Nguyễn Văn Hiển chép: "Niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 37 nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc nhân đó mà đóng đô, mở rộng cửa đông kéo dài tới 15 dặm, tường thành được đắp cao rồi xây bằng đá ong, bề cao tới 1 trượng 4 thước, bề dày 2 trượng, mở thêm một cửa thành ra 5 cửa, riêng phía trước có hai cửa, bên tả là cửa Tân khai, bên hữu là cửa Vệ môn, phía tây thành có đắp con đê Đỉnh Nhĩ là đề phòng  nước lụt, phía tây nam có đàn Nam Giao để tế trời đất …". Dựa vào cứ và liệu này, các nhà khảo cổ đã có cuộc khảo sát tại vị trí mà cách đây trên hai thế kỷ Nguyễn Nhạc đã cho đắp đàn để cáo tế trời đất về việc lên ngôi của mình và cầu cho Quốc Thái Dân An. Đàn Nam Giao là một hòn núi đất có vị trí cao nhất ở vùng này, núi nằm ngay bên trong thành ngoại của thành Hoàng Đế. Cho đến nay, khi đề cập đến Đàn Nam Giao, giới nghiên cứu chỉ mới chú ý đến Núi Bân, đàn Nam Giao nơi lên ngôi của triều Quang Trung, gần như chưa ai quan tâm đến còn có một Đàn Nam Giao của nhà Tây Sơn, nơi lên ngôi của Nguyễn Nhạc dựng nên triều Thái Đức, còn khá nguyên vẹn khuôn viên và dấu tích. Nơi gọi là Đàn Nam Giao chép trong sử sách, tục danh của nhân dân thường gọi là Hòn Chùa, trên đỉnh khá bằng phẳng, bốn cạnh vuông vức, mỗi cạnh khoảng 30 m, hiện trên bề mặt còn vương vãi rất nhiều mảnh gạch ngói kiểu âm dương, chung quanh còn thấy một số viên đá ong còn sót lại kích cỡ 30cm x 40cm x 10cm, rất có thể đó là những đá ong dùng để kè chân móng xây bờ tường lan can. Ngoài những mảnh ngói âm dương, còn thấy dấu vết bờ tường xây bằng gạch của người Chăm, điều đó cho thấy trước khi Nguyễn Nhạc chọn lập đàn tế, trước đó đỉnh núi này dưới thời vương triều Viyaja của Champa đã cho xây một kiến trúc mang tính tín ngưỡng nào đó. So với Đàn Nam Giao của các vương triều Việt Nam còn lại, Đàn Nam Giao nhà Tây Sơn  được xây dựng dưới triều Thái Đức có quy mô không kém gì các triều đại trước. Điều đáng quan tâm là trong khi đàn Nam Giao của các vương triều trước, kể cả vương triều Nguyễn, gần như trong tình trạng bị hoang phế thì Đàn Nam Giao của triều Tây Sơn lại còn khá nguyên vẹn. Đứng trên đỉnh của Đàn Nam Giao  ta mới thấy Nguyễn Nhạc quả là có con mắt nhìn của bậc đế vương, khi chọn nơi này để tế Trời - Đất cho việc định đô cho vương triều của mình. 

Đã có nhiều cuộc hội thảo chuyên đề về triều Tây Sơn, và cũng đã có nhiều chuyên khảo nghiên cứu được xuất bản nhưng chưa có một ý tưởng nào đặt vấn đề nghiên cứu ngay trên di tích, nơi phát tích của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Kết quả nghiên cứu bằng phương pháp khảo cổ học do Bảo tàng Bình Định tiến hành trong 2 năm (2004 và 2005) tại Tử Cấm thành Hoàng Đế đã cho thấy, những dấu tích kiến trúc được xây dựng dưới vương triều Thái Đức, vương triều Tây Sơn còn lại khá nguyên vẹn, từ dấu vết cung điện, nhà Thái miếu đến các kiến trúc khác, vẫn được bảo vệ trong lòng đất nơi này, không những dấu tích thành quách mà cả dấu tích Đàn Nam Giao nữa cũng còn nguyên vẹn. Thực tế, đến nay, chưa một nơi nào trên đất nước Việt Nam, mà còn để lại dấu vết nguyên lành, phong phú liên quan đến triều Tây Sơn như Bình Định. Đã đến lúc phải đặt vấn đề nghiên cứu nghiêm túc tại vị trí này, tương lai tại trong Tử Cấm thành cần có một kiến trúc thờ tự nhà vua Thái Đức - mảnh đất chính nơi đó ông lên ngôi Hoàng đế.

. Đinh Bá Hòa

(Bảo tàng Bình Định)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nguyễn Huệ và tư tưởng đánh tiêu diệt  (29/08/2005)
Tục nhuộm răng - ăn trầu của người Bình Định xưa  (28/08/2005)
Nước dừa Bồng Sơn  (26/08/2005)
"Chiếu cầu lời nói thẳng" của vua Cảnh Thịnh   (25/08/2005)
Cách mặc của người Bình Định xưa   (24/08/2005)
Cách ăn của người Bình Định xưa   (23/08/2005)
Cảnh Thịnh Hoàng đế (1793-1802)  (22/08/2005)
Chọn kinh đô Phượng Hoàng - tầm nhìn xa của Quang Trung Nguyễn Huệ  (21/08/2005)
Sông Lại  (19/08/2005)
Bánh hỏi Diêu Trì  (18/08/2005)
Giai thoại về Nguyễn Huệ và Nguyễn Đăng Trường  (17/08/2005)
Chình bông Ngã Tư  (16/08/2005)
Bánh ít lá gai Bình Định  (15/08/2005)
Đô đốc Bùi Thị Xuân xử án  (14/08/2005)
Nước mắm dừa  (12/08/2005)