Bún tôm Phù Mỹ
8:1', 31/8/ 2005 (GMT+7)

Bún tôm Phù Mỹ chỉ là một món ẩm thực dân dã, bình dị. Vậy  mà, bất kỳ người dân Phù Mỹ nào xa quê cũng luôn nhớ về quê mẹ từ cái hương vị mộc mạc, thân thương của tô bún tôm nghi ngút khói…

Bún tôm Phù Mỹ có từ khá lâu. Những người già kể lại rằng, ngày xưa đầm Châu Trúc rất nhiều tôm cá. Người dân đánh bắt và đem muối mắm hoặc phơi khô để ăn dần. Nhưng rồi ăn mãi cũng chán thế là một người nào đó thử chế biến tôm tươi để nấu nước ăn với bún và trở thành một món ăn không thể thiếu của mọi nhà, mọi người.

Tôm bắt về còn ánh xanh màu vỏ, nhảy tanh tách trong chậu, được đem ra làm thật sạch, bỏ vào cối giã cho đến khi nào sờ tay vào thấy mềm nhuyễn là được. Hành tươi bóc vỏ (phải là thứ hành củ nhỏ, màu tím đậm), giã kỹ, thêm một ít tiêu, một ít bột ngọt, một ít nước mắm trộn đều vào ướp tôm đã giã nhuyễn. Người sành ăn khi ướp tôm với gia vị còn cho thêm vài cái lòng đỏ trứng gà và một ít rượu trắng để cho màu sắc của tôm đã giã thêm đậm đà đẹp mắt. Gạo để làm bún phải là loại gạo ngon, được ngâm theo một công thức riêng sao cho khi xay ra thành bột phải vừa đủ độ trắng, vừa mịn, vừa dẻo. Bột được cho vào một cái ống bằng sắt hình bầu dục rồi dùng một khúc cây dài để tạo lực, ấn mạnh vào nắp đậy của ống sắt. Những sợi bún nhỏ trắng muốt sẽ rơi xuống một nồi nước sôi nghi ngút khói. Bún được vớt lên và để trên một chiếc sàng lót lá chuối cho ráo nước. Sợi bún khi ăn vào không quá mềm cũng không quá dai và phải có độ ngọt của gạo mới là sợi bún ngon. Khi ăn, cho một ít tôm ướp gia vị vào tô, thêm một ít là hành tươi, một ít rau quế, một ít ớt kim, vắt một lát chanh tươi cùng với một lọn bún vừa mới ra lò; đổ một vá nước sôi bốc khói cho đầy tô thế là ta đã có một tô bún tôm. Tô bún ngon vừa có cái vị ngọt thanh của tôm tươi, vị ngọt đậm đà của bún, mùi thơm đặc trưng của lá quế, vị cay xè của ớt kim, vị chua chua của chanh, tất cả tạo nên một mùi vị rất riêng.

Ăn bún tôm Phù Mỹ phải ăn vào những hôm khí trời lành lạnh, mưa riu riu mới thú vị. Ăn mà mồ hôi lấm tấm đầy trán, miệng vừa xuýt xoa vì cay mới thấy được cái ngon của bún tôm.

Bây giờ bún tôm đã có mặt ở rất nhiều nơi của huyện Phù Mỹ, nhưng bún tôm ngon hơn cả là ở các xã Mỹ Châu, Mỹ Lộc, thị trấn Bình Dương - những địa phương nằm phía bắc huyện Phù Mỹ. Buổi sáng nào đó, bạn có dịp đi qua thị trấn Bình Dương, hãy dừng chân lại quán bún tôm bà Nhậm, thể nào bạn cũng sẽ được thưởng thức một tô bún vừa ngon, vừa rẻ. Còn nếu đi vào buổi tối thì xin mời bạn hãy ghé lại xã Mỹ Lộc để được thưởng thức một tô bún tôm dưới gốc tre làng. Bạn sẽ cảm thấy thật thú vị khi được chứng kiến những nam thanh nữ tú, ăn mặc thật duyên dáng, cười rất vui xì xụp ăn bún tôm sau khi đi chơi về. Một khung cảnh rất riêng, rất lạ và cũng rất tình.

. Nguyễn Trung Kiên

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trang phục quan Văn thời Tây sơn: Bảo vật Quốc gia  (30/08/2005)
Tìm hiểu Đàn Nam Giao nhà Tây Sơn ở Bình Định  (30/08/2005)
Nguyễn Huệ và tư tưởng đánh tiêu diệt  (29/08/2005)
Tục nhuộm răng - ăn trầu của người Bình Định xưa  (28/08/2005)
Nước dừa Bồng Sơn  (26/08/2005)
"Chiếu cầu lời nói thẳng" của vua Cảnh Thịnh   (25/08/2005)
Cách mặc của người Bình Định xưa   (24/08/2005)
Cách ăn của người Bình Định xưa   (23/08/2005)
Cảnh Thịnh Hoàng đế (1793-1802)  (22/08/2005)
Chọn kinh đô Phượng Hoàng - tầm nhìn xa của Quang Trung Nguyễn Huệ  (21/08/2005)
Sông Lại  (19/08/2005)
Bánh hỏi Diêu Trì  (18/08/2005)
Giai thoại về Nguyễn Huệ và Nguyễn Đăng Trường  (17/08/2005)
Chình bông Ngã Tư  (16/08/2005)
Bánh ít lá gai Bình Định  (15/08/2005)