Hòn non bộ khổng lồ giữa thiên nhiên Bình Định
15:12', 1/9/ 2005 (GMT+7)

Chiếc thuyền nan nhẹ nhàng lướt đi trên dòng nước trong vắt, càng lúc càng đi sâu vào đường hầm xanh mướt. Những nhánh cây bụi ven bờ lòa xòa, giao tán, in bóng xuống dòng suối róc rách. Không gian bao phủ một màu xanh mát mẻ. Chỉ có tiếng chim rừng, tiếng chèo khua nước và một cảm giác yên ả cực kỳ.

 

Hơn nửa cây số bồng bềnh trên con đường dẫn vào khu du lịch Hầm Hô du khách như trút bỏ cả thế giới trần tục sau lưng. Bây giờ đây trước mặt là quang cảnh núi rừng hùng vĩ, những tảng đá lớn nhỏ, đủ hình dáng nối nhau, dòng nước róc rách chảy quanh co theo một địa hình hiểm trở. Bốn bề là những ngọn núi cao ngất, cây rừng nguyên sinh và một bầu trời xanh ngắt. Tất cả tạo nên Hầm Hô vóc dáng của một hòn non bộ khổng lồ giữa thiên nhiên.

Từ TP Quy Nhơn theo quốc lộ 1 về hướng bắc, gặp quốc lộ 19 rồi ngược về phía Tây Sơn, là vùng đất phát tích của vương triều áo vải, từ đây đi thêm hơn 5km nữa là đến với vùng đất sơn kỳ thủy tú này. Nhiều năm nay Hầm Hô là nơi lý tưởng cho những chuyến dã ngoại cuối tuần của thanh niên nam nữ ở các nơi đổ về. Tất cả còn hoang sơ giữa đại ngàn. Con sông Kut, một nhánh rẽ của sông Kôn, từ phía thượng nguồn chảy qua một khu rừng già với núi đá lô nhô tạo nên vẻ sơn thủy hữu tình.

Từ xa xưa Hầm Hô đã gắn liền với đời sống người dân. Thời Hậu Lê, triều đình đã cử một vị quan về đây xây một con đập làm thủy lợi tưới cho các cánh đồng. Chuyện kể rằng ông quan không chịu nổi rừng thiêng nước độc đã qua đời khi công trình còn dang dở.

Người em tiếp tục công việc của người anh cho đến khi hoàn tất. Ghi nhận công lao của bậc tiền hiền, nhân dân đã dựng nên miếu thờ hai ông trên mô đất cao nhìn xuống con đập. Hiện nay con đập xưa đã được bê tông hóa và dòng suối vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình dẫu đã hàng trăm năm qua đi.

Trong những năm tháng giặc Pháp đô hộ, địa bàn hiểm trở này là căn cứ của Mai Xuân Thưởng trong phong trào Cần Vương. Gần đây, UBND tỉnh Bình Định đã cấp phép thành lập Công ty cổ phần Du lịch Hầm Hô với mong muốn khai thác nơi đây thành một điểm đến cho du khách.

Trong giai đoạn đầu, Hầm Hô được đầu tư để biến nơi đây thành điểm du lịch sinh thái. Thế mạnh của Hầm Hô là một danh thắng ngay cạnh nhiều di tích đã được nhiều người biết đến: Bảo tàng Quang Trung, các tháp Chăm, nhà từ đường của các võ tướng thời Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng...

Hầm Hô sẽ là điểm nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách muốn hòa mình vào thiên nhiên hoang dã. Hai con đường dọc theo bờ suối đã được nâng cấp, hệ thống điện đã được hoàn tất. Những bậc thang len lỏi trên các sườn núi cũng đang được cải tạo để du khách có thể dạo chơi.

Trong ngày hè oi ả của miền Trung, đi thuyền về thượng nguồn bất chợt du khách bắt gặp những thiếu nữ trầm mình dưới dòng nước trong vắt hay những du thuyền lững lờ như trong cõi bồng lai. Người ta trèo lên những vách đá có hình thù lạ mắt, hoặc chiêm ngưỡng những dấu chân khổng lồ, giếng tiên trên đá. Dọc theo triền núi, những mái nhà sàn ẩn mình dưới tán cây là nơi dành cho du khách những giờ phút thư giãn trong chiếc võng đong đưa và tiếng thác vỗ về giấc ngủ.

. Theo Cẩm nang du lịch

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bún tôm Phù Mỹ  (31/08/2005)
Trang phục quan Văn thời Tây sơn: Bảo vật Quốc gia  (30/08/2005)
Tìm hiểu Đàn Nam Giao nhà Tây Sơn ở Bình Định  (30/08/2005)
Nguyễn Huệ và tư tưởng đánh tiêu diệt  (29/08/2005)
Tục nhuộm răng - ăn trầu của người Bình Định xưa  (28/08/2005)
Nước dừa Bồng Sơn  (26/08/2005)
"Chiếu cầu lời nói thẳng" của vua Cảnh Thịnh   (25/08/2005)
Cách mặc của người Bình Định xưa   (24/08/2005)
Cách ăn của người Bình Định xưa   (23/08/2005)
Cảnh Thịnh Hoàng đế (1793-1802)  (22/08/2005)
Chọn kinh đô Phượng Hoàng - tầm nhìn xa của Quang Trung Nguyễn Huệ  (21/08/2005)
Sông Lại  (19/08/2005)
Bánh hỏi Diêu Trì  (18/08/2005)
Giai thoại về Nguyễn Huệ và Nguyễn Đăng Trường  (17/08/2005)
Chình bông Ngã Tư  (16/08/2005)