Việc đi tìm di tích thành Chánh Mẫn được đặt ra từ chỉ dẫn của sách Đại Nam nhất thống chí đoạn chép về núi Mộ Ô: "Núi Mộ Ô ở phía đông huyện, đỉnh núi có hai mũi nhọn như hình cái giá bút, phía đông có núi Tượng Bì, phía đông nam có núi Tiêu Đại (còn có tên là núi Cô Sơn), phía đông bắc có thành Tây Sơn, dài ước 3,4 trượng, trong thành có hồ, rộng hơn 2 trượng, trong hồ có cột đá, nhô đầu ra ngoài mặt nước chừng một thước, tương truyền do người Chiêm Thành dựng; phía nam có gò đất, lại có sông Cảnh Hàn, phía tây nam có hai tháp là tháp Con gái và tháp Học trò, nay đều đổ nát".
Núi Mộ Ô kể trên chính là núi Mò O nằm ở địa phận các xã Nhơn Phong, Nhơn Thành, huyện An Nhơn (chữ Mò O phiên âm Hán Việt thành Mộ Ô).
Đến khu vực núi Mò O khảo sát, chúng tôi thấy ở địa phận xã Nhơn Phong có một hòn núi đất thấp, nhỏ đứng độc lập ở về phía đông nam của núi Mò O mang tên là Mù Cụ (mà tên gọi đúng là Mồ Côi). Núi ấy rõ ràng là núi Cô Sơn ghi trong Đại Nam nhất thống chí. Ở phía đông bắc của núi Mò O có ngọn núi đất giống hình con voi nằm, dân gian quen gọi là núi Choi Voi, hẳn là núi Tượng Bì được chép trong Đại Nam nhất thống chí; phía tây nam núi Mò O là đất thôn Châu Thành, xã Nhơn Thành có tháp Gẫy và nền gạch dấu tích tháp Chàm xưa. Phía nam núi Mò O là sông Đập Đá - Ở đấy có bầu Bá Canh (sông Cảnh Hàn).
Đã xác định được vị trí chính xác của núi Mộ Ô (Mò O), theo chỉ dẫn của sách Đại Nam nhất thống chí, chúng tôi căn đúng hướng đông bắc của núi để tìm dấu tích thành Tây Sơn.
Đấy là một bờ thành dài 250 mét đắp bằng đất có kè đá, chân rộng từ 6 đến 8,5 mét, mặt rộng trung bình 2,2 mét, cao trung bình 1,5 mét chạy theo hướng Tây - đông từ Đầu Rùa núi Đất sang nối liền với gò Trống Cán, bao lấy mặt bắc của núi Choi Voi.
Sát chân thành về phía bắc là dãy ruộng trũng gọi là ruộng Dãy Chùa, chạy dọc bờ thành như đường hào rộng 30 mét. Phía ngoài ruộng Dãy Chùa là Gò Đồng. Đầu phía đông của bờ thành giờ là ruộng lúa, nhưng xưa là gò Trống Cán - Bờ thành chạy đến đầu gò Trống Cán cũng đã ăn gần sát vào phía bắc núi Choi Voi. Phía dưới gò Trống Cán là Ao Vuông (ao sen hình vuông, bờ xây bằng đá ong, cạnh dài 70 mét). Ở giữa ao có trụ đá (còn gọi là trụ cờ tam cấp hay hòn đá Non nước). Năm 1986 dân địa phương san lấp ao, hòn đá này cũng bị đập đi.
Ở phía đông dưới Ao Vuông là Bầu Dài. Bầu Dài chạy sát chân núi Choi Voi qua khu vực Ao Vuông đổ ra sông Ông Sư. Sông Ông Sư là một nhánh của sông Côn Đập Đá chảy xuống qua Chánh Mẫn bao lấy toàn bộ khu vực phía bắc của thành, rồi chảy qua Đại Hữu, Đại Lợi, Đại Hào nhập vào sông Đại và đổ ra đầm Biển Cạn.
Thành Chánh Mẫn là thành dã chiến. Dựa vào địa hình địa thế thuận lợi của khu vực Chánh Mẫn, Đại Hữu quân Tây Sơn chỉ cần đắp một đoạn bờ thành dài 250 mét là có thể tạo ra được một khu thành kín đáo, vững vàng, có nhiều lợi thế về quân sự để đóng quân. Mặt tây của thành là núi Đất cao 45 mét. Mặt nam của thành là núi Choi Voi cao 78 mét. Giữa núi Đất và núi Choi Voi còn có con đường độc đạo đi qua, xưa dốc khó đi gọi là Truông Thính. Phía đông của thành là gò Trống Cán, Ao Vuông (di tích thời Chiêm Thành) và Bầu Dài là nhiều tầng chướng ngại vật ngăn cách phía ngoài thành với trong thành. Xa hơn là sông Ông Sư như hào sâu che chở cho phía bắc của thành.
Khu vực trong thành từ lâu đã được khai phá trồng lúa với địa danh truyền từ đời này qua đời khác là đồng Thành Trong. Tổng diện tích đồng Thành Trong là 22.778 m2, trong đó 18.928m2 là ruộng cấy còn 3.850m2 ở giữa đất cao nay vẫn bỏ hoang.
Nhân dân địa phương đến nay vẫn còn nhớ truyền thuyết liên quan đến thành Chánh Mẫn.
Tương truyền thuở thiếu thời Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ thường về đây buôn bán trầu. Các ông thường nghỉ ở khu vực Ao Vuông và xuống tắm ở Bầu Dài. Có một lần đang tắm bỗng có con rồng nổi lên, hai anh em thi nhau cưỡi rồng. Vừa lúc đó có ông thầy Tàu đi qua thấy vậy mới hỏi các ông có muốn làm vua hay không mà dám cưỡi rồng như vậy. Thôi không tắm nữa, hai anh em lên bến đò Ông Sư (chỗ trụ sở hợp tác xã Cát Sơn bây giờ) hỏi chuyện Ông Sư trong chùa rồi về quê mang hài cốt bố mẹ đến táng ở chỗ con rồng nổi đó. Sau đấy cả hai anh em đều phát vương.
Lại có truyền thuyết về việc người Chiêm Thành xưa cắm cờ ở trụ đá giữa ao Vuông và tế lễ ở gò Trống Cán. Khi người Chiêm Thành đi rồi Nguyễn Nhạc đem quân đến đóng ở đấy. Có lần vua Gia Long thất thủ bỏ chạy, phải vứt lại cả dấu vuông ở Ao Vuông.
Như vậy: cả thư tịch cổ, cả di tích và truyền thuyết đều thống nhất khẳng định thành Chánh Mẫn là thành Tây Sơn. Trong quá trình đắp thành, quân Tây Sơn đã dựa vào điều kiện địa hình địa vật thuận lợi và sử dụng các nguyên vật liệu tại chỗ, các di tích cũ của người Chiêm Thành để tiết kiệm công sức. Thành Chánh Mẫn cùng với một loạt các thành lũy và di tích Tây Sơn khác trong khu vực là một nguồn tư liệu tốt, chính xác để nghiên cứu phong trào Tây Sơn. Đây là một trong số rất ít thành lũy của Tây Sơn còn lại khá nguyên vẹn cần được bảo vệ.
. Theo Lịch sử quân sự (Địa chí Bình Định) |