Chèo Bả Trạo một loại hình văn nghệ dân gian, vừa có tính phục vụ lễ hội, vừa giúp vui. Loại hình này có suốt cả chiều dài miền biển Trung bộ, từ Thừa Thiên đến Bình Thuận. Có nơi gọi là hát bả trạo vì chữ trạo có nghĩa là chèo rồi. Cũng có nơi gọi là hát bá trạo, có nghĩa là trăm chèo. Dù gọi gì đi nữa thì hình thức cũng na ná như nhau.
|
Đua thuyền (ảnh: Đào Tiến Đạt)
|
Gò Bồi (Tuy Phước) là vùng sông nước, trước đây vào khoảng vài trăm năm thì 95% dân làng theo nghề đánh bắt cá, trước năm 1945 gần như năm nào cũng có chèo bả trạo vào dịp lễ tế thần ngư (ông Nam Hải). Bắt đầu là lễ rước nước. Một chiếc thuyền lớn được trang hoàng đẹp đẽ bằng lá đủng đỉnh. Những vòm cửa tròn được kết hoa, cờ xí rập rình, nhạc cử rộn rã. Trên thuyền có hương án, khói nhang nghi ngút. Các bô lão mặc áo thụng xanh đi rước lễ. Dù tổ chức lớn hay nhỏ thì hai bên cũng có hai hoặc bốn nghe ngo đi hầu.
Ghe ngo là loại thuyền nhỏ, toàn bằng ván, được sơn đỏ. Mũi ghe có vẽ mắt ghe hoặc mắt hoặc đầu rồng. Mỗi ghe chừng 10 đến 16 người gọi là "con trạo" có người lái và người đứng mũi. Họ đội nón chóp đỏ, áo đỏ viền nẹp vàng, ngồi thành hai dãy, tay cầm dầm (chèo ngắn) người đứng mũi được hóa trang, có khi là ông Địa hoặc Tề Thiên đôi khi là mặt xanh, có lẽ đó là thủy thần. Người đứng mũi cất tiếng hô "ố là hò, hò khoan" này. Tất cả đều hát theo. Những mái chèo đồng loạt đưa lên chèo. Bài rước thần Nam Hải được hát như sau:
Canh Thìn (1) ngày tốt,
Tháng Mão mùng năm,
Biển lặng trời thanh
Rước thần sắc tải.
Thần Ngư Nam Hải
Cứu độ ghe thuyền
Vượt khắp mọi miền
Sóng to gió cả
Chỉnh tu bát nhã
Đưa đón âm linh
Về cõi yên bình
Thoát vòng khổ ải.
Tiếng hát vang rền trên sông dứt một tiếng là tiếng hô "chèo lên chèo…" thật rập ràng. Bài hát có đầy khí phách như kêu gọi như Bài cầu nguyện cô hồn sau đây:
Những người nghĩa khí Yêu nước tài ba Quốc loạn phải ra Liều mình cứu nước Người hy sinh trước để sống ngàn sau Gian khổ cùng nhau Tựu tề đông đủ Lòng thành nghĩa cả Một nén tâm hương Các đẳng mười phương Chứng minh chiếu giám
Bài hát có khi không là bài vè mà là bài thơ bài văn cầu quốc thái dân an:
Nay bổn Vạn, thập phương tiến lễ Kẻ phương xa, người gần trí tế Hiến lễ sơ cầu nguyện dân an Tấm lòng thành, hoa quả đèn nhang Cầu những ai đao binh tai nạn. Cơn nước loạn thân xả liều mình Người hồ hải sông nước linh đinh Cùng những kẻ ngư kình trước thay Hồ linh thiêng chứng giám về đây Đồng bái tạ, thượng hưởng, thượng hưởng.
...
Sau mấy câu xướng là đám con trạo lại hô "chèo chèo". Mặc dù không phải cuộc đua nhưng thuyền vẫn lướt nhanh nên sau khi ghe ngo vượt trước thuyền lễ chừng 50m, phải rẽ dòng quay trở lại. Ghe bên phải lại vòng sang bên trái và ngược lại. Ghe trạo vòng đến phía sau thuyền lễ, rồi lại tiếp tục. Hai bên bờ sông, nào người, nào thuyền, sõng lao xao đón xem với tấm lòng ngưỡng mộ. Thuyền đến Kim Đông, dừng lại. Nơi đây là gò Miếu, ngày trước là gò chôn người chết trên sông, ngày nay vẫn còn mang tên ấy. Nhạc tế lễ vang rền, vị bô lão chánh tế khấn, rồi múc một chén nước tượng trưng cho các vị thần: Ông Nam Hải, Hà Bá, Thủy Thần. Thuyền tấu nhạc rước sắc về lăng.
Sau khi lễ xong, chính đám con trạo ghép thành cuộc đua thuyền.
Mấy năm nay chỉ còn lệ đua thuyền vào mồng hai tết, còn chèo bả trạo dường như mai một.
. Theo Địa chí Bình Định
(1) Tùy theo từng năm mà thay đổi. |