Con nhum
8:22', 15/9/ 2005 (GMT+7)

Vùng biển có nhiều nhum kéo dài từ vĩ tuyến 13 đến vĩ tuyến 17. Ở các bờ biển miền Trung, con nhum xuất hiện nhiều nhất trên các ghềnh đá ven biển và hải đảo từ Hoài Nhơn (Bình Định) đến Dung Quất, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Mùa sinh sản của nhum chính là mùa đánh bắt của ngư dân.

Nhum có nhiều loại: nhum mỡ, nhum bạc, nhum ta... Nhận biết được chúng qua màu sắc, còn loại nhum nào cũng đều có gai nhọn chi chít trên lưng dài từ 2-5cm, trong số đó, có một loại nhum có thể bắn gai được.

Nó có thể phóng gai ra khỏi mình xa tới vài gang tay tương đối mạnh, có thể làm sây sát da thịt và nhiễm độc.

Khai thác nhum có mùa. Thường thì từ cuối tháng hai đến hết tháng bảy âm lịch, từ cuối xuân sang hè. Khi có mưa giông, sóng to gió lớn không mò lặn được thì người ta không đánh bắt nhum nữa.

Muốn đánh bắt nhum đòi hỏi phải là người biết bơi lặn giỏi. Dụng cụ đánh bắt nhum rất đơn giản, chỉ là một cái móc sắt. Khi bắt phải hết sức nhẹ nhàng cẩn thận, không khua nước động mạnh. Lúc phát hiện được nhum phải khéo léo, chìa móc sát về phía con nhum, tìm cách giật mạnh cho rơi về phía mình rồi nhặt bỏ vào bao quấn theo người. Nếu động mạnh, xô nước ào ào nhum sẽ bám thật chắc vào mặt đá khó lòng lôi ra được. Trong trường hợp này chì còn cách lấy mũi dao nhọn nạy nhum ra hoặc bổ đôi con nhum ra để lấy thịt trong ruột nó, bỏ lại vỏ gai góc.

Nhum bắt được, người ta liền rửa cho sạch hết rong rêu bám vào thân nó, sau đó dùng dao bổ đôi và lấy một thanh tre nhỏ mỏng nạo vòng quanh ruột nhum rồi tách thịt rời ra khỏi vỏ nhum. Thịt nhum màu trắng hồng kết thành 6 hoặc 8 múi. Sau khi nhặt bỏ những tạp chất có màu đen bên trong, người ta có thể ăn sống ngay được như ăn sò.

Thông thường người ta hay làm món kho để làm thức ăn mặn dùng trong bữa cơm thường ngày. Cũng có thể nấu canh hoặc nấu cháo nhum. Cháo nhum ăn cũng ngọt như cháo trai nhưng mềm mại hơn và có mùi thơm, không tanh, ăn ngon và bổ mát. Nhưng món ngon nhất lại là chế biến nhum thành mắm ăn dần. Mắm nhum thường chọn nhum ta màu đen, các loại nhum khác muối mắm không được.

Khi muối mắm, ta cho thịt nhum vào thấu hoặc nồi đất, rắc muối lên trên, lượng muối vừa phải không quá nhiều, để chua cốt giữ cho được nguyên cái hương vị ngọt ngào, thơm ngon riêng của mắm nhum. Nếu lỡ tay cho muối nhiều coi như hỏng. Khi mắm nhum đã có mùi chua, nhuyễn tan, sền sệt màu đục, đỏ như mắm tôm, là có thể ăn được. Thời gian làm mắm nhum trung bình từ 10-15 ngày, rất hạn chế bỏ gia vị, thường chỉ cho tỏi và tiêu để nguyên hạt.

Đã là mắm nhum thì ăn cách gì cũng ngon. Nhưng người dân vùng biển thích nhất dùng nó ăn với bún tươi hoặc dùng để chấm rau sống với thịt heo ba chỉ cuốn bánh tráng. Cách ăn cũng tương tự như ăn các loại mắm cá khác nhưng hương vị hoàn toàn khác bởi mắm nhum ngọt hơn và đỡ tanh hơn.

. Theo Văn hóa Nghệ thuật ăn uống

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hàu Bãi Xép  (12/09/2005)
Di tích lịch sử bến Trường Trầu  (11/09/2005)
Xoài tượng Bình Định  (14/09/2005)
Chèo bả trạo  (07/09/2005)
Nem chợ Huyện  (06/09/2005)
Thành Tây Sơn ở Chánh Mẫn  (05/09/2005)
Chả cuốn Gò Bồi  (02/09/2005)
Hòn non bộ khổng lồ giữa thiên nhiên Bình Định  (01/09/2005)
Bún tôm Phù Mỹ  (31/08/2005)
Trang phục quan Văn thời Tây sơn: Bảo vật Quốc gia  (30/08/2005)
Tìm hiểu Đàn Nam Giao nhà Tây Sơn ở Bình Định  (30/08/2005)
Nguyễn Huệ và tư tưởng đánh tiêu diệt  (29/08/2005)
Tục nhuộm răng - ăn trầu của người Bình Định xưa  (28/08/2005)
Nước dừa Bồng Sơn  (26/08/2005)
"Chiếu cầu lời nói thẳng" của vua Cảnh Thịnh   (25/08/2005)