Kỳ công ngoại giao sau đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789
11:11', 16/9/ 2005 (GMT+7)

Hoàng đế Quang Trung (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Chiến công lừng lẫy của cuộc đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Bên cạnh chiến công ấy, có một chiến thắng không kém phần quan trọng, đó là những thắng lợi về mặt ngoại giao.

* Những sách lược ngoại giao đúng đắn

Ngày 30 tháng chạp Mậu Thân (1788) khi đang ở Tam Điệp (Ninh Bình), trước lúc chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng Thăng Long, Quang Trung đã nói với tướng sĩ: "Lần này ta ra, thân hành cầm quân, phương lược tiến đánh đã có tính sẵn. Chẳng qua mươi ngày có thể đuổi được người Thanh. Nhưng nghĩ chúng là nước lớn gấp 10 nước ta, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm thẹn mà lo mưu báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, không phải là phúc cho dân. (Ta) Nỡ lòng nào mà làm như vậy!" (Hoàng Lê nhất thống chí - HLNTC).

Như vậy là trong khi đang lo đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi, Quang Trung đã nhìn thấy trước, đã tính đến nước cờ: làm sao kết thúc chiến tranh thật gọn, thật dứt điểm, không để dây dưa về sau, di hại cho dân. Muốn thế thì không còn cách nào khác là phải tranh thủ thiết lập quan hệ ngoại giao với chính đối thủ của mình.

Ngay sau khi giải phóng Thăng Long, triều đình đọc được trong đống giấy tờ của Tôn Sĩ Nghị (vội tháo chạy không kịp mang theo) có chỉ dụ của vua Càn Long: "Chỉ nên làm thanh viện cho họ (tức nhà Lê), để cho họ lo lấy, không cần phải dấy quân làm to chuyện" (HLNTC). Bản ý của vua Càn Long đúng như nhận định của vua Quang Trung sau khi kết thúc chiến tranh: "Ta xem tờ chiếu của vua Thanh thì chẳng qua họ cũng chỉ cốt xem tình hình ta mạnh yếu ra sao để mà dễ bề tiến lui, chứ còn nghĩa cử dựng lại nhà Lê không phải là bản tâm của họ. Họ chỉ mượn tiếng để mưu đồ lợi riêng mà thôi".

Nắm bắt được ý đồ này của vua Thanh, Quang Trung kết luận: "Nay họ đã bị ta đánh thua, nhịn đi thì thẹn, báo thù thì khó" (HLNTC) . Chính vì vậy mà sách lược đầu tiên là phải "chữa thẹn" cho vua Thanh.

Công việc chữa thẹn đầu tiên là tập trung tất cả quân Thanh ra đầu thú lại, đối xử tử tế, chu cấp cho họ cơm áo ăn mặc, rồi đưa hết lên cửa ải, chờ trao trả lại cho nhà Thanh, rồi "xin lỗi" nhà Thanh. Đó là việc làm hợp đạo lý, hợp với truyền thống nhân đạo của dân tộc và được nhà Thanh nể phục. Công việc thứ hai là viết biểu trần tình, thanh minh về sự việc xảy ra vừa rồi, cho người tin cẩn lên cửa ải đợi mệnh. Phái bộ Nguyễn Quang Hiển, cháu ruột của Quang Trung nhận nhiệm vụ này. Trong biểu trần tình (do Ngô Thì Nhậm soạn) có viết: "Tôi không tránh lời dèm ném chuột, liền đem dăm ba dân đinh trong ấp đi theo. Ngày 5-1 năm nay, tiến ra Thăng Long, vốn còn mong Sĩ Nghị nghĩ lại, may ra lấy ngọc lụa thay can qua, chuyển binh giáp làm hội áo xiêm, tôi khẩn khoản xin yết kiến, nhưng không được Nghị trả lời".

Sau khi vạch tội Sĩ Nghị, tờ biểu tỏ lòng quy thuận: "Kính xin Đại Hoàng đế thể theo lòng trời làm trị, tươi héo tốt xấu thuận theo lẽ tự nhiên, tha thứ cho cái tội tạm thời không đừng được mà phải dùng binh đối phó, lượng xét cho cái lòng thành ba lần đến cửa quan tâu bày, đặt chức tư mục, dựng chức bình phong, ban cáo mệnh, phong cho tôi làm An Nam Quốc vương, giữ chắc một phương, giữ mệnh chư hầu, để trong nước có người thống lĩnh. Tôi sẽ sai sứ giả, theo lệ chư hầu dâng lễ cống và phụng nộp số nhân khẩu hiện có ở bản quốc để giữ lòng thành" (Biểu trần tình - Tổng tập văn học Việt Nam - tập 9A).

Ở đây, thái độ Quang Trung hết sức nhún nhường, hết sức "hối lỗi" (vì đã "lỡ" tiêu diệt 20 vạn quân thiên triều!). Tuy nhiên, ông cũng cảnh cáo vua Thanh, nếu không chấp nhận, sự việc đổ bể thì "Tôi cũng phó mặc cho mệnh trời mà không dám biết tới vậy" (tức ý nói sẽ đánh đến cùng, còn kết cục ra sao thì không thể lường trước được).

Đối với các quan lại nhà Thanh trực tiếp có quan hệ với nước ta thì triều đình "dùng lời nói khéo, đem lợi để nhử" (Lịch triều tạp kỷ - LTTK) cốt để tranh thủ họ, lấy lòng họ. Ví dụ, đối với hai viên tri phủ Thái Bình và Nam Ninh (hai phủ sát biên giới nước ta) hay với viên Tả giang đạo Thang Hùng Nghiệp, Tổng lý biên vụ (tức tổng quản các vấn đề biên giới), triều đình Quang Trung đều tỏ thái độ hết sức nhún nhường, đề cao họ, luôn tranh thủ sự đồng tình của họ để họ sẵn sàng giúp đỡ trong những việc cần đến. Từ những người này mà móc nối với Phúc Khang An - Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây), từ Phúc Khang An mà đặt mối liên hệ với các thần Hòa Khôn (có sách ghi là Hòa Thân), viên cận thần của Càn Long. Có như thế thì những nhã ý của Quang Trung mới thấu đến vua Càn Long được.

Hòa Khôn là người được Càn Long tin cậy và sủng ái. Biết ông ta là một viên quan tham nhũng có tầm cỡ. Quang Trung sẵn sàng "lễ hậu". Chính Hòa Khôn đã nói với Càn Long một câu rất chính xác, nhưng không phải ai cũng dám nói: "Từ xưa đến nay, Trung Hoa chưa có đời nào làm nên công trạng ở cõi Nam cả. Nhà Tống rồi nhà Nguyên, nhà Minh, rốt cuộc đều bị thua trận, gương ấy hãy còn rành rành" (HLNTC).

Nếu Hòa Khôn không nhận "hậu lễ" của quân ta, chắc ông ta không dại gì mà nói một câu "chết người" như thế. Và nếu không phải là một đại thần hết sức được sủng ái thì vua Thanh chắc đã nổi cơn thịnh nộ mà chém đầu kẻ đã dám đề cao một nước phiên thuộc, hạ thấp uy thế của thiên triều như thế.
Phúc Khang An là một viên quan mới được thay thế Tôn Sĩ Nghị làm Tổng đốc Lưỡng Quảng. Được thấy cảnh Sĩ Nghị một mình ôm đầu chạy về, lại được nhìn thấy cảnh suốt 200 dặm nội địa (đất Trung Hoa) dân bỏ chạy tứ tán, tất ông ta biết được sức mạnh của quân đội Quang Trung. Bản thân không muốn gây chiến tranh nhưng nhận lệnh triều đình ông ta phải chấp hành, nên đã tập hợp binh mã 9 tỉnh để chuẩn bị báo thù. Nhưng trong thâm tâm, Phúc Khang An chỉ mong biên giới ổn thỏa, chính vì vậy mà ông ủng hộ cái thiện chí của ta, bởi mục tiêu hòa bình và ổn định biên giới của ta cũng chính là nguyện vọng của Phúc Khang An.

* Nhún nhường không có nghĩa hạ mình

Tất nhiên sự mềm dẻo, nhún nhường không có nghĩa là đối phương đưa ra yêu sách gì là Quang Trung đáp ứng ngay. Khi Phúc Khang An muốn Quang Trung lên cửa ải để tiếp kiến, ông đã từ chối thẳng, viện cớ là: "Nước vừa xây dựng, không được một phút rảnh tay, hiện nay chưa thể rời khỏi đô thành" (Thư gởi Thang Hùng Nghiệp) và "trèo đèo lội suối, phí tổn rất nhiều của cải, sức lực của dân, trong lòng có chỗ rất áy náy, không yên" (Thư gởi Phúc Khang An, ngày 28-4 Kỷ Dậu).

Phúc Khang An yêu cầu trong lễ cống cần có 2-4 con voi, Quang Trung cũng nêu khó khăn và xin miễn, vì voi chiến thì "đang xua vào biên thùy phương Nam để khống chế các Man", voi thuần dưỡng thì các bộ lạc người Man "đang đánh lẫn nhau nên chưa thể mua được" (LTTK). Nếu ta nhớ rằng trước đó 3-4 tháng trong chiến dịch mùa xuân Kỷ Dậu, Quang Trung đưa ra một đội tượng binh, hàng trăm thớt voi đánh vào Ngọc Hồi, Đầm Mực thì sẽ thấy 2-3 con voi chẳng có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, Quang Trung vẫn từ chối để chứng tỏ rằng không phải thiên triều yêu sách gì, ta cũng chấp nhận.

Vả lại, những con voi lập nên chiến công như thế, ông "không nỡ" đem tặng kẻ thù!

Trong quá trình chuẩn bị cho lễ phong vương, Quang Trung cũng không hành động như Phúc Khang An nghĩ. "Quốc vương họ (chỉ Quang Trung) từ khi nộp khoản đầu hàng đến nay đối với mọi nghi văn lễ tiết phụng sự thiên triều đều rất cung kính thận trọng. Vì vậy, được hưởng ân sủng đặc biệt của thánh chúa, cả nước vẻ vang, quốc vương của họ cũng phải vô vàn cảm khích, vô vàn kính phục, hẹn trước để chờ đợi đón tiếp ở dọc đường" (Trát của Phúc Khang An gởi cho Chánh đường phủ Thái Bình họ Lâm - LTTK).

Sự thật không phải như tưởng tượng của Phúc Khang An: Quang Trung không "vô vàn cảm khích mà đứng chờ đợi dọc đường" để tiếp đón sứ Thanh! Khi sứ nhà Thanh lên đường sang ta, hẹn với Quang Trung ngày 24-9 cùng có mặt ở Thăng Long để làm lễ sắc phong. Ngày 13-9, nhận được công văn của nhà Thanh, ông hẹn rằng trung tuần tháng 9 sẽ có mặt (Thư gửi Phúc Khang An). Nhưng sau đó, Quang Trung lại thay đổi kế hoạch. Lý do ông đưa ra với Phúc Khang An là: Có một đoàn thuyền tuần tiễu 100 chiếc tiến vào vùng biển Biện Sơn (Thanh Hóa) rồi kéo vào Nhật Lệ, Tư Khánh (Thuận Hóa), cờ xí, khí giới đều là hình mẫu của nội địa (tức nhà Thanh), đề nghị Phúc Khang An giải thích rõ những tàu thuyền ấy là của ai, để có cách xử trí. Thế nhưng khi gửi thư cho Chánh đường phủ họ Lâm và hai sứ thần thì Quang Trung lại nêu lý do là bị ốm: "Nào ngờ khi mới bị cảm, tiểu phiên không được nghỉ ngơi mà cứ phải miễn cưỡng làm việc, lại hành trình vất vả nhiều, bệnh cũ phát ra, khi đến đất Đông Thành (Nghệ An) bị cảm nặng cơ thể rất mệt mỏi, rất khó mang bệnh mà đi, đành phải tạm cấp tốc chạy chữa". Rồi Quang Trung hẹn đầu tháng 10 sẽ ra tới Thăng Long.

Ngày 22-9-1789, đoàn sứ bộ nhà Thanh đến Gia Quất (Gia Lâm - nơi đón tiếp sứ bộ) ở bên kia sông Hồng thì ngày 3 tháng 10, Quang Trung mới khỏi hành từ Nghệ An. Ngày 15, Quang Trung cho dàn nghi lễ, cờ xí đón rước sứ đoàn vượt sông Hồng sang Thăng Long để làm lễ cầu phong. Nghi lễ hoàn tất, sứ giả lại vượt sông Hồng sang Gia Quất để 17-10 trở về Trung Hoa. Như vậy, Quang Trung và các cộng sự của ông đã biến thù thành bạn mà không hề hạ mình và uy tín của dân tộc, của triều đại vẫn được đề cao đến tột cùng. Đó là một điều kỳ diệu, một kỳ công trong nền ngoại giao Việt Nam cuối thế kỷ 18.

. Theo Thế giới mới

Những thắng lợi về ngoại giao năm 1789

• Tháng 4, Phúc Khang An cho giải tán binh mã 9 tỉnh mà nhà Thanh cho điều động để sang báo thù, tránh cho 2 nước một cuộc chiến tranh tàn khốc đang tiềm ẩn nơi biên giới. Sự kiện này biến quan hệ của hai quốc gia đang ở thế đối đầu chuyển sang đối thoại.

• Tháng 7, vua Càn Long đón tiếp phái bộ Nguyễn Quang Hiển rất trọng thể ở hành cung Nhiệt Hà. Ở đây, Càn Long đã đọc Biểu trần tình của Quang Trung, hiểu được sự chân thành và thiện chí của ta. Càn Long nhận xét: "Hôm trước đã nhận biểu văn. Khen cho lời lẽ của y (tức Quang Trung) rất đỗi chân thành, gấp mong được Thiên triều phong hiệu mà làm vinh hiển…" (Trích: 6 bài thơ ngự chế về vịnh Bình Định An Nam chiến đồ của Càn Long - Nguyễn Quốc Vinh dịch và công bố). Cũng tại hành cung Nhiệt Hà, Càn Long ban sắc chỉ phong Quang Trung làm An Nam Quốc vương. Quan hệ bang giao Việt - Thanh tiến thêm một bước quan trọng.

• Tháng 10 ngày 15 tiến hành lễ phong An Nam Quốc vương cho Quang Trung tại Thăng Long. Với sự kiện này, nhà Thanh chính thức công nhận Triều đại Tây Sơn là chính thống, dập tắt ảo vọng của những thế lực bảo thủ nuôi ý đồ ngấm ngầm nổi dậy chống lại nhà Tây Sơn khôi phục lại cơ đồ nhà Lê. Đối với triều đình lưu vong Lê Chiêu Thống, sự kiện này dập tắt ảo vọng của Lê Chiêu Thống và các cựu thần, với ý đồ mượn binh thiên triều trở về khôi phục vương triều một lần nữa. Đó là ý nghĩa thiết thực của việc phong vương mà Quang Trung và Triều đình của ông cần đạt tới, chứ không phải là để "Tăng thêm phần vinh hiển" cho cá nhân Quang Trung như Càn Long và các quan lại nhà Thanh nhầm tưởng.

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Con nhum  (15/09/2005)
Hàu Bãi Xép  (12/09/2005)
Di tích lịch sử bến Trường Trầu  (11/09/2005)
Xoài tượng Bình Định  (14/09/2005)
Chèo bả trạo  (07/09/2005)
Nem chợ Huyện  (06/09/2005)
Thành Tây Sơn ở Chánh Mẫn  (05/09/2005)
Chả cuốn Gò Bồi  (02/09/2005)
Hòn non bộ khổng lồ giữa thiên nhiên Bình Định  (01/09/2005)
Bún tôm Phù Mỹ  (31/08/2005)
Trang phục quan Văn thời Tây sơn: Bảo vật Quốc gia  (30/08/2005)
Tìm hiểu Đàn Nam Giao nhà Tây Sơn ở Bình Định  (30/08/2005)
Nguyễn Huệ và tư tưởng đánh tiêu diệt  (29/08/2005)
Tục nhuộm răng - ăn trầu của người Bình Định xưa  (28/08/2005)
Nước dừa Bồng Sơn  (26/08/2005)