Đào Tấn - nhà văn hóa lớn của nước ta, không chỉ là nhà soạn tuồng kiệt xuất, nhà thơ tài ba, ông còn để lại nhiều áng văn hay. Xin giới thiệu bài viết của ông về chùa Linh Phong, một ngôi chùa đẹp nổi tiếng ở Bình Định trước đây. Bài dịch trích trong tập bản thảo "Mai viên cố sự" của nhà nghiên cứu Lộc Xuyên Đặng Quí Địch.
|
Chùa Linh Phong hôm nay (ảnh: Văn Lưu)
|
Cách thành Đồ Bàn hơn ba mươi dặm vê hướng đông bắc, quanh các thôn Phương Phi, Phương Thái thuộc vùng biển đều là núi non cả (trong quần sơn này) nổi lên một ngọn núi cao chót vót, xinh xắn, đứng một mình, đó là ngọn núi có chùa Linh Phong. (Nơi này) rừng suối cây đá có vẻ đẹp kín đáo và thanh cao không đâu bằng. Có thể nói đây là ngọn núi đẹp nhất Bình Định.
Vào năm thứ mười một đời vua Hiếu Minh (Quốc chúa, Minh Vương, Nguyễn Phúc Chu) ở triều trước nước ta, nhằm năm thứ 23 niên hiệu Chánh Hòa nhà Lê, tức năm nhâm Ngọ (1702) có Mộc Y Sơn, ông tu tại núi này. Kết vỏ cây làm áo, mùa đông mùa hè vẫn mặc như thế, ung dung sống bên sườn núi, trong hang đá, ra vào không ai định trước được. Người trong vùng chẳng biết họ tên ông (nhân thấy ông ở trong núi, gọi ông là Sơn Ông (Ông Núi). Khảo tự phổ riêng của chùa (Linh Phong) cùng bài vị các đời trụ trì thờ tại chùa, thấy có ghi ông họ Lê tên Ban, người ở kinh đô Trung Quốc. Gọi Sơn Ông là Lê Ban chưa biết đúng không hoặc ông là người giấu tên trốn đời, sống hòa mình vào đám người chằm nón đốn củi dệt chiếu câu cá cũng chưa biết chừng!
Ông ở núi này được vài năm thì chọn lưng chừng núi chỗ có con suối sâu và dài, phát cây hoang, vác đá lớn xếp chỗ nọ, lắp chỗ kia, lấy thanh tre làm một cái am nhỏ (công việc xây dựng nhanh chóng như có quỷ thần dị vật ngầm giúp). Am cất xong, đặt tên là: "Dũng tuyển tự". Chùa "Dũng tuyển" gối đầu vào ngọn núi rất cao, cạnh con suối trong luôn có nước chảy, hai bên có mây già đá lạ, cây kỳ, hoa nổi tiếng, chỗ cao chỗ thấp chứa sẵn cái vẽ rất yên tĩnh và rất sạch sẽ. Cảnh trí này đều do tay ông sắp đặt lấy với tâm hồn của người thợ, lập riêng thành thế giới cỏn con giữa cõi trời và cõi người.
Phía tả chùa có gian nhà đá, nóc bằng như trần nhà, hai bên thẳng như vách, giữa như giường nằm, ngoài như bậc thềm, như sân. Trên mặt sân đá về phía hữu có chỗ lõm xuống, có truyền thuyết cho rằng đây là cối giã gạo của Sơn Ông. Hoặc cho rằng: "Ông chứa nước nơi này để đổ vào nghiên khi mài mực". Thiên nhiên sắp đặt, nghiễm nhiên thành một ngôi nhà nhỏ.
Lúc rảnh rỗi ông thường đến chơi trong nhà đá, một mình ngồi niệm kinh, nay do chỗ này mà tưởng tượng được cách sinh hoạt của ông. Tương truyền ban ngày ông ở trong núi đốn củi, bó thành bó lớn, phải sức của hai người khiêng nổi, vậy mà chỉ một mình ông vác xuống chân núi, đặt bên đường. Người qua lại đều biết là củi của Sơn Ông, bèn đem rau gạo mà đổi. Ông hoặc đồng tử xuống núi lấy gạo rau rồi đi, chưa từng đối đáp một ai về việc đổi chác nhiều ít thế nào. Ngày khác cũng vậy, như thế được mười mấy năm không thể biết được tung tích.
Núi nhiều cọp. Chỉ một mình ông ở với một đồng tử, người với cọp beo như quen biết nhau, quên vật quên mình. Xưa có ông Đồng Cảnh Đạo ẩn trong núi Thương Lạc, mặc áo lá cây, gảy đàn ca hát, tự lấy thế làm vui, trùng độc và thú dữ qua lại bên cạnh. Như Sơn Ông đây là nhà sư (mà hành tung có khác gì bậc ẩn giả kia. Ôi (nếu không phải thế thì) sao dạo biển chơi mây rồi cuối cùng thì gửi dấu nơi núi này?
Kịp đến năm thứ 8 đời vua Hiến Ninh (Ninh Vương, Nguyễn Phúc Chú) nước ta, nhằm cuối năm Vĩnh Khánh thứ 4, đầu năm Long Đức nguyên niên nhà Lê, tức cuối năm Nhâm Tý đầu năm Quí Sửu (1732), vua khen ông là bậc chân tu, sai sùng tu chùa. Chùa tranh thành chùa ngói bắt đầu từ đây. Vua ban tên chùa là: "Linh Phong thiền tự" bên tả khắc "Vĩnh Khánh Quí Sửu xuân vương chính nguyệt" (tháng giêng năm Quí Sửu Vĩnh Khánh nhà Lê), bên hữu khắc: "Quốc chúa ngự đề" (chính tay Quốc chúa) và ban ngự liễn:
"Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư Phật thổ. Linh Phong ngưng thụy khí, tường vân biến địa ấm nhân gian!"
(Bờ biển dấy nhân hay, mưa khắp trời nhuần Phật thổ; Núi Linh ngưng khí tốt, mây lành rợp đất hộ nhân gian!)
Bên tả khắc "Quí Sửu cốc đán" (Buổi sáng tốt năm Quí Sửu). Bên hữu khắc "Quốc chúa ngự đề". Dưới bốn chữ "Quốc chúa ngự đề" ở tấm biển và ở câu liễn này đều có khắc "Thần ngự bửu tỉ" (ấn báu "Thần ngự" của nhà vua). Vua còn ban cho Sơn Ông hiệu Tịnh Giác Thiện Trì Đại Lão Thiền Sư.
Vào năm thứ 3 đời vua Hiếu Võ (Võ Vương Khúc Khoát) nước ta, nhằm năm thứ nhì niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê, tức năm Tân Dậu (1741 ), vua sắc triệu Sơn Ông về kinh để hỏi về giáo lý đạo Phật. Ông chống gậy tầm xích đến chơi nơi vua đóng đô, chưa đầy tháng thì đã từ tạ xin về. Vua ban một bộ áo cà sa có vòng ngọc móc vàng làm pháp phục, ân sủng thật hiếm có. Trong thời Tây Sơn, chùa bị đổ nát, chính là lúc ông qua đời, tăng chúng các chùa họp lại lo việc mai táng cho ông, tháp xây bên hữu chùa. Tại tháp có câu liễn:
"Quyển Thạch tiệm thành sơn, thản thản u trinh Thường Lạc thổ. Chúng lưu nan vi thủy, mang mang không tế Động Đình Thiên!" (Góp đá dần thành non, u nhã phẳng phiu đất Thường Lạc; Họp dòng khó nên nước, hư vô man mác trời Động Đình!)
Bên hữu viết: "Ngụy Thái Đức bát niên" (Năm thứ 8 hiệu Thái Đức (1785) nhà Tây Sơn", nay vẫn còn. Do đó biết ông viên tịch thời Tây Sơn.
Sau khi Thế tổ Cao Hoàng Đế nhà Nguyễn ta định rồi. Triều đình vâng mệnh hỏi han đến tình trạng chùa Linh Phong. Năm Gia Long thứ 7 Mậu Thìn (1808), triều đình phụng mệnh truyền ý chỉ của Thánh Mẫu Hiếu Khương Hoàng Hậu rằng "Vật thường trụ của chùa Linh Phong (đã đổ nát) không ai được lấy càn, để đợi sùng tu". Năm Minh Mệnh thứ 7, Bính Tuất (1826) vua sắc trấn thần đệ tương pháp phục triều trước đã ban cho Sơn Ông để vua xem, rồi ra lệnh theo cách thức cũ chế một bộ cà sa mới có móc vàng và vòng (kim loại) tạc hình voi, ban cho chùa Linh Phong làm vật để thờ ông. Vua còn lệnh xuất kho trong cung một trăm hai mươi lạng bạc, sai Trấn thần trùng tu chùa, nên đài giảng kinh ấy, ghế ngồi nói Pháp ấy trang nghiêm không đâu bằng, cỏ non thông lớn đều thấm nhuần ơn mưa móc mà Sơn Ông chưa kịp thấy.
Có thuyết nói rằng: "Khoản niên hiệu Minh Mệnh (một đêm) vua không được khỏe, vừa chợp mắt thì mộng thấy được một nhà sư già mặc áo vỏ cây, đứng bên giường ngọc mà quạt hầu. Rạng sáng hôm sau mình rồng khỏe khoắn, vua đem điều chiêm bao nói cho quan chấp chánh biết, nhân đó nhớ chuyện Mộc y Ông ở chùa Linh Phong về triều trước, vua làm lấy lạ (cho sự linh dị của Sơn Ông) bèn ra lệnh trùng tu chùa. Ôi! Ông cũng lạ lùng thay! Mặc áo vỏ cây làm sư, cửa vàng yết chúa, nhà đá niệm kinh, giường ngọc hiển mộng, qua lại cõi trần sắc tướng không không, nay tên ông cùng tên núi đều truyền, đáng làm thắng tích ở tỉnh ta.
Giữa niên hiệu Kiến Phúc, Hàm Nghi, Tấn tôi bỏ quan về nhà ở phía nam kinh đô, gửi thân nơi cửa thiền để tránh loạn, kiệu chàm gặp trúc thường qua lại núi này chùa này. Người xưa một năm ở núi quá nửa. Tấn tôi lúc bấy giờ cũng tương tự như thế. Lúc ở núi, nhân hứng có đề mấy câu vụng về, nay ghi lại đây vài câu liễn:
"Thập niên hồ hải qui lai mộng
Nhất kỉnh yên hoa tự tại thiên!"
(Một cảnh khói hoa trời tự tại,
Mười năm hồ hải giấc qui lai!)
"Giai sĩ từ bi ninh thị phật,
Sơn ông danh tự bán nghi tiên!"
(Đây học trò lành âu cũng Phật,
Đó ông núi gọi nửa ngờ tiên!)
Lại đề một câu liễn nhỏ tại nơi ở là ngôi nhà nhỏ cạnh ngôi chùa: " Thạch thất niên thiên huỳnh hổ ngọa,
Họa trì thập nguyệt bạch liên khai"
(Nhà đá cọp vàng nằm ngàn thuở
Ao hoa sen trắng nở đầu đông)
Đó là tả cảnh thật. Ở núi rỗi việc, bèn sưu cầu di tích của Sơn Ông, chẳng có văn bia làm chứng, chỉ tìm được giấy rách sách nát có đề năm ghi tháng, tham khảo sách Đại Việt Sử Ký cùng Thực lục tiền biên của bản triều (đối chiếu với tàn chỉ tệ biên) để tìm chứng cứ đích xác, được điều nào ghi điều nấy. Lại được hơn 200 tấm ván khắc trọn một bộ "Pháp hoa kinh giải" cùng con dấu riêng bằng đá quí, khắc: "Bán sơn trung tự" (chùa ở lưng chừng núi); khắc "Khai sơn Dũng Tuyển tự" (lập nên chùa Dũng Tuyển"; khắc: "Nhân hiệu sơn Ông" (người có tên hiệu là Sơn Ông); khắc: "Thạch trung kiến ngã" (tìm ra trong đá); khắc: "Tĩnh phương" (nơi yên tĩnh); khắc: "Tịnh tính" (tính vắng lặng); khắc: "Thạch thất" (nhà đá). Tất cả được 7 cái, lối chữ triện rất xưa. Tấn tôi lau sạch bụi, đặt vào tráp nhỏ cùng một bản hộ "Pháp hoa kinh giải" giao cho tự tăng cất giữ cẩn thận. Cũng có đôi ba tờ giấy có dấu chữ Sơn Ông để vịnh như tự tăng chẳng biết đã lấy bồi bức mà vẽ tượng! Tấn tôi lật bề lưng bức tượng mà xem, phần lớn chữ hiện rõ nhưng không hiểu, thật đáng tiếc!
Năm Ất vị niên hiệu Thành Thái (1895) Tấn tôi thư Thượng thư bộ công, đem chuyện chùa Linh Phong tâu lên Tây Cung để cầu xin ấn chỉ Tây Cung lệnh xuất kho trong cung 70 lạng bạc, sai tỉnh thành quyên thêm người trong tỉnh được bao nhiêu thì gọp chung với số bạc đã ban mà đốc thúc việc trùng tu chùa. Tháng tám năm Đinh Dậu, nhằm năm thứ 9 niên hiệu Thành Thái thì lạc thành. Tấn tôi chưa thể về thăm nhưng theo lời người làng ra, ai cũng nói: "Quang cảnh chùa Linh Phong nay trở nên sáng sủa và mới mẻ!" Đáng mừng! Đáng yên tâm!
Nhân rỗi việc sổ sách tại bộ, lược thuật những nét chính, sai các con là Thoại Thạch Nhữ Tuyên ghi lấy, vì chùa Linh Phong là phương tiện nhỏ đưa người đến giác ngộ (nên phải viết) để sự tích chùa khỏi bị vùi lấp chứ chẳng phải làm văn vậy.
. Đào Tấn |