Chung quanh các danh nhân lịch sử và văn hóa từ xưa đến nay, thường có nhiều giai thoại. Đã là giai thoại thì có thể là sự thực, có thể là hư cấu, nhưng vẫn làm cho người nghe tin, vì ít nhiều giai thoại nói lên được bản chất của con người ấy.
|
Đền thờ Đào Duy Từ tại Hoài Nhơn (ảnh: Công Tâm) |
Đào Duy Từ cũng không ngoại lệ. Đào Duy Từ hiện ra trong giai thoại về ông không như các nhân vật khác. Không có mẩu chuyện nào về tính cách con người như khi ta thấy nét khật khưỡng trong giai thoại về Nguyễn Công Trứ, ngang tàng trong giai thoại về Cao Bá Quát, ngông nghênh như giai thoại về Tản Đà. Cũng không có những chi tiết nào về tài thông minh uyên bác như Lê Quý Đôn.
Ở Đào Duy Từ không thấy những lời đối đáp ý nhị, linh hoạt, những câu thơ đối đáp tài hoa như Yên Đỗ Nguyễn Khuyến, dồi dào chí hướng như là Phan Bọi Châu.
Điều có thể nói là giai thoại về Đào Duy Từ hầu như xuất phát từ sự thực nào đó ở tính cách, ngôn ngữ, cử chỉ, hành động… trong cuộc đời của ông, mà chỉ là những gì người ta muốn hình dung ở nơi ông, do hâm mộ tài năng kiệt xuất của ông. Nói cách khác, một số giai thoại tiêu biểu chung quanh Đào Duy Từ đều là những chuyện ta đã gặp nhiều nơi, song lại rất tập trung vào một mục tiêu: tôn vinh nhân vật.
Câu chuyện tình bạn giữa Lê Thì Hiến và Đào Duy Từ được chép trong Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án kể rằng: ông Đào thổ lộ với bạn ý nguyện vào Nam tìm chúa mới. Lê Thì Hiến không cùng quan điểm nhưng không ngăn cản lại tìm cách giúp đỡ cho bạn đi trót lọt. Sau đó khi Lê Thì Hiến vào trấn thủ vùng Nhật Lệ thì Đào rút quân không giao chiến để trả mối hàm ân. Sự việc này không có trong chính sử, chắc chỉ là hư cấu.
Cuộc đối thoại giữa hai người khiến ta nhớ đến Ngũ Tử và Thân Bao Tư đời Chiến Quốc. Thân Bao Tư cũng không ngăn cản Ngũ Viên, nhưng cũng kiên quyết: nếu anh làm nguy cho nước Sở, thì tôi sẽ làm yên cho nước Sở.
Câu chuyện tranh luận về nhà nho và kẻ chăn trâu quân tử, nhà nho và kẻ chăn trâu tiểu nhân lại cũng là câu chuyện của Trung Quốc, ta đã biết khi xem sự tích các ông Bách Lý Hề, Nịnh Thích. Việc thấy chúa Sãi ăn mặc thường phục ra tiếp, Đào không chịu đến chào, cũng tương tự như chuyện các ông vua chư hầu phải biết lễ khi tiếp nhân tài. Việc Đào đến núi Đâu Mâu, gặp cụ già Hoàng Phủ trao một cuốn sách thần giống như chuyện Trương Lương được Hoàng Thạch Công trao cho cuốn kỳ thư… Rồi chuyện Đào thấy con rể là Nguyễn Hữu Tiến dùng quân pháp trị tội người thân của chúa Sãi, phải vội vàng vào trình với chúa. Câu chuyện này cũng gần như phỏng lại chuyện của Tôn Vũ, Điền Nhương Thư chém nàng hầu và người trong họ nhà vua, được kể ở Đông Chu liệt quốc.
Có lẽ trong số giai thoại chung quanh Đào Duy Từ chỉ có 2 giai thoại riêng không lẫn lộn với ai cả. Một là giai thoại "chữ nghĩa". Câu chuyện khuyên chúa làm cái mâm đồng hai đáy kèm theo mấy câu khó giải, nhằm ý trả lại dạo sắc (Dư bất thụ sắc) và nhắn lời thách thức (Lực lai tương địch). Câu chuyện này có thể là có thực, và bên cạnh mục đích tôn vinh Đào Duy Từ cũng có tác dụng đề cao Phùng Khắc Khoan, nhưng đối chiếu thời gian lịch sử thì không chính xác.
Còn câu chuyện hoàn toàn hư cấu là câu chuyện Trịnh Tráng làm ca dao nhắn nhủ Đào Duy Từ (tương truyền đấy là bài ca dao "Trèo lên cây bưởi hái hoa" quen thuộc) và Đào đã trả lời: Có lòng xin tạ ơn lòng/ Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen. Và do dụ dỗ mãi nhưng không được, Trịnh Tráng bèn đổi lòng từ chỗ thuyết phục sang chỗ khích bác, bằng cách đặt ra những câu hát:
Có ai về tới đường trong
Nhắn nhe "bố đỏ" liệu trông mà về
Mải tham lợi, bỏ quê quán tổ
Đất nước người, dù có như không
Thực ra đây chỉ là câu chuyện gán ghép, không thực đúng tâm sự và tâm lý của Đào Duy Từ. Sống với chúa Nguyễn, chắc chắn Đào không bao giờ nghĩ mình là kẻ:
Như chim vào lồng, như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra…
Tại sao lại có tình hình trên về giai thoại Đào Duy Từ? Có lẽ chủ yếu vì cuộc đời ông rất khó xác định, mặc dù sau này những sách liệt truyện, những sắc phong đã nói nhiều về ông. Những gì được viết trong các sách ấy chưa cho ta rõ gì hơn về hành trạng của ông lắm. Chỉ có chặng đời cuối 8 năm phục vụ chúa Nguyễn là rõ nét, mặc dù không được cụ thể. Những chủ trương về lễ nghi, y phục, những chính sách ruộng đất, sáng tác nghệ thuật của ông vẫn chỉ là truyền ngôn trong dân gian…
Tuy vậy qua giai thoại về Đào Duy Từ, ta thấy rằng: nhân dân ta rất ngưỡng mộ các danh nhân, luôn phú cho họ những điều như họ mong muốn. Tài năng, đức độ, vị trí của Đào Duy Từ được dân gian làm rõ nét, xem ông như Gia Cát Khổng Minh. Giai thoại về Đào Duy Từ cho thấy được con đường của một trí thức đi tìm chân chúa như thế nào. Đó là một trí thức có hoài bão, có phấn đấu tu dưỡng, tích lũy kiến thức, rèn luyện tài năng để làm việc cho đời và đã làm được việc. Như vậy, giai thoại đã góp phần khẳng định thêm vị trí của Đào Duy Từ trong lịch sử dân tộc.
. Trần Xuân Toàn |