Truông Mây: một di tích bị lãng quên
7:58', 22/9/ 2005 (GMT+7)

Chỉ cách thị trấn Tăng Bạt Hổ (Hoài Ân) hơn 2 km, nhưng Truông Mây, di tích lịch sử gắn với chàng Lía, người anh hùng nông dân của Bình Định, lại bị lãng quên. Thắp một nén hương bên mộ chàng Lía mà trong lòng không khỏi đau xót...

 

                            Những viên đá ong là dấu tích còn lại của mộ Chàng Lía.

 

* Một "Robin Hood" của Bình Định

Chuyện Chàng Lía hiện còn lưu lại trong một bài vè dài 1.336 câu, lưu truyền nhiều ở Bình Định và khắp miền Nam. Chàng Lía nguyên quê ở huyện Phù Ly. Cha mất sớm, Lía theo mẹ về quê ngoại tại làng Phú Lạc (nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn). Gia cảnh bần hàn, Lía đi chăn trâu cho một phú hộ trong vùng, chịu hành hạ, đánh đập khổ sở nên sớm có tinh thần phản kháng. Lía là người có sức khỏe phi thường, lại giỏi võ nghệ, tính tình khảng khái.

Một lần, không chịu được cảnh một tên lính triều đình cậy thế ức hiếp dân làng, Lía ra tay đánh chết hắn. Quan trên vây bắt, Lía cõng mẹ vượt qua vòng vây lên núi, gặp một toán cướp. Tài nghệ và tính cách khảng khái của Lía đã cảm hóa chúng và được tôn lên làm trại chủ. Hàng ngày, Lía đem quân xuống núi, cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo. Khi mẹ qua đời, Lía đưa hài cốt mẹ về quê, rồi bỏ đi ngao du.

Ngang Truông Mây, Lía lại bị một bọn cướp do cha Hồ cha Nhẫn cầm đầu, chận đường. Một lần nữa, tài ba và chí khí của Lía đã làm toán cướp cảm phục. Lía được tôn làm chủ soái Truông Mây. Từ đây, Lía ra lệnh cho thủ hạ không được cướp bóc bừa bãi khách bộ hành mà chỉ cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo. Tiếng đồn về Lía vang dội khắp vùng: "Lía ta nổi tiếng anh hào/ Sơn hà một góc thiếu nào người hay/ Bạc tiền thừa đủ một hai/ Chiêu binh mãi mã càng ngày càng đông/ Làm cho bốn biển anh hùng/ Mến danh đều tới phục tùng chân tay".

Không đánh dẹp được Lía bằng vũ lực, triều đình bèn dùng mưu, dụ dỗ một ái thiếp của viên tuần phủ vốn đã bị Lía bắt về làm vợ, làm nội ứng. Một hôm, có tiệc khao quân, thị ta bí mật bỏ thuốc mê vào rượu, dụ dỗ các nghĩa sĩ uống, rồi trói Lía lại và mở cửa thành cho quân triều đình tràn vào. Lía vùng chạy lên núi, buồn lòng phẫn uất và tự sát.

Chàng Lía tuy không còn, nhưng tình cảm của dân nghèo đối với chàng mãi mãi đi vào văn học và tâm hồn người dân: "Chiều chiều én liệng Truông Mây/ Cảm thương chú Lía bị vây trong thành".

* Di tích đã bị lãng quên

Từ thị trấn Tăng Bạt Hổ đi lên hơn hai cây số, qua cầu Mục Kiến, là đã đến Truông Mây. Truông Mây, còn gọi là Hóc Sấu, nằm trên hai thôn, đầu bắc là Phú Thuận, đầu nam là Vĩnh Hòa, nay thuộc xã Ân Đức. Từ xa nhìn về Truông Mây, mới thấy được cái địa thế hiểm trở của khu đất từng là nơi đồn trại này. Phía đông và đông nam Truông Mây, nhánh sông Kim Sơn chảy từ nam ra bắc tạo thành hào lũy tự nhiên. Phía tây là núi non trùng điệp, lại có thêm hòn núi Một sừng sững như chiếc bình phong. Hẳn xưa kia, hai bên truông, mây rừng bao phủ, địa thế hiểm trở, nên mới có tên như vậy. Nhưng nay, tìm đỏ mắt cũng chẳng thấy chút mây rừng nào.

Truông Mây nay, nhà người dân cư trú khá dày. Anh Võ Chí Hà, cán bộ Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao Hoài Ân cho biết, cách đây gần hai chục năm, khi anh cùng các đồng nghiệp lên đây khảo sát, thì khung cảnh đã vậy. Phải len sau những vườn cây, leo lên sườn núi Một, anh Hà chỉ cho tôi một mảnh đất ken đặc cây cối, lọt thỏm giữa vườn điều: mộ chàng Lía. Phải vạch lá mới thấy chút dấu tích còn lại: một đoạn tường đá ong, dài độ 1m. Đi ra phía sau, thấy thêm một lớp 5, 6 hòn đá ong vuông vức khác. Và cũng chỉ còn bấy nhiêu. "Trước đây, tôi có nghe các cụ già nói là ngôi mộ còn khá nguyên vẹn, chỉ mất tấm bia do bị bọn đào trộm vàng phá hủy"- anh Hà nói. Điều khá đặc biệt là mộ tuy nhỏ, nhưng căn cứ vào dấu tích vòng ngoài thì khu mộ lại khá rộng.

Còn dấu tích thành, trại nghĩa quân, tìm mãi chúng tôi cũng chẳng thấy. Cuối cùng, mới phát hiện ra vài hòn cuội nằm chơ vơ dưới những gốc điều. Thì ra, khi trồng điều, người dân đã đào xới cả khu vực này lên, nước chảy xói lở hết mảng kè bằng đá cuội. Trên đường đi xuống, chúng tôi mới gặp một vài hòn đá cuội khác, được người dân tận dụng dùng làm kè chắn nước từ sườn núi đổ xuống.

* Vẫn chưa có hồ sơ di tích

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Thành, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao Hoài Ân, cho biết: "Trước đây, khoảng năm 1997, 1998 gì đó, Trung tâm đã đặt vấn đề khảo sát, xác định vị trí để dự định lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích. Nhưng sau đó, lại bị bỏ lửng, không còn ai quan tâm đến, không hiểu vì sao".

Còn TS Đinh Bá Hòa, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, cho biết: "Trước đây, chúng tôi cũng đã tiến hành khảo sát, nhưng do thấy chưa có tính khả thi, dấu tích cũng chưa rõ nét lắm, nên chúng tôi chưa làm hồ sơ di tích. Tuy nhiên, trong thống kê chung về các di tích trong tỉnh vẫn có ghi nhận. Sau này, khi nào địa phương có cùng mối quan tâm với ngành bảo tàng về di tích này, có cùng ý thức bảo vệ thì chúng tôi sẽ làm".

Sự tích chàng Lía với sức sống của nó mang tính truyền kỳ, nhưng gói ghém khá trọn vẹn những gì thuộc về yếu tố phát sinh và hình thành Miền đất võ Bình Định. Đồng thời, cũng tái hiện một bức tranh toàn cảnh đêm hôm trước của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn. Di tích Truông Mây do vậy cần được khảo sát lại và bảo vệ. Nếu không, cuộc khởi nghĩa Chàng Lía và căn cứ Truông Mây sẽ chỉ còn có thể tìm thấy trong những lời vè truyền tụng.

. Lê Viết Thọ

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giai thoại về Đào Duy Từ - nét mới trong kho tàng giai thoại Việt Nam  (21/09/2005)
Ghi chép về chùa Linh Phong  (19/09/2005)
Các món dưa ở Bình Định  (18/09/2005)
Kỳ công ngoại giao sau đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789  (16/09/2005)
Con nhum  (15/09/2005)
Hàu Bãi Xép  (12/09/2005)
Di tích lịch sử bến Trường Trầu  (11/09/2005)
Xoài tượng Bình Định  (14/09/2005)
Chèo bả trạo  (07/09/2005)
Nem chợ Huyện  (06/09/2005)
Thành Tây Sơn ở Chánh Mẫn  (05/09/2005)
Chả cuốn Gò Bồi  (02/09/2005)
Hòn non bộ khổng lồ giữa thiên nhiên Bình Định  (01/09/2005)
Bún tôm Phù Mỹ  (31/08/2005)
Trang phục quan Văn thời Tây sơn: Bảo vật Quốc gia  (30/08/2005)