Chuyện bánh trái trong văn học dân gian
10:36', 23/9/ 2005 (GMT+7)

Cây sai quả, lúa vun đồng, Việt Nam lại là xứ sở quanh năm lễ hội nên bánh trái cũng đua nhau sinh trưởng và phong phú. Về cây trái thì tùy từng vùng mà có những đặc sản riêng:

Muốn ăn bánh ít lá gai

Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi

Bánh thì có đến hàng trăm món, nhưng chung nhất vẫn là bằng gạo nếp.

 

                                               Làm bánh Tết (ảnh: Đào Tiến Đạt)

 

Theo Lê Quý Đôn thì "phương Nam ta kể vị trí thì thuộc quẻ Ly, kể ngũ hành thì thuộc hành hỏa, nên có nhiều sản vật. Theo Kinh Dịch, Ly là tỏ sự sáng, đẹp bởi vậy phương Nam có nhiều vật quý. Hỏa là chủ của sự sáng sủa, bởi vậy phương Nam có nhiều người thông minh, học giỏi văn hay".

Xưa nay có không ít người thắc mắc về tên gọi của một số bánh trái, ngờ rằng tên không phải thế.

Trong bài "Tiếng nói chính" đăng trên tờ Lục tỉnh Tân Văn từ năm 1908, Lê Ngọc Khuê đã viết: "Các thứ bánh khi xưa cũng đã đặt tên rồi mà nay còn kêu tên sai trái. Như bánh Tết hay bánh Tiết Nguyên Đán, ngày ngươn đán, mồng một tháng giêng kêu là ngày xuân, rồi sau lần lần kêu là ngày Tết. Nguyên xưa ăn chơi vào tiết ngươn đán thiệt là thật thú vị lắm, chẳng lo sự làm ăn, những người lo ăn chơi du san du thủy nên gói bánh ấy đem theo mà ăn nên kêu là bánh tiết, bây giờ lại kêu là bánh tét nghĩa là bánh tét ra từng khoanh mà ăn, cũng còn cho phải.

Còn như bánh ếch sao lại kêu là bánh ít, khi gói rồi sắp lớp lên nhau đó như hình ếch nên kêu bánh ếch. Bánh cuốn là cuốn lá tròn đặng bỏ nếp vô cột bít lại mà nấu, tục kêu là bánh cúng, bánh nào lại không cúng được? Bánh ngói là hấp một nửa sống rồi nén dẹp như miếng ngói mà gói lại thì phải kêu bánh ngói chớ bánh gói sao cho thuận, không phải một thứ bánh đó mà gói.

Như bánh ếch trần là bột và nhưn làm bằng bột bánh ếch mà để trần không gói lá áo nên phải kêu cho trúng là bánh ếch trần mới phải. Bánh ấu là bánh gói 4 góc nhọn trái ấu chớ kêu bánh ú là trái tai. Bánh cặp là bánh gói 2 bánh cặp một, chớ kêu bánh cấp thì xa lắm. Bánh xổi là bánh ăn còn nóng thoa mỡ hành ăn liền mới ngon, bây giờ kêu là bánh hỏi.

Những lời luận đây có phải, có trái. Chẳng phải tôi dám chắc, cúi xin lục châu quân tử ai có rõ thì sửa lại và có biết tiếng nói tục hay nói sai thất thì lập luận thêm, cũng như có ích cho trẻ em ngày sau vậy".

Trong dân gian còn xây dựng nên nhiều truyền thuyết về các loại bánh, chẳng hạn như "Bánh dày, bánh chưng": "Một đêm, chàng nằm mộng thấy thần đến bảo: trong trời đất không gì quý bằng hạt gạo. Chỉ có gạo mới nuôi sống con người và ăn không bao giờ chán… Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương". Và Lang Liêu đã làm ra hai thứ bánh này bằng cách: "Chọn lấy thứ gạo nếp thơm lừng, trắng tinh, hạt nào hạt nấy tròn đem vo vo thật sạch, lấy đậu xanh, thịt lợn làm nhân, dùng lá dong trong vườn gói thành hình vuông, nấu một ngày một đêm thật nhừ. Để đổi vị, đổi kiểu, cũng thứ gạo nếp ấy, chàng đồ lên giã nhuyễn, nặn hình tròn…".

Không chỉ vậy, các nhà văn nghệ dân gian còn đưa chủ đề bánh trái vào văn học. Một trong các hình thức diễn đạt đặc sắc là những câu đố dí dỏm, ngắn gọn mà gây ấn tượng, dễ nhớ. Các bậc phụ huynh thường lấy dùng để khơi dậy tư duy các cháu, cũng là một cách trò chuyện thân mật đầm ấm trong gia đình.

Trước hết là những câu đố về bánh.

Đố về bánh tét:

Cái gì trong trắng ngoài xanh

Trồng đậu, trồng hành mà thả heo vô.

Về bánh ít:

Đầu nhọn đít bằng đều đóng khố

Có đậu, có hành có cả thịt heo

Đố về bánh ướt là tâm trạng ước ao:

Nàng ngồi trước mũi ghe lê

Phải chi anh đặng ngồi kề một bên

Có khi dùng phương pháp nói lái để đố. Đố bánh tráng là nói lái chữ "bán tránh":

Chợ trong không bán bán tránh chợ ngoài

Đố về bánh hỏi là dạng câu hỏi:

Hỡi cô ngồi dựa loan phòng

Tóc mai dợn sóng cô có chồng hay chưa?

Còn đây là những câu đố về trái. Đố về trái dừa:

Nửa lưng trời có vũng nước trong

Cá lòng tong lội không tới

Hay đố về trái thơm:

Dầu hư tiếng vẫn còn hoài

Một trăm con mắt đố ai thấy đường

Đố về trái chuối thật lý thú:

Bằng bắp tay nằm ngay bàn Phật

Tụng kinh rồi lột trật áo ra

Phát hiện để miêu tả khi đố về trái bắp:

Sùm sụp mà đứng giữa trời

Chồng con không có một đời chửa hoang

Trên đầu tóc đỏ như lang

Chỉ tơ vấn vít trong vàng ngoài xanh

Và cuối cùng là câu đố về một thứ trái mà cái tên của nó gắn liền với con vật đứng đầu thập nhị chi:

Mượn tên con vật trong hang

Đem ra ngoài chợ bạn hàng mân mê

Đó là đố về trái dưa chuột đấy thôi!

. Trần Xuân Toàn

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Truông Mây: một di tích bị lãng quên  (22/09/2005)
Giai thoại về Đào Duy Từ - nét mới trong kho tàng giai thoại Việt Nam  (21/09/2005)
Ghi chép về chùa Linh Phong  (19/09/2005)
Các món dưa ở Bình Định  (18/09/2005)
Kỳ công ngoại giao sau đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789  (16/09/2005)
Con nhum  (15/09/2005)
Hàu Bãi Xép  (12/09/2005)
Di tích lịch sử bến Trường Trầu  (11/09/2005)
Xoài tượng Bình Định  (14/09/2005)
Chèo bả trạo  (07/09/2005)
Nem chợ Huyện  (06/09/2005)
Thành Tây Sơn ở Chánh Mẫn  (05/09/2005)
Chả cuốn Gò Bồi  (02/09/2005)
Hòn non bộ khổng lồ giữa thiên nhiên Bình Định  (01/09/2005)
Bún tôm Phù Mỹ  (31/08/2005)