Lòng cá chẻm
10:10', 25/9/ 2005 (GMT+7)

Dù bạn không phải là người Quy Nhơn, chắc bạn cũng không lạ gì đầm Thị Nại. Một vùng phong phú nhất về món ăn đã lạ mà còn ngon nữa:

Nhất da cá mú bông, nhì lòng cá chẻm.

Hai loại cá này đều sống trong vùng nước lợ. Đầm Thị Nại nhận được nước ngọt từ ba ngả sông: Gò Bồi, Cầu Đôi và Lòng Sông. Nước ngả mặn nên đầm có nhiều thủy-côn trùng. Hầu hết cá tôm đều béo, ngon ngọt. Đặc biệt ngon là cá chẻm.

Cá chẻm thân dài hao hao cá chép với cái mồm rộng hoắc - đúng là "miệng cá ngáo". Nó rất mạnh, ăn khỏe và chỉ ăn mồi sống. Thấy con mồi lượn, nó phóng tới há miệng đớp ngay. Nhanh đến nỗi không kịp thấy. Người đi câu nhà nghề gặp cá chẻm ăn là biết ngay. Cá chẻm cắn câu, không mấy khi sẩy. Lưỡi câu có dở mấy cũng dính, nhưng đừng vội mừng, nếu bạn là người câu xoàng. Trong tích tắc, bạn giật mạnh cần lên, từ nặng đã chuyển sang nhẹ tênh, với cần không cá đã đành mà cả chì, lưỡi, dây câu đều biến mất. Biết cả chẻm đớp, bạn chỉ cần giật nhẹ cho lưỡi dính vào miệng cá, nới sợi dây câu cho cá chạy. Giờ đây bạn chỉ cần giữ mái chèo để nó kéo bạn đi du ngoạn trong đầm. Vì vậy nó còn có tên là cá vượt. Gặp cá nhỏ, nó sẽ lôi bạn chừng mươi phút. Lúc cá mệt rồi, nằm phơi cái bụng trắng như bạc. Thu dây cầu, đập cho nó một mái chèo rồi kéo lên. Đôi khi gặp may, bạn có thể ngồi chơi, căng nhợ theo cá du ngoạn một vài giờ. Cá lớn có thể dài hơn một mét. Được con chẻm cỡ ấy, giá phải đến vài trăm ngàn đồng. Giá trị nhất là bộ lòng. Giá cao là thế nhưng không mấy khi gặp bán ở chợ. Thợ câu chỉ bán phần thịt cá thôi, bộ lòng nhất định họ để lại.

Thợ câu để dành lại bộ lòng chẻm vì nhiều lẽ:

-    Lòng cá chẻm ngon tuyệt.

-    Họ tin rằng, có xơi bộ lòng cá thì mới câu được nó, bán đi là thất lộc. Miếng ngon thế mà khi ăn thì nhất định họ phải mời bạn bè cũng xơi cho bằng được, càng đông càng tốt. Thế mới thiêng. Chẳng bao giờ họ ăn riêng. Đó là cái lệ miền sông nước.

Thịt cá chẻm thật lành, ngon mà thơm. Nếu có đủ cá, bạn có thể ăn trừ cơm. Những miếng thịt cá chẻm xắt vuông con cờ, tươi xanh, còn rung rung mà xào với hành ớt, chuối khế thì món ăn tây cũng không bằng được. Đặc sản của đầm Thị Nại đó, mời bạn.

Gan cá bùi mà ngọt, mỡ cá béo ngậy mà thơm, bao tử cá giòn giòn mà đủ dai. Chút lá hành hăng hăng, cay cay làm tuôn nước bọt, mà giảm bớt cái vị béo. Một ly đế nhỏ thôi, đủ làm tăng hương vị cá tuy có hơi tanh mà thơm. Ăn món lòng cá chẻm tươi, bạn mới thấy hết cái nghịch lý trong nghệ thuật ẩm thực. Nó lạ lùng đến nỗi, chỉ biết ngon mà khó tả.

Chưa ăn lòng cá chẻm tươi

Xuôi tay, tính lại vị đời đủ chưa.

Phải viết thế mới đúng. Nhưng bỗng ngài ngại, sờ sợ cụ Nguyễn Tuân mắng cho: Tên nào dám đạo văn của ta. Giá mà cụ còn sống, thế nào tôi cũng nài nỉ cụ, mời cụ về Quy Nhơn nhấm thử miếng lòng cá chẻm. Thế nào cụ cũng mỉm cười cho tôi có lý.

Mải nói cái ăn mà quên mất cái thú rượt người. Đây là một danh từ rất riêng của vùng sông kề biển. Vào giữa mùa hè khi nước sông đủ mặn, cá chẻm lên sông, chúng đuổi mồi chạy vòng vèo trên sông. Ban ngày ít gặp hơn, ban đêm thấy rất rõ. Cá đi đến đâu là có lằn sáng theo sau. Chúng đi tìm mồi hay tìm bạn tình chăng? Chúng rất dạn người. Cá đi đến đâu, người ta đuổi theo đến đó, tiếng la ó, hò hét vang trên sông. Người lớn mang đọc (một cây trúc thật thẳng, trước ngọn gắn chĩa ba ngọn hoắt) nhắm phóng đúng vào cá, dù cá giẫy giụa mấy cũng thua. Lũ trẻ hùa nhau chạy đuổi, cho cá "vượt" theo hướng Tây, dòng sông cứ cạn dần, cạn dần. Cá chạy, người trước tiếp người sau đuổi, cá sợ quá phóng lên cát nằm giẫy giụa. Người ùa tới găm dọc vào thân cá để dành phần như luật đi săn. Người đâm đầu tiên được chia bộ lòng, còn thịt thì cùng chia. Lâu lâu mới được một bữa nhậu hả hê này.

. Theo Văn hóa Ẩm thức Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện bánh trái trong văn học dân gian  (23/09/2005)
Truông Mây: một di tích bị lãng quên  (22/09/2005)
Giai thoại về Đào Duy Từ - nét mới trong kho tàng giai thoại Việt Nam  (21/09/2005)
Ghi chép về chùa Linh Phong  (19/09/2005)
Các món dưa ở Bình Định  (18/09/2005)
Kỳ công ngoại giao sau đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789  (16/09/2005)
Con nhum  (15/09/2005)
Hàu Bãi Xép  (12/09/2005)
Di tích lịch sử bến Trường Trầu  (11/09/2005)
Xoài tượng Bình Định  (14/09/2005)
Chèo bả trạo  (07/09/2005)
Nem chợ Huyện  (06/09/2005)
Thành Tây Sơn ở Chánh Mẫn  (05/09/2005)
Chả cuốn Gò Bồi  (02/09/2005)
Hòn non bộ khổng lồ giữa thiên nhiên Bình Định  (01/09/2005)