Di tích Tây Sơn tại Huế
16:21', 27/9/ 2005 (GMT+7)

                       Di tích Núi Bân

Huế là kinh đô đầu tiên của triều đại Quang Trung và Cảnh Thịnh (1788-1801), là nơi ghi dấu huy hoàng của giai đoạn lịch sử thời Tây Sơn trong sự nghiệp đấu tranh giai cấp, bảo vệ nền độc lập dân tộc, lập lại nền thống nhất đất nước và cải cách, xây dựng đất nước.

Nhưng rất tiếc, trải qua gần 150 năm thù địch của triều đại nhà Nguyễn nên phần lớn các di tích thời Tây Sơn bị hủy hoại, hiện vật bị thất thoát. Kinh thành, cung điện, lăng mộ của vua Quang Trung là những di tích quan trọng nhất dù đã được giới nghiên cứu nỗ lực tìm kiếm nhưng vẫn là những câu hỏi lớn.

Một số di tích, hiện vật được xác định và phát hiện tuy còn ít ỏi như Núi Bân, nơi làm lễ lên ngôi của vua Quang Trung và xuất quân đánh giặc Thanh, các di tích liên quan đến các nhân vật Tây Sơn như Trung thư Phụng Chánh Trần Văn Kỷ ở làng Vân Trình, xã Phong Bình, huyện Phong Điền; Đại tư đồ Võ Văn Dũng ở làng La Chữ, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà và một số di vật khác, nhưng cũng nói lên được tầm quan trọng của Huế dưới thời Tây Sơn.

1. Đàn Nam Giao Tây Sơn

Dựa vào hành động phản bội của Lê Chiêu Thống, 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh ồ ạt tràn sang xâm lược nước ta. Đứng trước tình thế nghiêm trọng do tương quan lực lượng hết sức chênh lệch, Đại tư mã Ngô Văn Sở đã sáng suốt quyết định thực hiện cuộc rút lui chiến lược. Ngày 20 tháng 11 năm Mậu Thân (17-12-1788), gần 1 vạn quân thủy bộ Tây Sơn đang đồn trú ở Bắc Hà, rút lui về giữ phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn (Ninh Bình - Thanh Hóa), nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của địch và bảo đảm an toàn, bí mật cho hậu phương phía Nam. Tại đây, Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết nhận sứ mạng mang thư của Ngô Văn Sở về kinh.

Ngày 21-12-1788, tin cấp báo về đến Phú Xuân, trước vẻ hốt hoảng của Nguyễn Văn Tuyết và nỗi hoang mang của các tướng sĩ, Nguyễn Huệ bình tĩnh và tươi cười nói: "Việc gì mà cuống quýt lên vậy? Chúng nó tự đi đến chỗ chết thôi, ta hãy lên ngôi, làm cho danh nghĩa quang minh chính đại để ràng buộc lấy lòng người trong Nam ngoài Bắc trước đã, rồi sẽ ra bắt sống chúng nó cũng chưa muộn" (Khâm Định Việt sử Thông giám Cương mục và Lê quý kỷ sự).

Lập tức, Nguyễn Huệ cho lập đàn Nam Giao ở về phía nam thành Phú Xuân và ngày hôm sau (22-12-1788), Nguyễn Huệ cùng quan quân lên đàn làm lễ cáo Trời - Đất, chính thức đặt niên hiệu Quang Trung, thay thế niên hiệu Thái Đức thứ 11 của Nguyễn Nhạc và hạ lệnh xuất quân, chủ động đưa chiến trường ra Thăng Long, bất ngờ đánh địch vào đầu xuân Kỷ Dậu (1789).

Trong khí thế tưng bừng của đội quân bách chiến bách thắng, chỉ sau 5 tuần lễ, với phương tiện vận chuyển thô sơ, nghĩa quân Tây Sơn vừa di chuyển vừa tuyển quân đã vượt qua hơn 700 km đường rừng với suối sông hiểm trở, trong thế 1 chọi 3 quân đội Tây Sơn đã quét sạch đạo quân xâm lược Mãn Thanh thu lại toàn bộ giang sơn, giành lại nền độc lập cho dân tộc.

Nguyễn Huệ chọn núi Bân, một quả đồi cao 41 m, chiều dốc 25 độ, có diện tích 80,956 m2 để lập Đàn Nam Giao, hiện ở xứ Cồn Mồ, thuộc xóm Hành, thôn Tứ Tây. Ở vào vị trí 16 độ 26' vĩ Bắc và 107 độ 35' kinh Đông; nếu lấy Kỳ đài của kinh thành Huế hiện nay làm điểm chuẩn, thì Đàn Nam Giao Tây Sơn về phía đông - nam một góc 20 độ và cách kinh thành 3.120 m, ở phía Tây núi Ngự Bình và cách đỉnh núi này 620 m. Đối với Đàn Nam Giao triều Nguyễn, Đàn Nam Giao Tây Sơn ở về phía Đông - Bắc một góc 200 và cách 950 m.

Nếu căn cứ theo vị trí thành Phú Xuân ở phía Đông - Nam trong kinh thành Huế ngày nay, thì Đàn Nam Giao Tây Sơn ở về phía Nam và cách thành Phú Xuân dưới thời Quang Trung chừng 3.200 m.

Từ thành Phú Xuân đến đàn Nam Giao Tây Sơn có hai con đường. Con đường thứ nhất từ thành qua An Cựu vòng qua phía bắc núi Ngự Bình rời dẫn đến đàn Nam Giao Tây Sơn cách Quốc lộ 1 chừng 1.500 m. Nhân dân địa phương cho biết con đường này có từ lâu đời trước đây được các vua triều Nguyễn dùng đi tế lễ hoặc ngoạn cảnh ở núi Ngự Bình và đàn Nam Giao. Con đường thứ hai khá rộng chạy từ Phủ Cam qua An Lăng rồi gặp con đường Ngự Bình, dẫn đến đàn Nam Giao Tây Sơn. Rất có thể Nguyễn Huệ đã dùng hai con đường này để tập kết 6 vạn quân sĩ tại lễ đàn và sau đó dùng làm tuyến tiến phát đại binh ra Bắc tiêu diệt giặc Thanh.

Bân Sơn hiện nay phong cảnh địa lý đã thay đổi nhiều, cánh đồng tập trận và là nơi tập kết đại binh của lễ xuất quân nay là khu nhà ở của dân làng Tứ Tây, xung quanh núi Bân đã trở thành khu nghĩa địa rộng lớn nhất của thành phố Huế.

Lợi dụng đỉnh của quả đồi, đàn được đan xẻ thành 3 tầng tạo thành 3 khối hình nón cụt chồng lên nhau theo chiều cao nên núi còn có tên Ba Tầng, Tam Tầng, Ba Thành. Từ chân đồi lên đỉnh ở độ cao 37 m là tầng thứ nhất cho chu vi 220 m, bề rộng của tầng này không đều nhau có khoảng cách từ 12-19 m. Tầng thứ hai có chu vi 122,5 m bề rộng trung bình của tầng này là 10,5 m, chiều cao so với tầng thứ nhất là 1,65 m. Ngay ở đỉnh đồi là tầng thứ 3; bề mặt rất phẳng, chu vi 52,75 m, cao hơn tầng thứ hai 1,2 m.

Theo 4 hướng đi của đàn là 4 con đường, bề rộng các con đường này càng lên đỉnh càng thu hẹp dần. Người thiết kế đàn Nam Giao đã khéo léo lợi dụng bốn địa thế cao ở xung quanh núi Bân, cách đàn chừng 1.200 m làm 4 bức bình phong tự nhiên theo bốn con đường dẫn lên đàn. Đó là khu cao địa Phú Cam phía bắc, núi Thiên Thai ở phía nam, núi Tam Thai ở phía đông và đồi Dương Xuân Thượng ở phía Tây.

2. Các di tích có liên quan đến một số nhân vật thời Tây Sơn

* Trung thư Phụng chánh Trần Văn Kỷ

Trần Văn Kỷ là danh thần hàng đầu thời Tây Sơn, là nhân vật tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế có những cống hiến xuất sắc cho đất nước dưới triều Quang Trung. Ông tham gia phong trào Tây Sơn ngay từ đầu lúc quân đội Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy ra giải phóng thành Phú Xuân vào mùa hè năm 1786 và chịu chung cục thảm khốc với triều đại Tây Sơn năm 1802.

Lăng mộ Trần Văn Kỷ tại xứ Cửa Ngọc ở làng Vân Trình được xây dựng và trùng tu sau khi Nhà nước công nhận di tích quốc gia (11-5-1993), có các dòng chữ:

Đệ thập nhất thế

Hiển tổ khảo Trung thư lệnh kỷ Thiện hầu Trần Tam lang phủ quân mộ chi.

Bản gia phả hộ Trần ở làng Vân Trình và làng Văn Xá ghi chép về Trần Văn Kỷ là nguồn tài liệu quý hiếm để cho chúng ta xác nhận và bổ sung về thân thế và sự nghiệp TrầnVăn Kỷ, một danh thần hàng đầu của triều đại Quang Trung.

* Di tích có liên quan đến Đại tư đồ Võ Văn Dũng ở làng La Chữ, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà.

Kết quả sưu tầm và nghiên cứu của tác giả Phan Thuận An ở làng La Chữ và Phụ Ổ, xã Hương Chữ, huyện Hương Trà đã công bố trong hội thảo khoa học "Tây Sơn - Thuận Hóa: Những dấu ấn lịch sử vào năm 1984 (xuất bản năm 1986) do Bảo tàng Bình Trị Thiên thực hiện cho biết cụm di tích này gồm có:

- Quả chuông đồng:

Chuông được Võ Văn Dũng và bà vợ chính là Lê Thị Vi cúng cho chùa làng La Chữ. Chuông nặng khoảng 4 tạ, cao 1,26m, quai chuông cao 35cm, thân chuông cao 91cm, chu vi bụng 180cm, đường kính 57cm, đường kính miệng chuông 69cm, chuông dày gần 1cm.

Chuông được trang trí, chạm khắc hình ảnh bát bửu khá đẹp gồm: Cái quạt, pho sách, bình hoa, bầu rượu, gương soi, lược chải, tù và lá hương mộc. Có 4 đại tự viết về tứ thời là Xuân, Hạ, Thu, Đông nằm phía trên ứng với từng cặp của bát bửu. Phần dưới có trang trí hình tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng.

Ở mặt Xuân, dưới hình con phụng có các dòng chữ đáng chú ý:

Hương Trà huyện, La Chữ xã

Hội chủ Lê Công Học tin cúng

(bị xóa 4 chữ) Giá Quận Công Võ Văn Dũng

Chính thất Lê Thị Vi công đức

Dịch là: Làng La Chữ, huyện Hương Trà

Hội trưởng Lê Công Học thành tâm xin cúng (cái chuông cho chùa)

…Quận công Võ Văn Dũng và vợ chính là Lê Thị Vi đã có công đức (trong việc đúc cái chuông này).

Mặt thu, phía dưới hình con rồng, có dòng chữ:

Tân Hợi thu thất nguyệt cốc nhật chủ tạo

Dịch là: Chuông đúc vào ngày tốt, tháng 7, mùa thu, năm Tân Hợi (tức năm 1791)

Bốn chữ bị xóa là chức danh của Võ Văn Dũng Điện Tiền Thái bảo

- Bàn Thờ và bài vị ông bà Võ Văn Dũng:

Trong chùa, ở chái bên có bàn thờ vợ chồng Võ Văn Dũng với hai bài vị thờ 2 ông bà.

Bài vị bên trái viết:

Điện Tiền Thái bảo ngự giả Quận công Võ Văn Dũng chi thần chủ.

Bài vị bên phải viết:

Điện Tiên Thái bảo ngự giả Quận công Vũ chính nhất Lê Thị Vi thần chủ.

- Quyển gia phả:

Bản gia phả do ông Lê Công Bạo (sinh năm 1904) ở thành nội Huế giữ, có cho biết, Thị Vi: Sinh ngày không rõ, chết vào ngày 29 tháng 10, chôn tại xứ Cồn Lăng thuộc làng Phụ Ổ, lấy người tỉnh Nam Định (ghi nhầm, đúng ra là Bình Định) là giá mã Đại tư đồ Võ Văn Dũng.

- Lăng mộ ông bà Võ Văn Dũng:

Đó là ngôi mộ song táng hai ông bà Võ Văn Dũng ở vùng đồi của làng Phụ Ổ. Mộ được nằm trong khung thành có kích thước 7,61 x 7,15m. Ở cửa ra vào có trụ cao 2,1m. Trước hai nấm mồ là hương án có kích thước 1 x 0,52m. Sau hai nấm mồ là bức bình phong có hai tấm bia, bia bên trái ghi:

Điện Tiền Thái bảo ngự giá Quận Công Vũ Văn chi mộ.

Bia bên phải ghi:

Điện Tiền Thái bảo ngự giá Quận công Vũ chính nhất Lê Thị phu nhân chi mộ.

Bia được lập Quý Mão niên ngũ nguyệt cát nhật (tức tháng 7 năm 1963).

Được biết, trước đây ngôi mộ này được xây bằng đá vôi và vữa, sau do mưa gió bào mòn nên dân làng La Chữ đã tu sửa năm 1963.

Theo nhiều nguồn tài liệu lịch sử, sau khi Phú Xuân thất thủ, Đại tư đồ Võ Văn Dũng và vợ đều bị bắt và Gia Long đã cho xử hành hình man rợ vào năm 1802. Có lẽ do quí mến vợ chồng Võ Văn Dũng, người có công đức với làng nên dân làng La Chữ đã bí mật đưa thi hài hai ông bà về chôn ở bìa núi của làng Phụ Ổ. Đến năm 1963, mới có điều kiện tu sửa và lập bia.

Đây là nhóm di tích có ý nghĩa của thời Tây Sơn tại Thừa Thiên Huế.

. Theo TS Đỗ Bang

(www.thuathienhue.gov.vn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lòng cá chẻm  (25/09/2005)
Chuyện bánh trái trong văn học dân gian  (23/09/2005)
Truông Mây: một di tích bị lãng quên  (22/09/2005)
Giai thoại về Đào Duy Từ - nét mới trong kho tàng giai thoại Việt Nam  (21/09/2005)
Ghi chép về chùa Linh Phong  (19/09/2005)
Các món dưa ở Bình Định  (18/09/2005)
Kỳ công ngoại giao sau đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789  (16/09/2005)
Con nhum  (15/09/2005)
Hàu Bãi Xép  (12/09/2005)
Di tích lịch sử bến Trường Trầu  (11/09/2005)
Xoài tượng Bình Định  (14/09/2005)
Chèo bả trạo  (07/09/2005)
Nem chợ Huyện  (06/09/2005)
Thành Tây Sơn ở Chánh Mẫn  (05/09/2005)
Chả cuốn Gò Bồi  (02/09/2005)