Rong câu và xa xa
16:22', 30/9/ 2005 (GMT+7)

Xa xa ít vốn nhiều lời

Anh về bỏ vợ lấy người xa xa

(Ca dao)

Xa xa (có nơi còn gọi là xu xoa), nếu bảo là thức ăn hay là thức uống cũng được vì lẽ xa xa vừa no bụng lại vừa giải khát. Vậy thì xa xa được chế biến như thế nào?

Xa xa được chế biến từ rong câu - thứ rau mọc sâu trong vùng nước lợ, nhiều nhất là vùng ngã tư. Ngã tư nhận nước mặn từ biển lên và nước ngọt từ các sông Côn, Hà Thanh đổ về, là môi trường chua lợ thích hợp cho loài tảo sông này phát triển. Từ một bụi nhỏ, trong vòng năm ba tháng có thể lan tràn cả một vùng, nhất là trong các hồ đìa nuôi tôm. Rong câu trải dài vươn từng đám lá màu hơi nâu nâu. Khi triều xuống nó nằm bẹp xuống mặt bùn, lặng lẽ.

Về mùa hè, khi rong câu đã đủ già thì người ta thu hoạch về. Lượm rác, nhặt những thứ rong tảo khác lẫn vào, bỏ ra ngoài, số rong câu đã sạch được đong thành từng rổ nhỏ, trút lên cát hoặc bên bãi cỏ. Từng bánh rong câu thô đã khô được đem về hong trên khạp tre. Đó là khâu sơ chế. Rong câu thô để lâu không mốc. Thỉnh thoảng khi có nắng tốt đem phơi lại gọi là "hâm".

Những ngày giáp hạt hoặc bận bịu công việc, người ta thường ăn cháo rong câu gồm một ít gạo, khoai và rong câu được nấu chung, sền sệt và quánh dẻo. Cháo rong câu chỉ cần một ít đường hoặc muối là đủ thay cơm. Rong câu trộn với rau sống thành thứ rau vừa giòn thơm, vừa dễ tiêu. Người ta còn bảo ăn rong câu khỏi bệnh bướu cổ.

Cầu kỳ hơn là món rong câu trộn. Rong câu được ngâm lâu với nước trời mưa, hoặc nước vo gạo với vài trái chanh xắt lát, rong câu sẽ trắng hơn, bớt mùi "gành", sợi rong câu vừa trắng lại vừa trong. Bao tử heo được luộc chín thái mỏng. Một ít rau thơm như húng quế, húng tàu xắt thật nhỏ. Tất cả đem trộn đều, thêm gia vị là nước mắm ngon, ớt tỏi giã nhỏ. Món này mà đưa cay thì tuyệt. Món trộn vừa giòn vừa dai, rặt mùi hải vị lẫn cả mùi sơn hào, ai cũng thích.

Ngoài các món trên, rong câu còn được chế biến thành xa xa. Có thể nói xa xa là tinh hoa của rong câu. Muốn có một bát xa xa ngon mát, người chế biến phải qua mấy công đoạn:

- Chọn những sợi rong câu đều, mập và trắng.

- Ngâm nước mưa hoặc nước vo gạo vài ba hôm để tẩy bớt màu vàng và mùi biển.

- Nấu nhừ cho đến khi những sợi rong câu tan, nhưng không được già lửa, rong câu sẽ bị cháy vàng, sít nồi.

- Khi rong đã nhừ, người ta cho vào một ít phèn chua để xa xa mau đặc.

- Khuấy đều và đem lược trên vải, vải thưa quá thì xa xa còn lộm cộm vì những sợi rong chưa tan; ngược lại nếu vải dày quá thì rong câu lâu xuống.

Rong câu trong suốt, mềm mại, khiêm tốn như sắc thiên nhiên.

Nói chung, việc nấu xa xa là kỹ thuật và công cán khá nhiều.

Xa xa ăn với đường thắng mới đúng điệu. Đường thắng tới vừa dẻo người ta nặn vào một ít chanh để khỏi lại đường. Thêm một nhúm gừng giã nhỏ. Món xa xa đã sẵn sàng.

Những buổi trưa hè nóng bức ngồi trước nhà đợi gió và đợi xa xa, được ăn một bát thật là thú vị. Bỗng tiếng rao từ xa vọng lại. Ai …xa xa …không? Tiếng xa xa kéo dài thật trong, nhỏ mà vang cả góc xóm. Rồi có tiếng đáp: Ơi, xa xa lại đây!

. Theo Văn hóa Ẩm thực Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một đạo sắc của năm Cảnh Thịnh thứ hai  (29/09/2005)
Di tích Tây Sơn tại Huế  (27/09/2005)
Lòng cá chẻm  (25/09/2005)
Chuyện bánh trái trong văn học dân gian  (23/09/2005)
Truông Mây: một di tích bị lãng quên  (22/09/2005)
Giai thoại về Đào Duy Từ - nét mới trong kho tàng giai thoại Việt Nam  (21/09/2005)
Ghi chép về chùa Linh Phong  (19/09/2005)
Các món dưa ở Bình Định  (18/09/2005)
Kỳ công ngoại giao sau đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789  (16/09/2005)
Con nhum  (15/09/2005)
Hàu Bãi Xép  (12/09/2005)
Di tích lịch sử bến Trường Trầu  (11/09/2005)
Xoài tượng Bình Định  (14/09/2005)
Chèo bả trạo  (07/09/2005)
Nem chợ Huyện  (06/09/2005)