Ngô Thì Nhậm, tự là Hy Doãn, hiệu Đại Hiên, lại có hiệu là Hải Lượng. Ông sinh ngày 11 tháng 9 năm Bính Dần (25-10-1746) tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Tây (nay thuộc Tỉnh Hà Tây).
Ngô Thì Nhậm thuở nhỏ, học chữ với cụ nội - Đan Nhạc - và bố đẻ là Ngô Thì Sĩ. Đạo đức thanh cao mẫu mực của cụ Đan Nhạc, và tư tưởng hoạt động vì dân vì nước của Ngô Thì Sĩ rất sớm nhập vào tâm hồn của Nhậm. Cũng như cha mình, Ngô Thì Nhậm học rất thông minh và đọc rất rộng, thích nghiên cứu và trước tác.
Năm Ất Dậu, 1765, Ngô Thì Nhậm đỗ đầu thi Hương; năm Kỷ Sửu, 1769 đỗ khoa Sĩ Vọng, được bổ làm Hiến sát phó sứ Hải Dương. Đến năm Ất Mùi, 1775, ông đỗ Tiến sĩ, được bổ làm Hộ Khoa cấp sự trung, rồi thăng Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam, sau đổi làm Đốc Đồng trấn kinh Bắc.
Năm Canh Tý, 1780, xảy ra vụ án Trịnh Tông (con Trịnh Sâm) âm mưu dấy binh để dành lại ngôi chúa từ tay em là Trịnh Cán. Vụ án Canh Tý bị phát hiện, phe ủng hộ Trịnh Tông bị Trịnh Sâm trị tội rất nặng.
Sau khi Trịnh Tông được kiêu binh đưa lên ngôi chúa, phe của y trả thù rất tàn nhẫn những người làm nổ ra vụ án Canh Tý. Hàng loạt người bị chém đầu, hàng chục nhà cửa, dinh thự bị đốt phá. Nhiều đại thần phải trốn chạy khỏi kinh thành để tránh bị giết hại. Ngô Thì Nhậm bị coi là người thuộc phe Trịnh Cán, và đã tố giác vụ đảo chính Canh Tý, cũng bị phe Trịnh Tông dự định bắt đem trị tội. Trước nguy cơ đó, Ngô Thì Nhậm đã trốn về quê vợ ở Sơn Nam để lánh nạn trong khoảng 5 năm liền.
Năm Mậu Thân 1788, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc lần thứ 2, xuống lệnh tìm quan cũ thời Lê - Trịnh để bổ dụng. Ngô Thì Nhậm được Trần Văn Kỷ tiến cử… Nguyễn Huệ trọng dụng, phong cho ông làm Tả Thị Lang bộ Lại, tước Trình Phái Hầu.
Cống hiến đầu tiên của Ngô Thì Nhậm đối với phong trào Tây Sơn là việc ông thuyết phục những nhân sĩ, trí thức Bắc Hà, làm cho họ nhận rõ thời thế, và kéo họ về phía nhân dân. Điều này có một ý nghĩa quan trọng đối với tình hình chính trị đương thời. Trên cơ sở của chính sách "cầu hiền" dùng người "không phân biệt mới cũ" và "tấm lòng yêu tiếc nhân tài không lúc nào nguôi" của Nguyễn Huệ, Ngô Thì Nhậm đã đem tâm huyết thảo Chiếu cầu hiền, thiết tha kêu gọi các nhân sĩ ra phục vụ cho vận hội mới. Ngày nay, còn giữ được một số bức thư của Ngô Thì Nhậm gửi cho Trần Danh Án, Tiến sĩ; Ninh Tốn, Tiến sĩ; Ngô Tưởng Đạo, Giải nguyên (chú ruột Ngô Thì Nhậm ); Trần Bá Lãm, Tiến sĩ…
Cống hiến quan trọng nữa của Ngô Thì Nhậm trong sự nghiệp giữ nước là cống hiến về mặt quân sự. Ngày 28 tháng 10 năm Mậu Thân (1788) đại quân Mãn Thanh, gồm 29 vạn quân dưới sự chỉ huy của Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị, vượt ải Nam Quan, tiến sâu vào nội địa nước ta với dã tâm xâm lược. Ngày 25 tháng 11, quân Tôn Sĩ Nghị tiến đến Thị Cầu (Bắc Ninh), uy hiếp trực tiếp Thăng Long.
Ngô Thì Nhậm thảo cho Ngô Văn Sở một bức thư (đứng tên là Ngô Hồng Chấn) do Nguyễn Quí Nha, Trần Bá Lãm, Võ Huy Tấn… đem đến chỗ Tôn Sĩ Nghị đề nghị "hoãn binh". Mặt khác, Ngô Văn Sở họp mọi người bàn cách đánh giữ. Có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cuối cùng mọi người đều đồng ý với kế hoạch của Ngô Thì Nhậm đề xuất "rút lui nhử địch vào nội địa", để "Thăng Long cho chúng ngủ trọ một đêm, rồi lại đuổi đi". Ngô Văn Sở cho toàn quân rút lui về Tam Điệp, rồi cho Đô đốc Nguyễn Văn Tuyết cầm thư chạy ngựa tạm báo cho Quang Trung ở Phú Xuân.
Chính vua Quang Trung đã đánh giá cao phần đóng góp này của Ngô Thì Nhậm. Quang Trung nói: "Vả lại, Bắc Hà mới yên, lòng người chưa phục. Thành Thăng Long bốn mặt đều là chiến trường, không có chỗ nào hiểm trở có thể giữ vững được. Các người đóng quân ở đấy, ngoài thì giặc Thanh xâm lấn, trong thì người Bắc làm nội ứng, các ngươi xoay xở làm sao được. Các người đem toàn quân tạm tránh mũi nhọn của giặc, trong thì khích lệ lòng căm thù của quân sĩ, ngoài thì tăng lòng kiêu căng của giặc. Đó là kế nhử giặc. Mới nghe ta đoán là kế của Ngô Thì Nhậm, đến khi hỏi Văn Tuyết thì quả nhiên là đúng" (Đại Nam chính biên liệt truyện - Sơ tập).
Cống hiến và tài năng của Ngô Thì Nhậm còn thể hiện trong cuộc đấu tranh kiên trì, mềm dẻo, nhưng kiên quyết giành thắng lợi, trong mặt trận đối ngoại với nhà Thanh.
Trong những năm sau đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789), Ngô Thì Nhậm là người đứng đầu công tác ngoại giao của triều Tây Sơn. Công tác ngoại giao này không chỉ thể hiện ở việc viết những văn kiện bang giao, về sau được tập hợp thành Bang giao hão thoại, trong đó là nhưng áng văn bất hủ. Công việc bang giao lúc này là một trong nhưng nhiệm vụ lịch sử hàng đầu của triều đại Tây Sơn. Nó có tác dụng củng cố và phát huy thắng lợi vĩ đại vừa giành được, nâng cao uy tín của quốc gia, ngăn chặn một cuộc chiến tranh xâm lược mới của triều đình Mãn Thanh.
Công cuộc bang giao thời Tây Sơn đã được những thắng lợi chưa từng có, làm vẻ vang cho đất nước, đã viết lên cho những trang sử ngoại giao đẹp đẽ nhất bên cạnh những trang sử chiến thắng huy hoàng, và trong các chiến công này, có phần đóng góp xứng đáng của Ngô Thì Nhậm.
Ngày 29 tháng 7 (nhuận) năm Nhâm Tý (1792), Quang Trung mất sau một cơn bệnh đột ngột.
Ngô Thì Nhậm được triều đình cử làm chánh sứ đi báo tang và cầu phong cho vua mới. Lên đường ngày 20 tháng 2 năm Quý Sửu từ Thăng Long, ngày 8 tháng 5, Ngô Thì Nhậm đến Yên Kinh (Bắc Kinh). Ông đã hoàn thành sứ mệnh, rời Yên Kinh ngày 20 tháng 5 và đến tháng 9 thì về đến Kinh đô Phú Xuân.
Quang Trung mất, Quang Toản lên ngôi lúc 15 tuổi. Trong tình hình chính trị rối ren của những năm cuối triều đại Tây Sơn, Ngô Thì Nhậm đã không phát huy được tài năng và tâm huyết của mình như trước… Mặt khác, con người hiểu ông, tin cậy, trọng dụng ông đã mất. Từ nay, ông cũng như người bạn của ông là Phan Huy Ích thấy mình "như bóng nhạn cô đơn"…
Ngô Thì Nhậm tìm tòi lối thoát trong triết học. Ông lập Thiền Viện Trúc Lâm ở phường Bích Câu và nghiên cứu Thiền học. Ông muốn đứng trên lập trường Nho giáo để nghiên cứu và tiếp thu Thiền Tông, phát huy mặt yêu nước, yêu dân tộc… của Trúc Lâm Yên Tử đời Trần. Những điều thể nghiệm của ông, những bài giảng của ông về triết lý Thiền Tông theo lập trường trên đây được ghi lại trong tác phẩm lớn cuối cùng của ông: Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, hoàn thành 1796.
Năm 1802, Gia Long sau khi đánh lấy Phú Xuân, đã chiếm được Thăng Long. Triều đại Tây Sơn sụp đổ.
Ngô Thì Nhậm lúc này đã về trí sĩ, bị gọi đến hành trại của Gia Long. Vì muốn được nhà Thanh sớm phong danh hiệu, Gia Long toan tính lên Nam Quan để tiếp sứ Thanh và nhận lễ tuyên phong. Gia Long đem ý này hỏi Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích, hai nhà ngoại giao kỳ cựu thời Tây Sơn. Ngô Thì Nhậm trả lời rằng đó là việc xưa nay chưa nghe nói. Câu trả lời trung thực của Ngô Thì Nhậm hẳn đã không làm vừa ý Gia Long.
Ít lâu sau, Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích bị Đặng Trần Thường (bấy giờ giữ chức Phó Tổng trấn Bắc Thành) đem ra kể tội và đánh đòn tại Văn Miếu. Ngô Thì Nhậm "bị đánh chết" theo sử chính thức của triều Nguyễn. Hôm đó là ngày 16 tháng 2 năm Quý Hợi (9-3-1803), ngày kết thúc bi thảm một cuộc đời 57 năm của một con người mà tên tuổi gắn bó với một giai đoạn lịch sử oanh liệt của dân tộc.
Trong Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã xếp Ngô Thì Nhậm vào hàng ngũ những thiên tài mãi mãi là những ngôi sao sáng trên bầu trời Việt Nam làm vẻ vang cho giống nòi.
Mấy chục năm trước đây, khi xây lại mộ, ông người ta phát hiện ra một bài thơ ngắn của Ngô Thì Nhậm được khắc trên một phiến đá nhỏ đặt trong mộ:
Hằng tâm hà sa
Vãng lai vũ trụ
Bất dẫn bất tử
Tầm thường ly tụ.
Tạm dịch:
(Tấm lòng trinh trắng có thể ví như cát của sông
Nó chu chuyển đi về trong vũ trụ này.
Nó không bao giờ hết, cũng không bao giờ chết.
Còn thân thể người ta khi "tụ" khi "ly" là chuyện tầm thường)
Đúng vậy, Ngô Thì Nhậm dù đã mất, song tấm lòng trong sáng vì nước, vì dân của ông còn mãi với sử xanh.
. Theo Nguyễn Minh Tường (Xưa và Nay) |