Công chúa Ngọc Hân (1770-1799) là con gái vua Lê Hiển Tông (1740- 1786), mẹ là Phù Ninh từ cung Nguyễn Thị Huyền, người làng Phù Ninh, xứ Kinh Bắc (nay thuộc địa phận huyện xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội). Ngọc Hân là con gái yêu của vua Hiển Tông, từ nhỏ được học thông kinh sử và tập làm thơ văn. Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc, lấy danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh, được vua Hiển Tông gả công chúa Ngọc Hân cho. Năm ấy nàng mới 16 tuổi. Sáu năm sau Nguyễn Huệ qua đời để lại cho Ngọc Hân hai con thơ dại.
Theo dân làng Phù Ninh kể lại, bà Nguyễn Thị Huyền đưa hai con của Ngọc Hân nuôi giấu trong nhà, nhưng rồi hai trẻ đều chết. Về sau với chính sách trả thù tàn bạo, vua Gia Long cho người về khai quật mả hai đứa trẻ. Một ông thủ từ trong làng giữ miếu thờ "bà chúa Nàng" (tức Thái hậu Ngọc Hân) cũng bị bắt theo.
Về mối duyên lành Nguyễn Huệ - Ngọc Hân, sách Hoàng Lê nhất thống chí của nhóm "Ngô gia văn phái" ghi chép khá kỹ lưỡng. Đại thể, trong số năm, sáu công chúa chưa chồng con vua Hiển Tông, chỉ riêng có một nàng tên chữ gọi Ngọc Hân là người nhan sắc và nết na hơn cả. Hoàng thượng rất yêu quí Ngọc Hân, thường ngày vẫn nói: "Con bé này ngày sau nên gả làm vương phi, không nên gả cho hạng phò mã tầm thường".
Sách Hoàng Lê nhất thống chí còn miêu tả chi tiết các nghi thức khi đưa lễ dạm hỏi, Nguyễn Huệ chọn ngày mồng Mười tháng Bảy "sắp sẵn hai trăm lạng vàng, hai ngàn lạng bạc, hai chục tấm đoạn màu, bày biện gươm giáo cờ quạt, rồi sai viên Thị lang bộ Hình đem các thứ lễ vật đó cùng một tờ tâu vào điện Vạn Thọ"… Sáng hôm sau, Mười một tháng Bảy, làm lễ nghênh hôn. Nguyễn Huệ đã tổ chức lễ đón rước hết sức trang trọng, lại sai đặt tiệc khoản đãi nồng hậu. Tiệc tan, Nguyễn Huệ còn chu đáo "sắp riêng hai trăm lạng bạc, sai quan ngỏ lời kính tặng các vị nhà gái và đưa tiễn ra tận cửa phủ. Các quan ra về, lại họp ở nhà công đường bộ Lễ, ai nấy đều khen nhà vua kén được rể tốt, và bảo nhau: "Thế là từ nay nước An Nam ta đã có một nước dâu gia".
Đáp lại tấm thịnh tình của Nguyễn Huệ, Ngọc Hân tỏ ra là một nàng công chúa có học, rất tâm lý và có tài ứng đối. Ấy là sau buổi làm lễ yết ở nhà Thái Miếu, Nguyễn Huệ hỏi:
- Con trai, con gái nhà vua đã có mấy người được vẻ vang như nàng?
Công chúa đáp:
- Nhà vua ít lộc, các con trai con gái ai cũng thanh bạch nghèo khó. Chỉ riêng thiếp có duyên, lấy được lệnh công ví như hạt mưa, bụi ngọc bay ở giữa trời được sa vào chốn lâu đài như thế này, là sự may mắn của thiếp mà thôi!
Nguyễn Huệ nghe câu ấy, lấy làm thích thú lắm.
Thật là mối duyên lành của lứa đôi "trai anh hùng, gái thuyền quyên", tình cảm mặn mà "ý hợp tâm đồng" cũng là một trang diễm lệ trong cuốn biên niên tình sử vậy!
Sáu năm hương lửa đang nồng… Cái chết của người anh hùng Nguyễn Huệ là một tổn thất bất ngờ không có gì bù đắp nổi cho vương triều Tây Sơn. Với riêng Ngọc Hân, đó là cả một sự hẫng hụt, thiếu vắng, một nỗi bàng hoàng, đau đớn. Trong nỗi niềm thương cảm ấy, Ai tư vãn chính là sự kết tụ những giọt nước mắt khóc thương, nhớ tiếc người anh hùng, người bạn trăm năm của Thái hậu Ngọc Hân.
Theo lệ thường, tám câu mở đầu của bài văn - và rộng hơn, của loại hình văn tưởng niệm nói chung - giới thiệu những ý tưởng chung nhất về hiện trạng về nỗi đau mất mát, biệt ly. Trong 24 câu tiếp theo Ngọc Hân tái hiện hình ảnh con người, cuộc đời và đức độ của Nguyễn Huệ. Điểm độc đáo và cũng là một sự hợp đương nhiên là ở đây hình ảnh Nguyễn Huệ hiện lên không chỉ với tư cách người anh hùng mà trước hết, trên hết là những mối quan hệ cụ thể, riêng tư, là tình vợ chồng. Đó là quan hệ tình cảm khi thanh thản chung vui hạnh phúc, khi phải lo toan những điều thường nhật, những điều bình thường như với bất cứ một đôi vợ chồng nào khác.
Trong nỗi buồn vĩnh biệt, Ngọc Hân có phần cảm thấy mình đã được sống trong sự bao dung, đã gắng làm tròn chức phận của một người vợ Lượng che chở, vụng lầm nào kể - Phận đinh ninh cặn kẽ mọi lời. Nàng đã hết lòng chăm sóc chồng, kể lể mọi nguồn cơn trong nỗi đau thân xác:
Từ nắng hạ mưa thu trái tiết,
Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên.
Xiết bao kinh sợ lo phiền,
Miếu thần đã đảo thuốc tiên lại cầu.
Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước,
Phương pháp nào đổi được cùng chăng?
Nếu như toàn bộ những câu thơ ở phần trên nói về Nguyễn Huệ trong mối liên hệ với chính bản thân mình thì sau đó, tiếp tục mạch cảm xúc nhất quán qua 124 câu thơ còn lại, Ngọc Hân tập trung thể hiện tâm trạng với cách nhìn nhân bản, đằm thắm tình vợ chồng. Khác với mọi nhà thơ, nho sĩ, quan lại như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích… khóc thương Nguyễn Huệ với tư cách một bề tôi tiếc thương đấng minh quân, riêng Ngọc Hân đau xót nỗi đau của người vợ:
Dẫu rằng non nước biến dời
Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là.
Như vậy, đối với Ngọc hân, "nguồn tình" mới chính là nỗi đau riêng tư, mới trở thành một lực hướng tâm quy tụ mọi niềm xúc cảm. Từng lúc chạnh lòng xót xa thân góa bụa, Ngọc Hân tỉnh táo nhìn về hiện thực:
Lênh đênh chút phận bèo mây,
Duyên kia đã vậy, thân này nương đâu?
Có lúc quá đau đớn, nàng muốn liều thân cho vẹn chữ tòng nhưng những đứa con còn kia như bằng chứng tấm tình người đã khuất, như một sợi dây tơ duyên vô hình, như một trọng trách người đi xa trao gửi.
Con trứng nước thương vì đôi chút,
Chữ tình chưa thâm chưa thoát được đi
Thực tế đó là nỗi đau mất mát Nửa cung gãy phím cầm lành - Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ. Càng nhìn vào sự thật càng thêm thương con trẻ mất cha, càng chiêm nghiệm đến tận cùng mọi nỗi xót xa.
U ơ ra trước hương đài,
Tưởng quang cảnh ấy chua cay dường nào!
Hỡi ôi, người chồng thân thiết tay ấp vai kề những tưởng bên nhau mãi mãi nào ngờ đã vĩnh viễn đi xa! Trông theo nào thấy đâu nào! Người vừa còn đấy mà nay vô ảnh vô hình! Ngọc Hân bàng hoàng thổn thức Khóc nào lên tiếng, thức mà cũng mê. Trong phút giây hoang tưởng, nàng để tâm trí trở tới trở lui theo hai chiều hiện tại - quá khứ, sự kiện và suy tưởng, thực và mơ, hư hư ảo ảo. Trí tưởng đưa nàng về một ngày nào bên chồng cười nói, nhưng rồi tất cả tan biến, chỉ còn sự thật nhãn tiền là mất mát, chua cay. Có thể nào tin được cái ngày đẫm nước mắt hôm nay? Chính hôm nay, có thể nào tin được:
Khi trận gió hoa bay thấp thoáng,
Ngỡ hương trời bảng lảng còn đâu.
Vội vàng sửa áo lên chầu,
Thương ôi quạnh quẽ trước lầu nhện giăng.
Khi bóng trăng lá in lấp lánh,
Ngỡ tàn vỡ nhớ cảnh ngự chơi.
Vội vàng dạo bước tới nơi,
Thương ôi vắng vẻ, giữa trời tuyết sa.
Có lúc nàng mơ hồ như đang theo chồng tới một chốn nào xa lắm, tận cõi tiên, nơi đảo Bồng sông Ngân. Là thực sự, là mơ ư?
Đương theo bỗng tiếng gà sực tỉnh,
Đau đớn thay ấy cảnh chiêm bao.
Và hơn nữa, chỉ trong một bài văn ngắn đã xuất hiện ở một loạt những từ chỉ trạng thái cảm giác hư ảo: bàng hoàng, mơ hồ, bảng lảng, bồi hồi, ngơ ngẩn, thấp thoáng, mênh mông, bát ngát, trăng mờ, chiếc bóng, lẻ đôi, nẻo u minh, cảnh đìu hiu, cảnh chiêm bao…
Có thể nói, Ngọc Hân đã trải nghiệm trong nỗi đau và ghi lại một cách chân thực, đầy đủ để tận cùng ngọn nguồn cảm xúc, trạng thái tâm lý của mình. Một sự tự biểu hiện tâm lý như thế có phần nào gần với thiên tài nghệ thuật Nguyễn Du khi ông phổ vào nỗi niềm chàng Kim thương nhớ Thúy Kiều: Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi - Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê, rồi những kỷ vật lại đã khơi gợi cho chàng hồi tưởng về một ngày xa xưa và tạo lập một "hiện thực" mới Dường như bên nóc trước thềm - Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng - Bởi lòng tạc đá ghi vàng - Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây (Truyện Kiều)…
Giá trị Ai tư vãn của Lê Ngọc Hân có một phương diện quan trọng là để thể hiện được hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung "áo vải cờ đào". Ở đây, xin nhìn nhận vấn đề từ góc độ tâm lý sáng tạo nghệ thuật. Như chúng tôi đã khẳng định ở trên, nỗi niềm riêng tư chính là nguồn cảm xúc cơ bản, cốt lõi nhất, nó chi phối, định hướng toàn bộ nội dung trữ tình của Ai tư vãn. Trong cảm xúc riêng tư, niềm xúc cảm cốt yếu chỉ đại diện cho tiếng nói chính bản thân mình, Ngọc Hân đã khóc thương Nguyễn Huệ đến một mức độ nhất định và theo những cung bậc tình cảm khác nhau, một cách không tự giác. Chính Nguyễn Huệ với tư cách là đối tượng nghệ thuật đã trở lại quy định xúc cảm của Ngọc Hân với vị trí người vợ và chủ thể tác phẩm nghệ thuật. Do đó tính cách, phẩm chất, hình ảnh Nguyễn Huệ được thể hiện vừa là kết quả của nhận thức, vừa thể hiện tính tất yếu của mạch cảm xúc, có phần nằm trong tiềm thức của chủ thể sáng tạo.
Đó là sự chuyển hóa mang tính tất yếu của mạch cảm xúc, có phần nằm trong tiềm thức của chủ thể sáng tạo. Đó là sự chuyển hóa mang tính tất yếu từ nỗi niềm riêng tư với sự hấp dẫn, qui định của đối tượng, từ đó cảm nhận và thể hiện đúng đối tượng như phẩm chất vốn có:
- Từ cờ thắm trỏ vời cõi bắc,
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương…
- Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước biết bao công trình…
- Mà nay lượng cả ơn sâu,
Móc mưa tưới khắp chín châu đượm nhuần…
Có thể thấy giá trị nhân bản và nguồn cảm hứng xuyên suốt Ai tư vãn là sự biểu hiện tình cảm riêng tư, là nỗi tiếc thương người chồng yêu quý. Và do vẻ đẹp của đối tượng nghệ thuật qui định, Ngọc Hân đã từ xúc cảm tiếc thương chồng tiến tới biểu hiện được hình ảnh đức vua Quang Trung, hình ảnh một người anh hùng, chân thực và sinh động (1).
Xét trong dòng văn thơ yêu nước thời Tây Sơn, và trực tiếp là mảng văn thơ tưởng niệm người anh hùng dân tộc Quang Trung, Ai tư vãn góp một tiếng nói riêng xúc động lòng người. Ngọc Hân đã thể hiện bản lĩnh nghệ thuật về mối tình nồng hậu trên mọi thăng trầm Dẫu rằng non nước biến dời - Nguồn tình ắt chẳng chút vơi đâu là. May mắn với Quang Trung, bên cạnh sự nghiệp anh hùng, ông còn có một "tư nghiệp tình yêu", một Thái hậu Ngọc Hân, một người vợ thi nhân có tâm hồn và giàu cảm thông ân nghĩa.
(1) Xem xét mối tình sáng trong Ngọc Hân - Nguyễn huệ với quan hệ tài - tình Nguyễn Huệ - Ngô Thị Vinh Hoa trong truyện ngắn Phẩm tiết (Văn nghệ, 1998) của Nguyễn Huy Thiệp, tôi cho rằng Phẩm tiết là một cách hình dung và quan niệm hiện thực, một biện pháp hư cấu nghệ thuật, một gián cách hết sức khác biệt, không đồng nhất sự thật lịch sử.
|