Ở Hoài Nhơn vào thời trước thì xã nào cũng có thợ rèn và lò rèn mọc rải rác hầu đáp ứng các nhu cầu tại chỗ của nông dân. Nhưng làng rèn tập trung và danh tiếng nhất cho đến lúc bấy giờ, phải nói là làng rèn thuộc thôn Thạnh Xuân (xã Hoài Hương).
Thôn Thạnh Xuân thuộc xã Hoài Hương (trước năm 1945 là xã Hương Sơn). Thôn có 5 lý: lý Tây, lý Nam, lý Trung, lý Đông và lý Bắc. Trong thôn có bốn làng nghề chính: nghề rèn, nghề dệt, nghề biển và nghề buôn bán (có chợ nằm giữa thôn là chợ Bàu Tượng).
Nghề rèn có ở lý Tây và Nam, nghề dệt ở lý Trung, nghề biển ở lý Đông và Bắc. Nghề buôn bán đa phần là ở lý Trung và một ít các lý khác, dành cho những người không có các nghề chuyên như trên.
Ở đây, nhà nhà đều có lò rèn, và nhà lò được dựng cất trong vườn cạnh nhà ở. Khi ai đến đây thì từ sáng tới chiều chỉ nghe tiếng búa cắc, bụp và tiếng chang chảng của búa lớn nện vào sắt, nghe nhức óc đanh tai.
Các dịch vụ ăn theo nghề rèn cũng phát triển sôi động trong vùng như: kẻ bán than, người bán sắt cây, sắt tấm hay các loại sắt phế liệu. Những nhà không có lò rèn thì cung cấp lao động cho các nhà lò xung quanh, hoặc mua sản phẩm như: lưỡi cày, lưỡi cuốc, cào cỏ, lưỡi cuốc chĩa, rựa dao… mang đi lên các vùng xa xôi, vùng cao ở các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão để bán hưởng lãi hay đổi lúa gạo về dùng cho gia đình.
Những lò rèn đã đem lại không biết bao nhiêu công ăn việc làm cho nhiều lứa tuổi ở trong thôn qua nhiều thế hệ. Vì vậy, người dân nơi đây và trong giới thợ rèn thường có câu: "Hễ đỏ lửa thì có tiền" và " Cắc bụp, cắc bụp… xèo" - có nghĩa là: Sáng ngày, ra lò lửa thì có tiền vào vì đã có khách hàng ngồi chờ nhận sản phẩm. Còn "cắc bụp" là đóng búa tối ngày khi thanh sắt được nung đỏ, rồi thành sản phẩm là phải nhúng vào nước kêu xèo xèo cho nguội để sắt trở về nguyên vị trí của nó, và từ "xèo" còn hàm ý là cánh thợ rèn làm được đồng nào cũng chỉ đủ để trang trải trong ngày, trong năm không có đủ dư dật là mấy, vì xèo cũng có nghĩa như "nghèo".
Muốn vào làng rèn để học nghề phải là nam giới và trẻ tuổi. Đầu tiên là phải học thổi bễ hai tay cho nhuần nhuyễn, và khi ngồi trên ghế cao thổi bễ nhìn xuống theo dõi cụ thể các chi tiết mà cách thợ đàn anh đang làm để ghi vào lòng coi như phần học lý thuyết. Thỉnh thoảng nhảy xuống đập phụ vài lửa sắt. Khi đã thạo thì có thể bước vào chân thợ đập, cho đến khi nhuần nhuyễn công việc này phải mất từ hai đến ba năm. Lúc ấy mới được vào làm nguội và muốn làm anh thợ nguội thành thạo phải am hiểu hết mọi việc, phải biết nắm được các kim loại và tính chất của nó, từ đó có thể tiến dần lên bậc thợ cả nhưng phải làm từ mặt hàng dễ rồi dần dần đến khó.
Cái khó nhất của anh thợ cả là phải hiểu biết và giỏi hơn những anh thợ ngoài, nhất là tìm ra loại thép để "cháy" vào dụng cụ mà không bị bọng than, không "xà láp" và tìm nước trui thích hợp. Vì nếu quá cứng thì bị mẻ, bể; mềm quá thì bị méo, mếu. Việc ăn khách hay không còn nhờ ở hình dáng sản phẩm: thanh, đẹp, bền, chắc. Trường hợp vật rèn bị bọng than thì khách hàng đem trả lại, cho nên trong dân gian có câu: "Xà láp, bọng than thì hoàn cho thợ".
Bởi vậy, việc làm của thợ rèn rất phức tạp, không cái nào giống cái nào, ví dụ: lưỡi bào, đục lá, đục bạt dùng cho thợ mộc thì dáng (cháy) thép ở một bên phía trên, còn như: đục tuôn, chàng, rìu, dao, rựa (cũng cho thợ mộc) lại dáng thép ở giữa.
Xưa nay chưa thấy ai trong nghề thợ rèn làm giàu; còn túng thiếu thì không thiếu, nên họ quan niệm một cách có định kiến là: khi làm xong một dụng cụ nào đó thì cây kìm của họ cũng bị đỏ lây, nên phải nhúng vào nước nghe tiếng "xèo", mà họ gọi là "nghèo", để khỏi bị khổ nghèo ám ảnh. Vì vậy, đối với họ, đủ ăn đủ mặc và xoay xở mọi việc là quý rồi. Do đó trong dân gian thường có câu: Thợ rèn không có dao ăn trầu.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người nông dân Việt Nam nói chung, người lao động nghề rèn ở Hoài Nhơn nói riêng, đã đóng góp cho chiến trường một cách đáng kể. Từ các quân khí, quân cụ trong các công binh xưởng, từ những bộ phận phụ tùng máy móc bị gãy hỏng cũng được những tay thợ rèn tái tạo bằng thủ công, vì lúc đó khó mà tìm được phụ tùng thay thế.
Trong công tác dân vận, đối với các dân tộc ít người miền núi, thì các đồ dùng thường nhật trong việc chặt cây phá rừng, làm nương rẫy vẫn được làng rèn Thạnh Xuân đảm trách. Những tấm sắt nặng cả tấn, những lá đồng to tướng của ngành trục vớt tàu chìm dưới đáy biển, khi vớt lên cũng đưa về đây, và làng rèn Thạnh Xuân đảm trách việc chẻ nhỏ, để dân công chuyển lên các xưởng công binh trong chiến khu để chế tạo vũ khí.
Đó là chưa kể các nông ngư cụ mà họ làm ra hàng ngày để cung ứng cho đa số nông thôn miền xuôi và vùng hạ bạn. Nhiều lúc quá bận, nên khách hàng lân cận khi đến rèn các vật dụng lẻ tẻ, họ phải hẹn đi hẹn lại nhiều, thời gian chờ đợi phiền phức, nên trong dân gian thường có câu: "Thợ rèn hẹn mốt hẹn mai/ Hẹn trong tháng chạp, hẹn ngoài tháng giêng".
Ngày nay, mặc dù các loại dao kéo, đồ thợ mộc, đồ gia dụng, nông ngư cụ được chế tạo bằng công nghiệp với các loại thép không rỉ, mẫu mã đẹp tràn ngập thị trường nhưng đồ sắt của làng rèn Thạnh Xuân (nay chỉ còn rải rác 5-10 hộ) vẫn còn ăn khách và còn thách thức với hàng ngoại nhập về nữa là khác. Nhất là đồ nghề thợ mộc, kéo thợ may, làng rèn Thạnh Xuân làm ra có độ bền và bén có tiếng cả miền Trung.
Ở Thạnh Xuân, có nhiều nghệ nhân rèn lừng tiếng, truyền nghề từ đời ông, đời cha và đến đời con cháu hiện tại như cánh gia đình nghệ nhân Trương Ngữ, truyền cho con là Trương Phận, Trương Mại, truyền đến đời cháu là Trương Danh, Trương Dũng…
Tuy nay không còn nhộn nhịp như những thập niên trước nhưng làng rèn Thạnh Xuân vẫn còn giữ được nét đặc trưng của nó, trước sự mai một của thời gian.
|