Nguyễn Huệ đánh tan "Tứ Chiêu"
10:4', 12/1/ 2006 (GMT+7)

Năm 1784, Xiêm (Thái Lan) trở thành nước hùng mạnh nhất Đông Nam Á: bảo hộ cho ba nước Cao Miên (Campuchia), Vạn Tượng (Lào) và Mã Lai (Malaysia), thủy binh đánh thắng quân Java (Indonesia), bộ binh đánh thắng quân Miến Điện (Myanma).

 

Trận thủy chiến Rạch Gầm - Xoài Mút (Tranh treo tại Bảo tàng Quang Trung)

 

Nhân dịp Nguyễn Ánh cầu viện, vua Xiêm bằng lòng giúp quân nhưng đưa ra các điều kiện khá khắc nghiệt, Nguyễn Ánh do dự, chần chừ. Vua Xiêm phải dùng lời lẽ khích bác, thêm vào đó, bọn quần thần của Nguyễn Ánh là Châu Văn Tiếp, Tôn Thất Hội… năn nỉ, khóc lóc xin cầu viện quân Xiêm để phục thù quân Tây Sơn nên Nguyễn Ánh buộc lòng thỏa thuận.

Lập tức, vua Xiêm phong cho Nguyễn Ánh làm "Chiêu Nam Cốc"; Giám quốc Cao Miên là Thùy Biện làm "Chiêu Thùy Biện", hai cháu vua Xiêm là Tăng và Sương đều khoảng 26 tuổi được phong làm "Chiêu Tăng", "Chiêu Sương" (chiêu là tước lớn như hầu), tập hợp thành bè lũ "Tứ Chiêu" kéo quân sang xâm lược phía Nam nước ta.

Lực lượng quân của "Tứ Chiêu" đặt dưới quyền chỉ huy của Nguyên soái Chiêu Tăng, chia thành hai mũi giáp công. Bộ binh khoảng 30 ngàn quân do Chiêu Thùy Biện chỉ huy tiến chiếm Hà Tiên - Rạch Giá - Cần Thơ. Thủy binh do Chiêu Tăng chỉ huy cùng 300 chiến thuyền, 20 ngàn quân thủy đánh bộ thiện chiến được gọi là "quân hùm beo" của Xiêm, bảo hộ Nguyễn Ánh "Chiêu Nam Cốc" về Gia Định, tiến chiếm Rạch Giá - Trà Ôn - Mãn Thích - Long Hồ (Vĩnh Long).

Phò mã Đô úy Trương Văn Đa của Tây Sơn chống không nổi phải chạy về Trà Lọt (Cái Bè), Trà Tân (Cai Lậy) lập tuyến phòng ngự.

Được tin cấp báo, vua Thái Đức Tây Sơn (Nguyễn Nhạc) cử Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ, 32 tuổi, làm Nguyên soái, đem 50 ngàn quân và 200 chiến thuyền vào cứu Trà Tân - Trà Lọt. Cuối tháng 10-1784, Trà Lọt và Trà Tân thất thủ, quân Tây Sơn co cụm về Mỹ Tho cố thủ. Tháng 11- 1784, nhờ gió đông bắc, chiến thuyền Nguyễn Huệ theo cửa Tiểu thẳng tiến đến Mỹ Tho, Nguyễn Huệ bố trí lại trận địa, đại bản doanh đóng ở đồn Tân Mỹ (nay là bến Tắm Ngựa phường 2, TP Mỹ Tho), một bộ phận quan trong thủy binh đóng ở đồn Rạch Gầm, chiến thuyền to án ngữ ngang sông Rạch Gầm, bản doanh quân bộ đóng ở đồn Giữa (Vĩnh Kim) và các đồn Thuộc Nhiêu, Tam Hiệp, Tân Hiệp, Tân An, phòng tuyến Ba Lai (Bến Tre) bảo vệ sườn đai quân. Liên quân Xiêm - Ánh đóng đại bản doanh ở Trà Lọt và các đồn Trà Tân, Quang Hóa (Mộc Hóa), Bắc Chiên (Cao Lãnh).

Cuối tháng 11-1784, Nguyễn Huệ từ Mỹ Tho theo đường biển đến Đại Ngãi tấn công Trà Ôn, là kho lương thực, quân dụng của quân Xiêm - Ánh do Thạc sĩ Đa và tham tướng Mạc Tử Sanh (16 tuổi, con Mạc Thiên Tích) trấn giữ. Thủy binh Xiêm - Ánh dàn sát bờ sông, đại bác của chiến thuyền và đại bác trên bờ cùng hỗ trợ lẫn nhau tạo thành lưới đan dày đặc đẩy lui nhiều đợt tấn công của chiến thuyền Tây Sơn.

Đánh nhau đến 10 ngày mà quân Tây Sơn không đạt thắng lợi nào. Chiến thuyền Xiêm do Chiêu Tăng tăng viện đến kịp thời gây cho Tây Sơn một số tổn thất nên Nguyễn Huệ phải cho rút quân về Mỹ Tho. Nhân đà thắng lợi ở Trà Ôn, quân Xiêm - Ánh tấn công phòng tuyến Ba Lai (Bến Tre). Quân Tây Sơn chống cự mãnh liệt. Phòng tuyến Ba Lai rất quan trọng nên quân hai bên giành nhau từng vị trí. Trong khi hai bên đánh nhau, Chiêu Tăng cùng quân Xiêm cướp bóc, hãm hiếp, giết hại dân chúng ở đây rất dã man.

Quân Tây Sơn từ Mỹ Tho tăng viện mở nhiều đợt phản chiến hòng chiếm lại Ba Lai. Chưởng cơ Đặng Văn Lượng (một danh tướng của Nguyễn Ánh) tử trận, nhưng cuối cùng quân Tây Sơn cũng bị Chiêu Tăng đánh bật khỏi Ba Lai, phải lui về Mỹ Tho phòng thủ. Trận này quân hai bên chết rất nhiều. Sau khi cuộc chiến kết thúc, dân Ba Lai không dám về quê cũ vì đã chứng kiến nhiều cảnh hãi hùng do quân Xiêm gây ra. Mất Ba Lai, sườn phải đại bản doanh của Nguyễn Huệ ở Mỹ Tho bị uy hiếp nặng nề, lâm vào thế bị động.

Đầu tháng 12-1784, tướng Lê Xuân Giác vì thấy sự tàn ác của quân Xiêm và sự bất lực của Nguyễn Ánh nên về hàng Nguyễn Huệ. Nhờ Lê Xuân Giác mà Nguyễn Huệ đã nắm được nhiều tin tức, cách bố trí, nội tình… của liên quân Xiêm - Miên - Ánh.

Nguyễn Huệ cho người tiếp xúc với danh tướng Cao Miên Chiêu Thùy Biện, phân tích lợi hại, chỉ ra rằng chỉ có Tây Sơn mới là bạn còn Nguyễn Ánh và Xiêm là kẻ thù của Cao Miên; giúp Nguyễn Ánh và Xiêm mạnh lên thì Cao Miên sẽ bị diệt vong. Trước lý lẽ của quân Tây Sơn, Chiêu Thùy Biện bằng lòng làm trung gian hòa giải giữa Nguyễn Huệ và Chiêu Tăng. Quân đội dưới quyền Chiêu Thùy Biện án binh bất động, Nguyễn Huệ tiếp xúc được với Chiêu Tăng, dâng thư cho vua Xiêm tỏ ý thán phục để được cầu hòa; Tây Sơn đem nhiều lễ vật dâng hiến cho vua Xiêm và Chiêu Tăng, Chiêu Tăng cho sứ giả đi lại thăm hỏi Nguyễn Huệ để dò xét quân tình Tây Sơn. Để tỏ rõ thiện ý cầu hòa của mình, Nguyễn Huệ mời Chiêu Tăng đến Mỹ Tho chứng kiến lễ rút một phần lực lượng thủy binh về Gia Định. Vốn tính đa nghi, Nguyễn Ánh sợ Xiêm - Miên phản bội nên sai Lý Chính Hầu Mạc Tử Sinh là tướng tâm phúc nhất rút 10 ngàn quân tinh nhuệ cùng một số chiến thuyền lui về tuyến sau (Long Hồ, Cần Thơ, An Giang) để phòng bất trắc.

Ngày 9-12-1784, khoảng 1 giờ sáng, lợi dụng đêm tối, sương mù dày đặc, quân Xiêm - Ánh xuất quân từ Trà Lọt, chiến thuyền chia làm 3 đội. Đội thứ nhất gồm khoảng 50 chiếc chở theo 6.000 quân đi hàng chữ nhất chếch về phía bên phải do Chưởng cơ nội thủy Nguyễn Văn Oai chỉ huy, có nhiệm vụ dẫn đường và bảo vệ sườn phải đại quân. Đội thứ nhì gồm khoảng 100 chiến thuyền chở theo khoảng 10 ngàn quân Xiêm, 10 ngàn quân Nguyễn Ánh đi giữa sông do Chiêu Sương làm tiên phong và Nguyễn Văn Thành đốc chiến, có nhiệm vụ đánh chiếm đồn Rạch Gầm. Đội thứ ba gồm khoảng 60 chiến thuyền chở theo khoảng 10 ngàn quân Xiêm - Ánh đi chếch về phía trái, là lực lượng dự bị chiến lược do Chiêu Tăng và Chiêu Nam Cốc phối hợp chỉ huy.

Đến 3 giờ sáng, khi còn cách đồn Rạch Gầm 2.000m, chiến thuyền Chiêu Tăng bí mật đổ quân và áp sát đồn, chiến thuyền Nguyễn Văn Oai dàn hàng ngang chuẩn bị tấn công các chiến thuyền Nguyễn Huệ án ngữ ngang đồng Rạch Gầm. Đúng 4 giờ sáng ngày 9-12-1784, đại bác nổ vang trời, Nguyễn Văn Oai, Chiêu Tăng, Nguyễn Văn Thành đồng loạt tấn công. Chiến thuyền Tây Sơn bị đốt cháy sáng rực cả khúc sông. Quân Tây Sơn ở đồn Rạch Gầm chống cự yếu ớt, rút lui về phòng tuyến rạch Xoài Mút (thật ra các chiến thuyền Tây Sơn bị đốt cháy là những thuyền cũ, mục nát, có chứa thêm chất dẫn hỏa).

Chiến thuyền Chiêu Sương áp sát bờ, cướp của cải, quân nhu, quân dụng… Quân Nguyễn Văn Thành và quân Xiêm truy kích quân Tây Sơn nhưng bị chặn lại ở phòng tuyến Xoài Mút, cách Rạch Gầm 5km.

Quân Xiêm - Ánh ở Ba Lai nhìn thấy lửa sáng ở Rạch Gầm liền xuất quân vượt sông Mỹ Tho, đánh thẳng vào đại bản doanh Nguyễn Huệ ở chợ Mỹ Tho. Quân Xiêm - Ánh tạo thành thế gọng kìm kẹp chặt quân Nguyễn Huệ; chúng đốt cháy chợ Mỹ Tho vào khoảng 5 giờ sáng ngày 9-12-1784.

Nhìn thấy lửa cháy ở chợ Mỹ Tho, Chiêu Tăng thúc chiến thuyền tiến nhanh về hướng Mỹ Tho, 8 giờ sáng, quân hai bên giao chiến dữ dội ở rạch Xoài Mút. Phò mã Đô úy Trương Văn Đa anh dũng chỉ huy quân bộ Tây Sơn liều chết giữ vững phòng tuyến rạch Xoài Mút, Nguyễn Văn Thành kêu gọi quân thủy Chiêu Sương đánh bọc hậu tuyến sau Rạch Gầm - Xoài Mút, nhưng chiến thuyền Tây Sơn án ngữ giữa đồn Thới Sơn và Rạch Gầm - Xoài Mút, giữa đồn Thới Sơn và cù lao Bà Kiều nên chiến thuyền Chiêu Sương không tiến được

10 giờ sáng, Chiêu Tăng ở phía sau quyết định tung toàn bộ lực lượng dự bị chiến lược để giành quyền chủ động. Hai bên đánh nhau quyết liệt cả trên bộ lẫn trên sông. Đến 11 giờ, gió đổi chiều, nước đổi dòng có lợi cho Tây Sơn. Rút kinh nghiệm trận Trà Ôn, toàn bộ chiến thuyền Xiêm dựa lưng vào bờ sông, đại bác chiến thuyền và đại bác trên bộ phối hợp nhau tạo thành lưới đạn nên chiến thuyền Tây Sơn không áp sát được. 12 giờ trưa, gió thổi rất mạnh và nước xuôi chảy về hướng chiến thuyền Xiêm, thình lình một đạo thủy binh Tây Sơn từ rạch Xoài Mút xông ra, kéo theo hàng ngàn bè gỗ trên có chứa đầy dầu rái, dầu chai, dầu mù u, dầu dừa, bùi nhùi… áp sát chiến thuyền Xiêm, đốt lửa lên rồi cắt dây dẫn. Hàng ngàn bè lửa tấp vào chiến thuyền Xiêm.

Từ soái thuyền, Nguyễn Huệ tuốt gươm ra lệnh ai không hết sức đánh sẽ chém đầu làm gương. Toàn bộ chiến thuyền Tây Sơn mở hết tốc lực, đại bác đồng loạt khai hỏa, nhả đạn về hướng chiến thuyền Xiêm. Đội hình chiến thuyền Chiêu Sương rối loạn, bốc cháy ngút trời. Thấy đội chiến thuyền tiên phong đã thua, Chiêu Tăng và Chiêu Nam Cốc vội vã ra lệnh rút quân về Trà Lọt. Quân bộ của Trương Văn Đa rời khỏi phòng tuyến Xoài Mút truy kích đội quân Xiêm và quân Nguyễn Văn Thành. Quân Xiêm - Thành mau chóng tan rã. Nguyễn Văn Thành chỉ còn 60 quân theo kịp bảo vệ về tới Nam Vang.

Đội quân Xiêm - Ánh tấn công đồn Tân Mỹ nghe tin đại quân bị bại vội vã rút quân nhưng đã bị bao vây và phải đầu hàng toàn bộ. Trong ngày 9-12-1784, Chiêu Thùy Biện vội cho rút toàn bộ quân dưới quyền về Cao Miên, 15 giờ ngày 9-12-1784, quân Tây Sơn cho chiến thuyền truy kích và bao vây Chiêu Tăng, Chiêu Sương, Chiêu Nam Cốc gấp rút. Chưởng cơ nội thủy Nguyễn Văn Oai phải đem toàn bộ chiến thuyền dự bị cuối cùng ra ngăn chặn quân Tây Sơn để cứu "Tam Chiêu".

16 giờ ngày 9-12-1784, quân Nguyễn Văn Oai chống cự mãnh liệt, toàn bộ chiến thuyền và quân sĩ tháp tùng bị tiêu diệt, bản thân Oai cũng tử trận. Nhờ có Nguyễn Văn Oai ra sức cản hậu nên "Tam Chiêu" mới chạy thoát về đại bản doanh Trà Lọt, sau đó, bỏ lại toàn bộ chiến thuyền, chạy bộ về Cường Thành (Cai Lậy). Quân Tây Sơn truy kích gấp rút. Suốt đêm 9-12-1784, tàn quân Xiêm và Chiêu Tăng, Chiêu Sương phải chạy bộ băng đồng về Mộc Hóa rồi đi Cao Miên, Chiêu Nam Cốc Nguyễn Ánh cùng khoảng 30 quần thần cũng suốt đêm chạy về Long Hồ (Vĩnh Long) nhưng quân Tây Sơn vẫn đuổi theo. Về tới Cần Thơ không gặp Mạc Tử Sanh, nên Nguyễn Ánh phải chạy về Rạch Giá.

Trên bước đường bôn tẩu, Nguyễn Ánh và quần thần vô cùng vất vả, lương thực không có phải ăn bắp (ngô) non sống qua ngày. Kiệt sức, Nguyễn Ánh (24 tuổi) phải nhờ quân sĩ thay nhau cõng lội sông, lội sình. Về tới Rạch Giá thì Nguyễn Ánh và quần thần bị Chưởng cơ Trân của Tây Sơn đón lõng bắt sống toàn bộ, giam giữ trên chiến thuyền. Tưởng chừng cuộc đời của Chiêu Nam Cốc Nguyễn Ánh đến đây là hết, nhưng Chưởng cơ Trân là kẻ tham ăn hối lộ, xiêu lòng trước lời đường mật của Nguyễn Ánh nên nửa đêm cởi trói cho Nguyễn Ánh và tùy tùng trốn thoát. Chiêu Nam Cốc và tùy tùng suốt đêm băng rừng về Hà Tiên; lần này được Mạc Tử Sanh dùng chiến thuyền đón, đưa ra hải đảo rồi sang Xiêm. Nguyễn Ánh và quần thần trong những ngày ở Xiêm phải đi đánh thuê kiếm sống, Nguyễn Ánh bị lột chức Chiêu Nam Cốc; Chiêu Tăng, Chiêu Sương về tới Xiêm bị triều đình kết tội tử hình, nhưng là cháu vua (gọi vua Xiêm là cậu ruột) nên được gia ân hạ xuống còn trảm giam hậu (trảm treo); Chiêu Sương cạo đầu quy y cửa Phật.

Tháng 6-1785, cựu Nguyên soái Chiêu Tăng bị bệnh như có dòi, bọ chui rúc vào các cơ quan nội tạng, khắp người lở loét rất hôi hám, rên la thảm thiết, cơn bệnh hành hạ suốt đêm ngày, vài tháng thì chết. Dân Việt, Miên, Xiêm cho là Chiêu Tăng tàn ác, hãm hiếp giết người vô tội quá dã man nên bị nghiệp báo.

. Theo Nguyễn Thành Long (Thế giới mới)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làng rèn Thạnh Xuân  (10/01/2006)
Ai tư vãn, bằng cớ mối tình sâu nặng Ngọc Hân - Nguyễn Huệ   (08/01/2006)
Gỏi sứa  (05/01/2006)
Ngô Thì Nhậm - Một trí thức lỗi lạc vào nửa cuối thế kỷ XVIII  (03/01/2006)
Mắm ruột miền Trung  (01/01/2006)
Ẩm thực với dừa  (29/12/2005)
Vì sao Đào Duy Từ tìm vào xứ Đàng Trong ?  (27/12/2005)
Đào Duy Từ bắt đầu trổ tài như thế nào ?  (25/12/2005)
Bún nước tro ở Hoài Nhơn  (22/12/2005)
Kỷ niệm về ông ngoại tôi: Đào Tấn  (20/12/2005)
Hồ Sĩ Tạo - Vị tiến sĩ rẽ ngang một tâm hồn cao thượng  (18/12/2005)
Hồ Sĩ Tạo - Vị tiến sĩ rẽ ngang một tâm hồn cao thượng   (15/12/2005)
Canh chua lá dang  (13/12/2005)
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723 - 1804)  (11/12/2005)
Biệt dấu trà Cam Khổ  (09/12/2005)