"Cha Đàng Ngoài, mẹ Đàng Trong"… Mối tơ duyên giữa ông đồ sứ Nghệ và cô hàng nước mắm của vùng biển Bình Định đã sinh ra nhà thơ kiệt xuất Xuân Diệu. Quê hương của biển xanh, của những ngọn gió nồm, của tháp Chàm cổ kính, đặc biệt là những làn điệu ca dao dân ca và lời ăn tiếng nói của người Bình Định đã ảnh hưởng sâu sắc đến hồn thơ Xuân Diệu bởi tuổi thơ của anh gắn bó với quê ngoại - Gò Bồi (Phước Hòa - Tuy Phước).
Tuổi thơ là tờ giấy trắng, ghi đậm dấu tất cả những gì xảy ra chung quanh quê hương. Vì thế Xuân Diệu đã mang trong lòng biết bao ấn tượng về tuổi thơ. Những điệu hát câu hò ở Bình Định đã lắng vào hồn anh. Chất Bình Định đã thể hiện rõ nét khi viết những dòng thơ về quê hương, về người thân. Chất liệu ấy không chỉ đi vào thơ lúc về già mà nó còn bộc lộ ngay từ đầu - thời "Thơ thơ" ấy!
Xuân Diệu có vần thơ yêu nổi tiếng, hầu như lớp trẻ thời ấy ai cũng thuộc: "Yêu là chết trong lòng một ít"
Cứ thế tưởng chừng như rất mới, rất Tây. Những người đi học chữ Pháp thời bấy giờ đều nghĩ như vậy thông qua câu thơ Pháp: "Partir e' est mouir un peu." Có nghĩa là "Ra đi là chết một ít". Hai tứ thơ rất gần gũi khiến người ta khẳng định là Xuân Diệu đã ảnh hưởng văn học lãng mạn Pháp, những ý ấy qua hồn thơ Xuân Diệu đã biến thành "Yêu là chết trong lòng một ít", câu thơ trở nên thơ hơn, hay hơn.
Nhân dịp tìm hiểu về ca dao Bình Định, chúng tôi lại phát hiện câu:
Thương sao thương lạ thương lùng
Thương tím khúc ruột, thương bầm lá gan.
Ngôn ngữ Bình Định, dù là tình yêu gái trai họ vẫn dùng chữ thương. Thương đến nỗi tím ruột bầm gan - thương đến thế phải chăng là "chết trong lòng một ít" vẫn có nguồn gốc từ chất liệu ca dao Bình Định (?)
Hoài Thanh nói, Xuân Diệu "Tây" mà vẫn mang tâm hồn của con người Việt Nam là vậy!
Không chỉ một câu trên mà còn là nhiều câu ý rất Tây mà vẫn phảng phất sắc ca dao:
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Hai câu thơ này dường như mang chút triết lý sống vội của chủ nghĩa hiện sinh nhưng không hoàn toàn thế nếu chúng ta đọc câu ca dao này:
Một đêm quân tử nằm kề
Còn hơn thằng ngốc vỗ về bên nhau
Một đêm hạnh phúc hơn cả trăm năm mòn mỏi chẳng phải là tâm lý thường tình đã được nói đến trong ca dao đó sao, cần gì phải đến chủ nghĩa hiện sinh hiện đại.
Nghiên cứu kỹ thơ Xuân Diệu với cảm nhận hết cái tài, cái hay của anh khi dùng những tiếng địa phương. Khi viết về mẹ:
Mẹ thảnh thót: "qua" nhớ thương em "bậu!
…. Ngạc nhiên gì, mẹ thốt "úi chu cha"!
Chữ úi chu cha ở đây không cục mịch mà nghe rất thân thương đầy ắp chất trữ tình khiến ta còn cảm thấy tiếng Bình Định rất hiền như củ khoai như đồng ruộng. Trong câu ca dao sau đây còn có cả sự chờ mong đến thiết tha:
Trực nhìn mở mắt không ra
Nàng đâu chẳng thấy, "úi chu cha" là buồn!
Tiếng địa phương được Xuân Diệu dùng khá nhiều. Trong bài "Về thăm chị Bốn", anh viết:
Em lên tới Plây ku
Đặng mà thăm chị Bốn
Câu thơ mộc mạc mà đầy tình thân và quý mến. Lúc mới gặp "Đặng mà thăm chị Bốn", bất giác tôi mỉm cười nghĩ rằng "Xuân Diệu già rồi và thơ anh cũng già theo chăng?". Tình cờ khi được nghe câu hát ru em qua câu ca dao:
Chờ ngày rồi lại chờ đêm
Biết bao giờ anh mới gọi em bằng mình
Tôi chợt hiểu chữ đặng trong câu ca dao đã vào thơ anh và biến hóa như thế. Khi đọc "Thơ thơ" - tập thơ đầu tay đã đưa anh vào làng thơ cũng có những chữ dùng khá táo bạo: "Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh".
Câu thơ có ý Tây mà chữ lại là Bình Định. Như chúng ta đã biết trong hội họa, sắc đỏ và màu xanh lá là hai sắc màu tương phản. Trên nền xanh sắc đỏ càng đỏ hơn đến độ đối chọi! Giá như anh viết: Trong vườn sắc đỏ chọi màu xanh hoặc anh dùng chữ khác như chói, chống đối chẳng hạn thay cho chữ rủa, có lẽ không có chữ nào thay hay hơn! Từ "rủa" vừa linh động vừa có hành động - gợi được sự đối chọi. Tục ngữ Bình Định có câu: "Làm ác có của, không rủa cũng hết".
Chữ rủa rất Bình Định lại có sắc thái riêng đến độ mộc mạc nhưng khi vào thơ Xuân Diệu lại rất lắng, rất linh động.
Tuổi thơ anh gắn liền với quê ngoại, những hình ảnh những con người đã in sâu thành ký ức. Theo kháng chiến, anh ra Bắc. Ba mươi năm xa cách, anh nhớ miền Nam, nhớ Bình Định đến da diết:
Ôi bao giờ, bao giờ.
Ta tắm vào da thịt
Con sông nhỏ Gò Bồi
…. Quy Nhơn về ngụp biển
Muối đọng ở vành tai.
Tháp Chàm là hình ảnh của miền Trung nhưng tháp Chàm Bình Định cũng có sắc thái riêng của nó như trong thơ Xuân Diệu: "Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm."
Hầu hết tháp Chàm đều đứng sừng sững trên đồi khô cằn hoặc vùng đất đỏ thì làm sao lúa lại ôm bóng tháp được? Mời bạn về quê mẹ Xuân Diệu để nhìn thấy cảnh ấy. Tháp Bình Lâm cách Gò Bồi chừng 3 km về phía tây nam, nó như chơ vơ ngỡ ngàng đứng giữa đồng lúa xanh!
Anh nhớ những người thân ở quê nhà với những câu thơ tha thiết: "Bà ngoại là người thứ nhất của quê hương." Thứ đến là mẹ: "Má là nguồn gốc của con/ Má là vạn Gò Bồi, làng Tùng Giản/ Má là sông không cạn núi không mòn." Rồi đến người chị, mà anh đã dành một bài thơ dài vì: "Từ khi em nhỏ xíu/ Chị đã thương thằng Bàng."
Bàng là tên gọi riêng của Xuân Diệu khi còn bé, khi ở nhà. Cả hai người cùng một hoàn cảnh "Chị mồ côi rất sớm", còn Xuân Diệu bị lâm vào hoàn cảnh khó xử ở với cha thì xa mẹ. Vì vậy Xuân Diệu được chị thương yêu đùm bọc. Còn món ăn nào ngon chị đều dành cho Bàng.
Quả trứng gà ấp dở
Chị nướng lên cho em
Quê ngoại anh là vùng sông kề biển, thức ăn phong phú mà lại ngon khiến anh nhớ hoài:
Bánh ít lá gai, bánh ú mật lè
Hay:
Kẹo bánh ngoại cất tự bao giờ
Tự bao giờ có con tôm bạc
Cái ăn, cái mặc cần thiết đã đành, nó còn theo vị giác mà thấm vào lòng, vào thơ. Anh tâm sự:
Ngủ không được bởi gió nồm từ biển lên cứ nhắc:
Khi má anh sinh ra
Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi
Nên tới già thơ anh càng đậm đà thấm thía!
Nước mắm đã hóa thành chất Bình Định vào trong hơi thở. Tiếng sóng vỗ bờ ào ạt, rì rào qua hàng thông cũng là nỗi nhớ: "Gió biển thường vỗ kể chuyện xa." Hoặc là tiếng trống sanh phách của bài chòi: "Nghe bài chòi cắc cụp cắc ở chợ Tết Văn Quang."
Người Bình Định khi hát ru em thường bắt đầu bằng hời hời rồi mới hát. Tiếng hời hời cũng giống như tiếng "à ơi" ngoài Bắc. Hai âm này kéo dài cho đến khi cả mẹ và con đều ngủ đến nỗi không còn hát thành câu nữa. Trong bài thơ "Nhớ quê Nam" có câu: "Xuýt võng ru em nhỏ của con hời hời, một mai ai nhớ."
Câu thơ như một điệu nhạc êm đềm và được hai tiếng hời hời làm nên - chất Bình Định qua thơ anh sao mà thâm trầm đến thế!
Hơn nữa chất Bình Định đã truyền vào anh vào anh qua đường huyết thống. Mẹ anh thời còn trẻ hát hò rất hay, bà còn sáng tác những câu hát đối đáp.
Xuân Diệu xác nhận: "Phải đợi đến khi tuổi đã nhiều, tôi mới bắt chước được ca dao trong sự lăng líu vần điệu". Anh viết bài "Con chim chích chòe":
Một con chích chòe từ trong vườn băng qua đồng ruộng.
Đang cơn vui hót chim hót tiếng ca
Tiếng tròn trịa đổ vào trong không khí
Chim hót có tình, chim vui có lý
Những cái nhỏ nhặt là chất liệu theo anh mà hóa thành thơ. Chính những cái không đâu tưởng chừng đến quên lãng mạn ấy, nó đã lẳng vào tâm khảm, như một "hạt muối" bé tí mà nồng ấm.
Tôi xin mượn mấy câu thơ trong bài "Nhớ quê Nam" của anh để kết thúc bài này:
Ô, tôi mang sẵn, cắt sâu thay!
Từ lúc má tôi đẻ tôi ra ở cái Vạn Gò Bồi làm nước mắm.
Một hột muối trong tim để mặn với tất cả những gì đằm thắm.
Một cành lá trong hồn để biết cùng làng mạc quê hương.
. Theo Nguyễn Phúc Liêm (Bình Định nguyệt san tháng 12-2000) |