Bang giao Đại Việt triều Tây Sơn
8:32', 18/1/ 2006 (GMT+7)

Đây là tựa đề một tập sách, tập 4, trong bộ sách "Bang giao Đại Việt" (NXB Văn hóa Thông tin, 2005) vừa mới phát hành cuối năm 2005 của tác giả Nguyễn Thế Long, viết về việc bang giao ở các triều đại thời Đại Việt.

Tập sách, với 3 chương sách, đã thể hiện rõ mối bang giao của triều đại Tây Sơn với các nước phía Nam, Tây, Tây Nam và hải đảo, và quan hệ với các nước phương Tây và Nhật Bản.

Chương 1 chiếm gần nửa tập sách, có thể nói là chương trọng tâm nhất, thể hiện rõ mối bang giao chủ yếu của triều Tây Sơn với tên gọi: "Việc bang giao triều Tây Sơn với triều Thanh". Chương sách nêu rõ, mối bang giao này diễn ra sau khi triều Tây Sơn chiến thắng nhà Thanh ở trận Đống Đa lịch sử. Sau chiến thắng Đống Đa năm Kỷ Dậu 1789, một mặt nhà Thanh muốn giảng hòa với nhà Tây Sơn mới mong được yên ổn và có lợi cho nhà Thanh. Nhưng việc giảng hòa này nhà Thanh muốn phải do phía Tây Sơn nêu lên trước, thì nhà Thanh là "thiên triều" mới khỏi bị bẽ mặt. Mặt khác, vua Quang Trung cũng muốn "tranh thủ" và đã phải tiến hành một chính sách ngoại giao khôn khéo với nhà Thanh để tránh đương đầu bằng quân sự, giữ vững nền hòa bình và mong muốn kiến thiết đất nước. Vì vậy, viên quan coi việc quân sự của nhà Thanh ở Quảng Tây là Thang Hùng Nghiệp đã 4 lần gửi mật thư cho vua Quang Trung để cầu hòa, mở đầu cho mối bang giao với triều Thanh sau chiến thắng Đống Đa.

Có thể nói, trong lịch sử bang giao của dân tộc ta với thế lực phương Bắc thời phong kiến, chưa lúc nào dân tộc ta ở vị thế "đỉnh cao muôn trượng" như thời triều Tây Sơn. Tác giả đã kể chuyện cháu vua Quang Trung là Nguyễn Quang Hiển đi sứ sang chầu vua Càn Long ở Yên Kinh, được vua Càn Long vẽ bộ tranh "Bình Định An Nam chiến đồ" về sứ bộ Nguyễn Quang Hiển và tự tay đề thơ.

Theo sử sách ghi lại thì vua Càn Long chỉ bỏ công ngự chế và ngự bút văn thơ cho một số ít các vũ công hiển hách nhất ở thời đại mình. Qua đó, ta thấy được tầm quan trọng của sứ bộ ngoại giao ta trong suy nghĩ của vua Càn Long. Rồi chuyện vua Quang Trung không chịu sang Yên Kinh để nhận sắc phong vương, chuyện vua Quang Trung đòi bãi bỏ lệ cống người vàng, và cao điểm là chuyện võ tướng Vũ Văn Dũng sang Yên Kinh dâng biểu cầu hôn cho vua Quang Trung và đòi lại đất Quảng Đông, Quảng Tây… được tác giả tập sách kể lại tường tận, với một lòng tự hào hiếm thấy.

Lời lẽ của vua Quang Trung trong Biểu cầu hôn vừa nhún nhường nhưng cũng không kém phần dứt khoát, cho thấy uy thế của triều Tây Sơn lúc bấy giờ: "…Từ trước đến nay chế độ nhà trời công chúa gả xuống tất phải người tôn quý mới chọn đẹp duyên, không có lệ rộng ra đến các bầy tôi ở ngoài. Phận đã nghiêm, chia ra trong ngoài như thế, thật khó mà với đến được. Chỉ vì một niềm tôn mến riêng trông ngóng, trằn trọc không thôi. Trộm mong cành ngọc nhà trời rộng lan đến cả kẻ ngoại phiên ở dưới khiến thần thần được ngửa đội ơn lành, gần gũi gót lân, đem phong hóa quan thư ban ra những phúc nguyên cát".

Theo gia phả họ Vũ (Vũ Văn Dũng) thì vua Càn Long đã đồng ý gả công chúa và cấp đất một tỉnh Quảng Tây (?), chỉ vì vua Quang Trung mất đột ngột mà việc lớn không thành đấy thôi!

Đấy là nói đến những việc lớn, quốc gia đại sự, tập sách còn kể, qua một việc rất nhỏ, nhà Thanh cũng nhanh chóng "lấy lòng" vị vua chiến thắng là Quang Trung. Năm Kỷ Dậu, Quốc thái (mẹ vua Quang Trung) tuổi đã tám mươi, cần có nhân sâm để bổ dưỡng sức khỏe. Thời bấy giờ ở nước ta nhân sâm còn rất hiếm, muốn người Thanh phải "cung cấp" nhân sâm, nhưng không muốn mang tiếng là đi xin, vua Quang Trung đã hành động rất khôn khéo. Nhà vua cho Nguyễn Hoành Khuông sang Thanh và đem theo một bức thư gửi sứ thần của nước ta ở bên đó. Trong thư nhà vua dặn sứ thần mua nhân sâm. Vua Quang Trung đã tính trước được rằng, bức thư dặn mua nhân sâm trên sẽ lọt đến tay bọn quan lại ở biên giới nhà Thanh trước. Một khi họ đã hay biết việc này, lẽ tất nhiên họ sẽ phải tìm cách "lấy lòng" khách chiến thắng, thế nào họ chẳng phải dâng nhân sâm đến tận nơi.

Đúng như vậy, khi Tổng đốc Lưỡng Quảng là Phúc Khang An xem bức thư dặn mua nhân sâm ấy, không lẽ lơ đi, nên đã cho người kiếm ngay bốn lạng nhân sâm, giao Thang Hùng Nghiệp cắt người ruổi ngựa đưa sang tận Lạng Sơn nhờ chuyển đến Quang Trung hoàng đế.

Cũng việc này, năm Canh Tuất (1790), vua Càn Long nhà Thanh nhận được tờ tấu của Tôn Vĩnh Thanh nói việc vua Quang Trung dặn Nguyễn Hoành Khuông mua sâm, vua Thanh liền sai mở kho Thượng Phương, tặng ngay cho một cân nhân sâm tốt nhất. Vua Thanh còn dụ rằng:

"… Thế đủ thấy rằng quốc vương (Quang Trung) đã chăm tỏ tấc thành chiêm cận, lại tha thiết lo việc thần hôn. Thật là trung hiếu kiêm toàn, đáng khen đáng chuộng lắm lắm. Vậy ban cho một cân nhân sâm để giúp mẹ khanh tẩm bổ tuổi già. Nếu giao cho bọn Nguyễn Hoành Khuông, thì e không kịp đêm về trước khi Quốc Vương khởi trình. Vậy phải đặc cách chạy ngựa trạm, giao nhân sâm cho tuần phủ Tôn Vĩnh Thanh sai người đem đến ải Nam Quan chuyển cho viên trấn Mục nước Nam đệ lên Quốc Vương thu nhận".

Việc vua Càn Long 2 lần ban đặc ân cho vua Quang Trung, làm cho bọn Phúc An Khang "ghen tị": "… Nhân sâm không phải là của dễ kiếm được, thế mà thiên triều ban cho như vậy, thật là cái ơn chan chứa ngoài lệ thường". Vì, Phúc An Khang cho biết đó là "một ân to lạ lùng" không những các phiên thần thuộc quốc không bao giờ được, mà cả đến các bậc thân quý trong triều đình cũng không bao giờ dám mộng tưởng đến!

Vua Quang Trung sau khi nhận được nhân sâm rồi, sai cận thần viết biểu tạ ơn vua Càn Long có những câu như sau:

"Thần hữu mẫu, hữu thân, báo đáp ngưỡng bằng ư đại tạo,

Quân vi sư, vi phụ, sinh thành thâm được long chiêm…"

Nghĩa là:

"Tôi có mẹ già, báo đáp nhờ công gây dựng lớn,

Ngài là sư phụ, sinh thành mong tắm móc mưa rào…"

Qua những sự việc trên, ta thấy rằng, sau chiến tranh, ở quan hệ bang giao giữa nhà Thanh và nhà Tây Sơn đã có những bước chuyển biến tốt, thân thiện, quan hệ giữa hai nước ngày càng được củng cố theo chiều hướng hữu nghị, hợp tác.

Chương 2 của tập sách có tên "Bang giao với các nước Tây, Nam, và hải đảo" đề cập đến mối bang giao với các nước lân bang ở phía Nam và Tây và hải đảo dưới triều Tây Sơn, gồm Chiêm Thành, Lào, Chân Lạp, Miến Điện, Xiêm, các quốc gia hải đảo vùng Đông Nam Á. Đây là phần tư liệu khá mới mẻ, bởi vì lâu nay sách vở thường chú trọng đến bang giao với phương Bắc của triều Tây Sơn mà ít nói đến mối bang giao này.

Triều Tây Sơn có tầm nhìn xa trông rộng, muốn gìn giữ hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng, để tập trung sức lực cho việc canh tân đất nước sau nhiều năm suy vong và chiến tranh. Chương sách còn cung cấp cho ta những quy định thủ tục bang giao của triều Nguyễn sau này với các lân quốc và bộ tộc phía Tây, Nam.

Tập sách dành chương 3 để nói về "Quan hệ ngoại giao Đại Việt với các nước phương Tây và Nhật trước khi Pháp xâm lược", trong đó có thời triều Tây Sơn. Chúng ta đã từng bang giao với người Bồ Đào Nha, người Hà Lan, người Anh, người Nhật, người Hoa, và người Mỹ.

Tập sách cho chúng ta một cái nhìn tổng thể về vị thế của dân tộc ta dưới triều Tây Sơn trên trường quốc tế lúc bấy giờ.

  • Trần Xuân Toàn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chất Bình Định trong thơ Xuân Diệu  (16/01/2006)
Nguyễn Huệ đánh tan "Tứ Chiêu"  (12/01/2006)
Làng rèn Thạnh Xuân  (10/01/2006)
Ai tư vãn, bằng cớ mối tình sâu nặng Ngọc Hân - Nguyễn Huệ   (08/01/2006)
Gỏi sứa  (05/01/2006)
Ngô Thì Nhậm - Một trí thức lỗi lạc vào nửa cuối thế kỷ XVIII  (03/01/2006)
Mắm ruột miền Trung  (01/01/2006)
Ẩm thực với dừa  (29/12/2005)
Vì sao Đào Duy Từ tìm vào xứ Đàng Trong ?  (27/12/2005)
Đào Duy Từ bắt đầu trổ tài như thế nào ?  (25/12/2005)
Bún nước tro ở Hoài Nhơn  (22/12/2005)
Kỷ niệm về ông ngoại tôi: Đào Tấn  (20/12/2005)
Hồ Sĩ Tạo - Vị tiến sĩ rẽ ngang một tâm hồn cao thượng  (18/12/2005)
Hồ Sĩ Tạo - Vị tiến sĩ rẽ ngang một tâm hồn cao thượng   (15/12/2005)
Canh chua lá dang  (13/12/2005)