Đối với đồng bào dân tộc Ba na, mùa xuân là thời điểm vui chơi, hội hè. Trên khắp các bản làng của người Ba na ở Bình Định, đâu đâu cũng thấy những áo, váy rực rỡ sắc màu được chuẩn bị để cùng hòa điệu với niềm vui của đất trời.
Đen, đỏ, trắng là những màu sắc được người Ba na sử dụng nhiều trong thổ cẩm. Các hình mẫu là sự cách điệu của cảnh núi rừng. Hoa văn trên thổ cẩm của người Ba na có màu sắc sặc sỡ, chủ yếu chạy dọc theo chiều tấm vải. Màu đen được người Ba na xem là màu chủ đạo, gây ấn tượng mạnh về phong cách, phản ánh đường nét văn hóa truyền thống và đời sống sinh hoạt hằng ngày. Mỗi màu sắc lại có tiếng nói riêng. Màu đen tượng trưng cho đất rừng trù phú, màu đỏ tượng trưng cho khát vọng, tình yêu.
Phụ nữ Ba na mặc áo chủ yếu là loại chui đầu, ngắn thân và váy. Áo có thể cộc tay hay dài tay. Váy là loại váy hở, quanh bụng còn có đeo những vòng đồng. Trong tạo hình, áo váy của người Ba na không có sự khác biệt lớn so với đồng bào dân tộc Gia Rai hoặc Ê Đê. Tuy nhiên, nó nổi bật ở phong cách trang trí hoa văn, bố cục trên áo váy. Với nguyên tắc của lối bố cục dải băng theo chiều ngang thân người, người Ba na dành phần chính ở giữa thân áo và váy với diện tích hơn nửa áo, váy, hai ống tay để trang trí hoa văn (chủ yếu là hoa văn hình học với hai màu trắng, đỏ). Thắt lưng váy cũng được dệt thêu hoa văn, tua vải hai đầu, được thắt và buông thong dài hai đầu sang hai bên hông váy. Một bộ trang phục đầy đủ của phụ nữ Ba na không thể thiếu chiếc khăn đội đầu với kỹ thuật quấn khăn làm nổi bật sự duyên dáng.
So với phụ nữ, trang phục của nam giới đồng bào dân tộc Ba na đơn giản hơn. Nam giới thường mặc áo chui đầu, cổ xẻ. Đây là loại áo cộc tay, thân áo có đường trang trí sọc đỏ chạy ngang, gấu áo màu trắng.
|