Anh hùng với giai nhân
10:30', 24/1/ 2006 (GMT+7)

Chủ trương "Phò Lê diệt Trịnh" theo ý kiến của Nguyễn Hữu Chỉnh, tướng Tây Sơn là Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc Hà, diệt được họ Trịnh, đặt dấu chấm cuối cùng cơ nghiệp nhà Chúa 216 năm.

Ngày 26 tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), Nguyễn Huệ mang đạo quân toàn thắng vào thành Thăng Long, đóng ở phủ chúa Trịnh. Vua Lê Hiển Tông (Duy Diêu) đã 70 tuổi già yếu đương bịnh. Nguyễn Huệ có vào yết kiến hai lần. Lần đầu tiên tại cung Vạn Thọ chỉ là một hội kiến riêng; và lần thứ hai vào ngày mùng 7 tháng 7 năm Bính Ngọ, thiết lễ đại triều tại điện Kính Thiên.

Triều Lê có tiếng là "trung hưng", nhưng dưới sự khống chế của dòng họ chúa Trịnh gần 200 năm dài ngột ngạt sống dở chết dở, nay được thở một làn không khí mát lành. Đem quân diệt Trịnh, Nguyễn Huệ cũng có chân tình tô điểm lại ngai vàng thực sự cho nhà Lê.

Khi yết kiến Lê Hiển Tông lần đầu ở điện Vạn Thọ, Nguyễn Huệ sụp xuống lạy năm lạy và xá ba xá, thành thật tâu:

- Thần là kẻ sơn dã ở chốn xa xôi nghìn dặm, tuy chưa được hưởng tước lộc của Hoàng thượng, nhưng vẫn có lòng kính mến ân đức của Hoàng thượng. Nay được bệ kiến, cũng do ở ý trời chứng quả tấm lòng hoài vọng của thần. Họ Trịnh bấy lâu lộng ngược, thần phải vì đại nghĩa mà khử trừ. Sự thành công của thần cũng là nhờ hồng phúc của Hoàng thượng. Nay thần chỉ cầu cho thánh thể được chóng lành mạnh, để ban ân cho dân cho nước.

Vua Lê thấy Nguyễn Huệ có khí phách anh hùng, lời lẽ khiêm tốn nên có lòng quý mến.

Qua hôm sau lễ đại triều, vua Lê muốn đãi Nguyễn Huệ ngang hàng với chúa Trịnh, nên sai quan Lại bộ đến tận quận thứ Tây Sơn tức phủ chúa Trịnh trước kia, phong làm Nguyên Soái Phù Chính Dực võ uy quốc công. Nguyễn Huệ cho đặt hương án bái mạng thụ phong, rồi sai sứ vào triều tạ ơn.

Việc giao thiệp với vua Lê, trước sau, Nguyễn Huệ vẫn giữ lễ vua tôi và xử biện rất chu đáo; chớ không có chút vẻ gì tỏ ra tự cao, tự đại, thô lỗ, kiêu căng… Nhưng thu nhận phẩm tước đối với Nguyễn Huệ là một việc bất đắc dĩ, nên khi sứ giả về rồi, Huệ nghiêm sắc mặt, nói riêng với Nguyễn Hữu Chỉnh:

- Ta đem mấy vạn quân ra đây, một trận dẹp yên được Bắc Hà, thì mọi vật ở đất này phỏng có gì là không phải của ta. Chỉ vì đại nghĩa mà không thu một người dân, chiếm một tấc đất. Nay vua Lê đem quan tước phong cho ta có khác nào dùng cái hư danh để ràng buộc ta, lung lạc ta. Nếu ta không nhận thì mang phải tiếng kiêu căng, bằng ta nhận mà không nói một câu gì thì thiên hạ không khỏi chê ta ngu dốt!

Nguyễn Hữu Chỉnh thấy Nguyễn Huệ có vẻ bất mãn như thế, sợ rằng vì sự kỳ thị của Huệ có phương hại đến tình giao hảo của vua Lê với chúa Tây Sơn ngay từ bước đầu, và bản ý "diệt Trịnh phò Lê" của Chỉnh sau này cũng vì đó lỡ dở, trôi theo dòng nước. Chỉnh lanh trí, nghĩ ngay cách, thưa với Nguyễn Huệ:

- Hoàng thượng có bảo riêng với tôi thế này: "Nhà vua kiệm bạc, không có vật gì đáng tặng, vẫn biết những danh tước nhỏ mọn không đủ làm cho ngài được tôn quý thêm lên, nhưng phải phong cho ngài để không trái với phong tục và nghi lễ, và để tỏ lòng kính ngài mà thôi. Vả, bản ý của Hoàng thượng, tự nghĩ rằng sau khi ngài về rồi, không biết nương tựa vào ai, nên Hoàng thượng muốn ràng buộc tinh thần của hai họ, để cho hai nước đời đời giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng vì chưa biết ý ngài thế nào, nên không dám khinh suất cho sứ giả đến bộc bạch với ngài.

Nguyễn Huệ có vẻ suy nghĩ một lúc mỉm cười nói:

- Vua Lê cũng nghĩ đến chỗ hòa thân kia sao ? Nếu lấy nhân duyên làm sợi dây giao hảo của hai nước thì cũng là một ý rất hay. Nhưng ta là một chinh phu thô lỗ, e không xứng đáng với một vị công chúa cành vàng lá ngọc chăng ?

Nhưng rồi, Huệ xoa tay gật gù nói có vẻ trào lộng:

- À, em vua Tây Sơn làm rể Hoàng đế nước Nam, kể cũng môn đăng hộ đối lắm chớ, tưởng không mấy người được…

Nguyễn Hữu Chỉnh chưa kịp nói gì, thì Nguyễn Huệ lại tiếp:

- Nói đùa đấy thôi. Hoàng thượng nghĩ như vậy thật là "lão mưu đa kế", chỉ mong hai nước hòa nhau…

Nguyễn Hữu Chỉnh với chủ trương "Phò Lê diệt Trịnh" làm tham mưu đưa Nguyễn Huệ ra Bắc Hà, giờ lại đóng vai trò ông mai cho hai họ Lê, Nguyễn kết tình thông gia. Biết Huệ đã bằng lòng, Chỉnh đem những việc xảy ra vào tâu với nhà vua. Lê Hiển Tông cho ý kiến của Chỉnh là đúng, nên quyết định đem công chúa Ngọc Hân gả cho Nguyễn Huệ.

Nguyên Lê Hiển Tông chỉ có hai con trai là Duy Vĩ và Duy Cẩn. Vĩ được lập làm Thái tử vì có hiềm khích với Tĩnh đô vương Trịnh Sâm nên bị Sâm giết chết, lại lập con của Vĩ là Duy Kỳ lên thay. Còn Duy Cẩn thì được phong là Sùng Nhượng công. Trái lại gái thì quá đông, nhưng chỉ có Công chúa Ngọc Hân, gái thứ chín chẳng những có sắc đẹp hơn cả, tính đức nhu hiền, tư cách đứng đắn lại có tài văn chương, thường được gọi là bà "Chúa tiên".

Lê Hiển Tông rất yêu quý người con gái thứ chín này, nên thường bảo: "Con bé này phải là một Hoàng hậu hay Vương phi, nếu gả cho một phò mã tầm thường thì thật không xứng !". Nhưng nhà vua e ngại vì tình thương yêu con, sự xét đoán chủ quan có thiên vị, nên nhân có dịp Nguyễn Hữu Chỉnh đến yết kiến, nhà vua truyền cho các Công chúa vào chầu, để Chỉnh khách quan "đánh giá" !

Nguyễn Hữu Chỉnh có tài "thầy tướng" không, chúng ta không biết nhưng chắc chắn ông ta sẵn có tài chính trị, nhiều mưu lược thường tiếp xúc nhiều hạng người, nhất là hàng vương tướng… tất có nhiều kinh nghiệm xem người. Do đó, khi xem xét cốt cách của Công chúa Ngọc Hân, Chỉnh nhận sự xét đoán của nhà vua là đúng, nên chấm ngay cho chủ tướng Tây Sơn Nguyễn Huệ, rõ là "Trai anh hùng, gái thuyền quyên". Ông liền về báo lại với Nguyễn Huệ:

- Câu chuyện hôm qua, tôi nói với ngài, nay tôi đã vào chầu Hoàng thượng, người lấy làm vui mừng bảo tôi rằng: Nếu ngài bằng lòng thì thật quả trời dun rủi. Hiện Hoàng thượng có người công chúa thứ chín, tuổi vừa 16, xin cho nương bóng hậu dinh, hầu hạ khăn lược, để cho hai nước thành nghĩa thân gia, đời đời hòa hiếu.

Đoạn, ông mai còn trổ tài, hết lời ca tụng tài đức sắc đẹp "mười phân vẹn mười" của nàng công chúa mơn mởn đào tơ như đóa hoa xuân còn phong kín nhị… Nguyễn Huệ cũng lấy làm hả dạ, trước kẻ tả hữu, ông nói có giọng bông đùa:

- Vì dẹp loạn mà ra, rồi lấy vợ mà về, trẻ con nó cười thì sao ? Nhưng thời đến mà dễ mất, có thời gặp gái Bắc Hà, thật là "thiên tải kỳ duyên" vậy đâu thể bỏ lỡ duyên.

Mọi người đều vui vẻ cười như chia vui với chủ tướng. Nguyễn Hữu Chỉnh vào tâu với Lê Hiển Tông. Nhà vua liền hạ chỉ dụ gả Công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ, và chọn ngày làm lễ thành hôn.

Mùng 10 tháng 7 ngay năm đó, Nguyễn Huệ sắp 200 lượng vàng, 2.000 lượng bạc, và 20 cây gấm, dàn bày cờ quạt nhờ viên Hình bộ Thượng thư đưa lễ vật đó và một tờ tâu vào điện Vạn Thọ.

Rồi sáng hôm sau, Nguyễn Huệ sai quan đưa một tờ tâu vào triều, xin cho làm lễ nghinh hôn…

Lễ hôn của bậc vương giả thế mà gọn. Không cần quan Khâm Thiên Giám, không cần thầy bà coi tuổi… chỉ đàng gái đàng trai bằng lòng vừa ý là xong...

. Theo Nguyễn Tử Quang (Mưu lược cổ nhân trong lịch sử cổ kim đông tây)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đô đốc Long quê ở đâu ?  (22/01/2006)
Sắc màu Ba na  (20/01/2006)
Bang giao Đại Việt triều Tây Sơn   (18/01/2006)
Chất Bình Định trong thơ Xuân Diệu  (16/01/2006)
Nguyễn Huệ đánh tan "Tứ Chiêu"  (12/01/2006)
Làng rèn Thạnh Xuân  (10/01/2006)
Ai tư vãn, bằng cớ mối tình sâu nặng Ngọc Hân - Nguyễn Huệ   (08/01/2006)
Gỏi sứa  (05/01/2006)
Ngô Thì Nhậm - Một trí thức lỗi lạc vào nửa cuối thế kỷ XVIII  (03/01/2006)
Mắm ruột miền Trung  (01/01/2006)
Ẩm thực với dừa  (29/12/2005)
Vì sao Đào Duy Từ tìm vào xứ Đàng Trong ?  (27/12/2005)
Đào Duy Từ bắt đầu trổ tài như thế nào ?  (25/12/2005)
Bún nước tro ở Hoài Nhơn  (22/12/2005)
Kỷ niệm về ông ngoại tôi: Đào Tấn  (20/12/2005)