Mặc dù đã có nhiều cuộc hội thảo về phong trào nông dân Tây Sơn được tổ chức với nhiều công trình nghiên cứu về những thành tựu của triều đại này trên mọi lĩnh vực quân sự, chính trị, văn hóa, xã hội… Thế nhưng, thành Hoàng Đế - công trình kiến trúc cung đình duy nhất thời Tây Sơn, ít được đề cập và một di tích quan trọng, gắn liền với việc lên ngôi của Hoàng đế Thái Đức cũng bị quên lãng. Đó là Đàn Nam Giao.
|
Hòn Chùa - địa điểm đàn Nam Giao của Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc.
|
Lâu nay, chúng ta chỉ hình dung một kinh thành Hoàng đế Thái Đức qua khảo tả của tác giả Đồ Bàn Thành Ký Nguyễn Văn Hiển, nên việc hiểu biết về thành Hoàng Đế còn rất hạn chế. Bởi vì, tất cả các công trình kiến trúc đều bị triệt hạ, chôn vùi trong lòng đất và nhà Nguyễn lại cho xây đền Song Trung (Võ Tánh và Ngô Tùng Châu) ngay trên chính điện của Tử Cấm Thành Hoàng Đế.
Nhằm sưu tập tài liệu góp phần làm cơ sở cho việc phục hồi, trùng tu, tôn tạo thành Hoàng Đế, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng tổng hợp Bình Định khai quật khảo cổ thành Hoàng Đế. Với diện tích hơn 300m2 qua 2 đợt khai quật năm 2004 và 2005 diện mạo kiến trúc thành Hoàng Đế được phát lộ ngày một rõ nét.
Trong đợt khai quật này, các nhà khảo cổ đã khảo sát, điều tra thực tế và nghiên cứu các dấu vết hiện còn và đã phát hiện Đàn Nam Giao đầu tiên của nhà Tây Sơn, đó là Đàn Nam Giao của Hoàng đế Thái Đức Nguyễn Nhạc. Đàn Nam Giao tọa lạc trên một ngọn núi đất - đá ong, tục danh là Hòn Chùa, ngày nay thuộc thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn. Vị trí Đàn Nam Giao nằm ở phía ngoài góc Tây Nam thành nội và bên trong thành ngoại.
Có lẽ công lao và vai trò của Nguyễn Huệ quá lớn trong công cuộc đánh Nam dẹp Bắc đập tan chế độ phong kiến mục nát đương thời và các thế lực ngoại xâm nên người ta thường quan tâm nhiều hơn đối với Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ và đã có nhiều công trình nghiên cứu về Đàn Nam Giao ở núi Bân (Huế), nơi lên ngôi của Hoàng đế Quang Trung. Còn Đàn Nam Giao đầu tiên của nhà Tây Sơn, nơi lên ngôi của Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc chưa được quan tâm, mặc dù nơi đây còn để lại dấu vết khá rõ nét.
Đàn Nam Giao là đàn thiêng để thiên tử tế trời. Theo sử liệu Trung Hoa, thì lễ Tế Giao được bắt đầu từ thời nhà Chu (1122 - 256 TCN), còn có tên gọi khác như: Thái Giao, Giao Đàn, Giao Khâu, Viên Khâu, Thiên Đàn… Ở Việt Nam, dưới triều vua Lý Anh Tông (1138-1175), vào năm 1154 triều đình đã cho đắp Đàn Viên Khâu và đích thân nhà vua lên tổ chức tế trời.
Đàn Nam Giao thành Hoàng Đế hiện vẫn còn cấu trúc 3 tầng, có chiều cao toàn bộ khoảng 5m. Toàn bộ 3 tầng từ 4 hướng đều có dấu vết hệ thống bậc cấp lên xuống.
Tầng trên cùng hình tròn gọi là Viên Đàn, có đường kính khoảng 35m, đá ong và gạch được xây bó xung quanh, một số chỗ xói lở để lộ ra đá ong và gạch. Trên mặt Viên Đàn, khi có tế lễ thường xây dựng một Thanh Ốc (một nhà tạm mái vòm màu xanh). Khi Tế Giao, trên Viên Đàn bố trí nhiều án thờ như án thờ trời, án thờ đất…
Tầng thứ hai gọi là Phương Đàn, có hình vuông, chiều dài mỗi cạnh khoảng 70m. Ở tầng này, đá ong, ngói và gạch vương vãi rất nhiều. Khi Tế Giao, nơi đây được dựng một Hoàng Ốc (một loại nhà tạm hình vuông có mái màu vàng). Trên mặt bốn phía của Phương Đàn, bố trí các án thờ thần như: thần mặt trời, mặt trăng, các thần biển, sông, núi, đầm…
Tầng dưới cùng cũng hình vuông, có chiều dài mỗi cạnh khoảng 170m, tầng này có bố trí lò đốt ở góc Đông Nam để thiêu con bê khi tế, bố trí địa điểm để chôn trâu và dê (gọi là Ế Khảm) ở góc Tây Bắc, ở góc Đông Bắc có nhà Thần Khố làm kho để đồ liên quan đến tế lễ, bên cạnh là nhà Thần Trù làm nhà bếp. Cũng ở tầng này, còn có tòa nhà Đại Thử là nơi nghỉ chân của vua trong khi chờ đến giờ tế lễ. Ở phía Tây Nam đàn là Trai Cung, nơi vua trai giới trước khi chính thức lên đàn tế. Ngoài ra, liên quan đến Đàn Nam Giao còn có một số công trình khác chỉ dựng lên khi có tế lễ như nhà Quan Cư, nhà Khoản Tiếp…
Tế Giao dùng hình thức Hỏa tế, thông qua nghi thức đốt củi để đón tiếp thần linh lên trên đàn. Nghi thức đón tiếp thần linh là một trong những phần có ý nghĩa nhất của cuộc đại tế Giao Đàn. Từ triều Lý Anh Tông về sau, triều nào cũng lập Đàn Nam Giao, với quy mô và quy định khác nhau. Có triều quy định mỗi năm Tế Giao một lần vào tháng 2 âm lịch, có triều quy định 3 năm tổ chức một lần. Cuộc lễ Tế Giao lần cuối cùng ở Việt Nam vào thời Nguyễn, diễn ra dưới triều vua Bảo Đại (3-1945).
Đàn Nam Giao là một điển hình về di tích tín ngưỡng của vương triều dưới thời phong kiến. Tế Giao là một lễ hội cung đình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mà trên hết là tinh thần hòa ái với thiên nhiên, với ước nguyện mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình. Đàn Nam Giao ở thôn Nam Tân, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn là một bộ phận quan trọng cấu thành kinh đô Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc. Do vậy, trong kế hoạch nghiên cứu trùng tu, tôn tạo thành Hoàng Đế sắp đến chúng ta không thể không đề cập đến di tích Đàn Nam Giao.
|