Văn bia kỷ niệm chó và tư tưởng của nhà chí sĩ Phan Bội Châu
9:48', 27/1/ 2006 (GMT+7)

Ai từng có dịp đến TP. Huế, ngoài việc đi thăm lăng tẩm các vua nhà Nguyễn, hẳn sẽ không quên dành thời gian đến thăm nhà lưu niệm nhà cách mạng - chí sĩ Phan Bội Châu, ở bên dốc Bến Ngự.

Từ lâu, nơi đây đã trở thành một địa chỉ quen thuộc của du khách gần xa. Điều đáng nói, trong số những hiện vật liên quan đến cụ Phan, trong khuôn viên nhà lưu niệm Phan Bội Châu có một "hiện vật" cực kỳ ấn tượng. Đó là 2 tấm bia kỷ niệm công đức của 2 con chó tên là Ky và Vá.

Số là thời kỳ bị thực dân Pháp quản thúc, đưa về an trí tại Bến Ngự (Huế), "Ông già Bến Ngự" họ Phan bị hàng rào tay sai mật vụ của Pháp thường xuyên bao vây, rình mò. Để đối phó lại thủ đoạn của bọn thực dân, tay sai, cụ Phan nuôi 2 con chó, đặt tên là Ky và Vá.

Hai con chó được cụ Phan nuôi dạy, huấn luyện chu đáo nên rất khôn ngoan. Mặt khác, trong cảnh sống hưu quạnh, tuổi già, sức yếu; lại bị bọn thực dân tay sai bao vây, cắt đứt mọi liên lạc với bên ngoài, nên Ky - Vá trở thành những "lính cận vệ" tận tụy, trung thành, đồng thời cũng là niềm vui, niềm an ủi đối với nhà cách mạng lão thành.

Khi cả 2 con chó Ky và Vá đều chết vì già, cụ Phan rất thương tiếc và cho "mai táng" rất cẩn thận tại một nghĩa trang riêng, như mai táng hai con người. Đồng thời, cụ Phan còn cho dựng 2 tấm bia và khắc hai bài minh ghi lại công đức của hai con chó trung thành.

Phần đầu bài minh khắc trên bia con chó Ky giới thiệu "cốt cách" của con vật:

"Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí

Kẻ hơi có đức trí thường kém về phần nhân

Vừa trí vừa nhân, thực là ít thấy!

Ai ngờ con Ky này

Lại đủ hai đức ấy!"

Tiếp đó, thông qua 2 chữ NHÂN và TRÍ, cụ Phan đã xây dựng những nét đặc trưng, bản chất của chó Ky. Luận về chữ NHÂN, cụ Phan viết: "Chung nhau thờ một chủ, xem nhau như anh em, chẳng bao giờ như mèo với chó, thực là nhân đó". Từ đó, cụ Phan nhận xét: "Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trong giống súc mà người e đến mày mới thấy".

Phần cuối bài minh là nỗi lòng thương tiếc của cụ Phan đối với con vật và cũng là tâm sự của nhà cách mạng đối với cuộc đời, con người:

"Sao mày vội chết?

Hỡi trời! Hỡi trời!

Lòng ta đau đớn

Phải tạc mấy lời

Đau đớn quá! Đau đớn quá!

Kìa những hạng muôn người!"

Tương tự như bia con Ky, phần đầu bài minh ở bia con Vá được cụ Phan giới thiệu rất trân trọng:

"Vì có dũng nên liều chết phấn đấu

Vì có nghĩa nên trung thành với chủ."

Nhưng khác với chó Ky, đối với chó Vá, cụ Phan không dùng chữ NHÂN - TRÍ mà lại dùng 2 chữ DŨNG và NGHĨA để xây dựng nên "cốt cách" của con vật. Luận về 2 chữ DŨNG và NGHĨA, cụ Phan viết:

"Nói thì dễ, làm thiệt khó

Người còn như vậy, huống chi chó!

Ôi! Con chó này đủ hai đức đó."

Phần cuối bài minh là "tâm sự" của chí sĩ - nhà cách mạng yêu nước, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh đối với bọn Việt gian tay sai:

"Há như ai kia

Mặt người dạ thú

Nghĩ thế mà đau

Dựng bia mộ chó!"

Nội dung của 2 bài văn bia về 2 con chó Ky và Vá thật sâu sắc, ý nghĩa. Thông qua 4 chữ TRÍ - NHÂN - NGHĨA - DŨNG, cụ Phan Bội Châu đã bày tỏ nỗi lòng tiếc thương đối với 2 con chó Ky và Vá - những "dũng sĩ cận vệ" trung thành của mình; đồng thời gửi gắm những tâm sự thầm kín đối với cuộc đời con người, đối với "nhân tình - thế thái" và quất những đòn chí tử vào bộ mặt của bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước.

Tương truyền, khoảng năm 1936, ngoài việc dựng bia 2 con chó Ky và Vá, chí sĩ Phan Bội Châu còn viết bài ca tụng con Vá đăng trên báo Trung Kỳ, nhằm quất thẳng vào mặt bọn tay sai của chính phủ Nam triều. Bị "dính đòn đau", bọn thực dân, Việt gian nhiều lần yêu cầu gia đình cụ Phan cho chôn hai cái bia của con Ky và Vá nhưng gia đình cụ cương quyết không chịu.

Hơn 65 năm đã trôi qua, kể từ ngày cụ Phan Bội Châu qua đời (1940). Giờ đây, cùng với "Bình Tây thu Bắc", "Hải ngoại huyết thư", "Việt Nam vong quốc sử", "Lưu cầu huyết lệ tân thư", "Tân Việt Nam", "Ngục trung thư"… hai bài văn bia kỷ niệm chó vẫn còn in đậm trong tâm khảm của hàng triệu người dân đất Việt, góp thêm một góc nhìn về "Ông già Bến Ngự".

  • Viết Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đàn Nam Giao đầu tiên của nhà Tây Sơn  (25/01/2006)
Anh hùng với giai nhân  (24/01/2006)
Đô đốc Long quê ở đâu ?  (22/01/2006)
Sắc màu Ba na  (20/01/2006)
Bang giao Đại Việt triều Tây Sơn   (18/01/2006)
Chất Bình Định trong thơ Xuân Diệu  (16/01/2006)
Nguyễn Huệ đánh tan "Tứ Chiêu"  (12/01/2006)
Làng rèn Thạnh Xuân  (10/01/2006)
Ai tư vãn, bằng cớ mối tình sâu nặng Ngọc Hân - Nguyễn Huệ   (08/01/2006)
Gỏi sứa  (05/01/2006)
Ngô Thì Nhậm - Một trí thức lỗi lạc vào nửa cuối thế kỷ XVIII  (03/01/2006)
Mắm ruột miền Trung  (01/01/2006)
Ẩm thực với dừa  (29/12/2005)
Vì sao Đào Duy Từ tìm vào xứ Đàng Trong ?  (27/12/2005)
Đào Duy Từ bắt đầu trổ tài như thế nào ?  (25/12/2005)