(Trích truyện lịch sử HOA MAI ĐỎ về anh hùng Mai Xuân Thưởng)
Mùa xuân dường như đến sớm hơn trong những cánh rừng đại ngàn. Chim chóc thi nhau hót líu lo mỗi buổi sớm mai trên tán lá rộng đã trổ dày lộc nõn, xanh mượt mà. Suối róc rách tuôn chảy qua các ghềnh đá, bờ cây. Hoa phong lan đủ loại nở rực rỡ trên các thân cây cổ thụ. Những khóm mai rừng mọc chen cùng lau lách, trổ hoa vàng rực trên các sườn đồi rậm rạp.
|
VĐV võ cổ truyền Bình Định Mai Thanh Tuấn (ảnh: Đào Tiến Đạt) |
Hàng trăm nghĩa sĩ tập trung trên bãi cỏ rộng, bằng phẳng, nằm sâu trong hậu cứ, vui hội võ mùa xuân. Tiếng trống náo nức thúc từng nhịp ba rộn rã vang lên. Âm thanh dội vào vách núi, hồi âm trở lại, rền rền như những hồi trống trận. Tiếng reo hò cũng từng đợt trào sôi tựa sóng.
Đây là nơi biểu diễn đại đao. Người nghĩa sĩ mình trần, da đen cháy, bắp thịt vồng lên từng cuộn. Cây đại đao cán dài, lưỡi dày trong tay anh ta bay loang loáng trong không, bao bọc kín người. Anh đâm, đỡ, gạt… không hở miếng. Bất thình lình, anh ta thét to một tiếng "Giết". Cây đại đao bổ thượng thẳng xuống đầu kẻ "địch", đánh đòn quyết định. Một tràng vỗ tay kéo dài hồi lâu.
Một nghĩa quân khác cao dong dỏng, da trắng, mắt sáng, nhanh nhẹn nhảy vào. Hai tay anh nắm hai thanh đoản đao, múa lên vù vù. Anh chém trên, gạt dưới, đâm phải, lia trái lẹ như ánh chớp. Từng đợt vỗ tay lại nổi lên. Đây là những bài đánh đao mà nghĩa quân Tây Sơn xưa, tiêu biểu là Đại tướng Trần Quang Diệu đánh rất thiện nghệ. Tiếng ca của bài "Đao quyết thuật hoài" thời Tây Sơn cất lên từng chặp theo tiếng vỗ tay:
Xe ngựa giặc đầy kinh thành
Khói lửa thật tàn ác
Quân lính ở đâu
Máu của họ vương trên mũi dáo
Dân chúng ở đâu
Thây của họ lăn ngòi lấp hố
Vung ngọn đao thề giết hết giặc thù
Kia là chỗ múa gươm đánh kiếm. Tiếng sắt thép va nhau chan chát đinh tai. Còn đây là nơi hội tụ các nghĩa sĩ tay không đánh quyền. Từng đôi, từng tốp ba bốn người một, các thế võ thuật được thi nhau phô diễn. Những võ sĩ đầu chít khăn đỏ, mình vận khố nâu, da thịt phơi trần dưới nắng. Họ đang thi thố bài quyền "Hùng kê" mà tương truyền là thế võ của Đông Định vương Nguyễn Lữ nghiên cứu, sáng tạo từ các đòn đánh của gà chọi. Tiếng "hự", tiếng "hậy" điểm nhịp vào mỗi thế võ hiểm và những tràng pháo tay lại nổ giòn sau mỗi miếng võ đó.
Bỗng có tiếng reo to:
- Nguyên soái tới! Nguyên soái tới!
Mọi người rẽ ra, cung kính vái chào. Mai Xuân Thưởng cùng một số tướng lĩnh ra bãi võ đầu xuân thăm các nghĩa sĩ. Chàng đến hội đánh quyền, tươi cười nói:
- Nào, anh em cho tôi thử một keo!
Nhanh nhẹn cởi y phục, Mai Xuân Thưởng mình trần nhảy vào giữa xới. Nom chàng vẫn mảnh mai như một thư sinh. Xuống tấn thế thủ, chàng giục:
- Xin mời anh em thử sức!
Hai, ba nghĩa sĩ nhìn nhau. "Cứ vào đi". Mai Xuân Thưởng lại giục. Thế là họ cùng nhảy vào đánh. Chàng Mai nhẹ nhàng di chuyển, bình tĩnh gạt trên, đỡ dưới. Ba nghĩa sĩ vây đánh chàng Mai mà chàng vẫn chưa hề hấn. Thỉnh thoảng, chàng phản công một đòn rất lẹ, làm một nghĩa sĩ phải loạng choạng dạt ra. Mọi người trầm trồ:
- Nguyên soái đánh hay quá!
Quần thảo một lúc, các võ sĩ ngừng tay. Mai nguyên soái sắc mặt vẫn điềm nhiên. Chỉ có hơi thở dồn nhanh hơn một chút. Một nghĩa quân lên tiếng:
- Đường quyền của chủ soái thật là tuyệt diệu. Chẳng hay bài thơ "Hùng kê quyền" chủ soái có nhớ không ạ?
Mai Xuân Thưởng gật đầu:
- Nhớ chứ! Nhớ chứ! Phàm là người Bình Định, người Tây Sơn thì phải biết đánh võ. Chắc anh em ta không ai không thuộc câu ca dao:
Ai về Bình Định mà coi
Con gái Bình Định cầm roi, đi quyền
Phàm là người đánh quyền giỏi đều phải thuộc bài thơ "Hùng kê quyền". Đó là kinh nghiệm đúc kết các thế võ ấy bằng các câu thơ. Chẳng hạn như câu: "Song túc tề phi trảo thượng sung" là nêu thế đá song phi vào ngực kẻ thù. Câu: "Thủ quan kim kiếm tự thanh long" là vận dụng đôi tay như đôi cánh gà trong những thế long quyền uyển chuyển, chụp đâm vào các yếu huyệt của kẻ địch hoặc bắt sống chúng.. "Nhu cương cường nhược tận kỳ trung". Mềm cứng, mạnh yếu đều ở trong bài quyền này. Ta lấy mạnh yếu, mềm cứng dung hòa nhau. Áp dụng lúc mềm lúc cứng, khi mạnh khi yếu cho thích nghi với hoàn cảnh để đánh kẻ địch to khỏe hơn ta, ấy là biết học cha ông "lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh" vậy. Anh em ta sinh ra trên đất Bình Định, là con cháu của Hoàng đế Quang Trung và các võ sĩ Tây Sơn, ta phải học tinh thông các thế võ, rèn luyện chí khí, noi gương các bậc tiên liệt mà đánh giặc cứu nước, như vậy mới tỏ mặt anh tài, không tủi hổ là kẻ nam nhi sinh trong thời loạn, các anh em hãy nhớ lấy.
- Xin nhớ lời Nguyên soái căn dặn!
Các nghĩa sĩ vui mừng hô vang, rồi ai nấy lại hăm hở lao vào tập luyện say mê.
|