Ngàn dặm Huyền Trân
15:14', 28/1/ 2006 (GMT+7)

Mùa xuân này vừa tròn 700 năm kể từ ngày công chúa Huyền Trân cất bước về làm dâu Vương quốc Champa.

Ái nữ của quốc vương Đại Việt sánh duyên với một vị quân vương đất Chiêm Thành là Chế Mân.

Nếu chỉ có vậy, chuyện tình này sẽ không khiến sử sách dành cho nhiều chữ nghĩa đến thế. Cuộc tình ấy đã mang về cho Đại Việt hai châu Ô, Lý, mang về hòa hiếu cho hai dân tộc.

Miếu thờ Huyền Trân ở làng Kim Đâu

Trên đường Hồ Chí Minh, đoạn giao nhau với quốc lộ 9 ở km12, chạy vào chợ phiên Cam Lộ qua ngã ba cầu Đuồi có một tấm biển sơn xanh với dòng chữ màu trắng rất lớn: "Nhà thờ Huyền Trân công chúa, con vua Trần Nhân Tông, tại xóm Chùa, thôn Kim Đâu, xã Cam An, Cam Lộ. Năm 1306 công chúa lấy vua Chiêm là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý", và một mũi tên hướng về phía đông chỉ khoảng cách: 8km.

Song khác với những hình dung từ tấm biển chỉ đường rất lớn kia, ngôi miếu thờ "người đẹp thiên kim" - công chúa Huyền Trân - chỉ là một ngôi miếu nhỏ, nép mình bên một bàu nước ở làng Kim Đâu, hoang vắng và điêu tàn.

Khi chúng tôi tìm về, thắp một nén nhang vọng bà, nhìn ngôi miếu nhỏ bên bàu nước lưu dấu một cuộc ra đi sau bảy thế kỷ vẫn còn thổn thức trên những dòng sử cũ, dư vang trong điệu Nam bình của người miền Thuận Hóa: Nước non ngàn dặm ra đi/ mối tình chi/ mượn màu son phấn/đền nợ Ô, Ly.

Chuyện bắt đầu từ một chuyến đi vãn cảnh của thượng hoàng Nhân Tông sang đất Chiêm, cảm tấm thịnh tình của quốc vương Chiêm Thành nên hứa gả Huyền Trân công chúa. Chế Mân sai bầy tôi là Chế Bồ Đài đệ tờ biểu dâng vàng, bạc, kỳ hương và các phẩm vật lạ để xin cưới. Quần thần trong triều đều nói là không nên gả, chỉ có Văn Túc vương Đạo Tái chủ trương nên gả và Trần Khắc Chung tán thành. Chế Mân lại xin đem châu Ô, châu Lý để làm lễ cưới, lúc ấy ý vua mới quả quyết cho Huyền Trân công chúa về với vua Chiêm.

Miếu thờ Huyền Trân tương truyền được xây từ mấy thế kỷ trước, bên bến sông phần đất Đại Việt, sau khi công chúa xuống thuyền về đất Chiêm. Trong ký ức mù sương hun hút của các bô lão làng Kim Đâu mà tôi gặp kể rằng ngôi miếu ngày xưa rất to, xây bằng gạch theo lối vòm cuốn thành ba tầng, mái lợp ngói liệt có đường cổ diêm (là kiểu đền miếu mang phong cách thời Lê), trước miếu có tam quan, sân gạch. Trước nữa là một con đường rợp tre trúc. Ngoài kia là bến sông.

700 năm rồi, sông xưa đổi dòng chỉ còn bàu nước nhỏ mang hồn bến nước soi bóng ngôi miếu u tịch. Chỉ một điều rất lạ là bên kia bàu nước đối xứng với miếu thờ Huyền Trân công chúa là một cái giếng Chăm rất đẹp, với những thanh đá được đục mộng lắp ghép như hàng mộc. Cái giếng như một ngụ ngôn về tấm lòng của công chúa vương triều  Đại Việt với đất Chiêm.

Lần giở trong sử cũ, miền đất Ô Lý kể từ khi Lý Thường Kiệt và cuộc Nam tiến đầu tiên năm 1069 cho đến khi trở thành sính lễ cưới Huyền Trân năm 1306, hiếm khi nào vắng những cuộc giao tranh trong hơn hai thế kỷ kia. Nó chỉ bình yên sau khi bước chân của Huyền Trân về đến đất Chiêm, và sau này thành châu Thuận, châu Hóa của đất Đại Việt. Sao vẫn chưa có một ngày để nhớ Huyền Trân, nhất là vào năm nay, nhân 700 năm cuộc ra đi của bà. Và ngôi miếu thờ nơi làng Kim Đâu này nữa, không thể hoang lạnh đìu hiu và đơn sơ như thế này, bởi cứ như câu ca Nước non ngàn dặm thì Vì lợi cho dân/Tình đem lại mà cân/Đắng cay muôn phần.

. Theo Lê Đức Dục (Tuổi Trẻ Xuân)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bãi võ đầu xuân   (28/01/2006)
Văn bia kỷ niệm chó và tư tưởng của nhà chí sĩ Phan Bội Châu  (27/01/2006)
Đàn Nam Giao đầu tiên của nhà Tây Sơn  (25/01/2006)
Anh hùng với giai nhân  (24/01/2006)
Đô đốc Long quê ở đâu ?  (22/01/2006)
Sắc màu Ba na  (20/01/2006)
Bang giao Đại Việt triều Tây Sơn   (18/01/2006)
Chất Bình Định trong thơ Xuân Diệu  (16/01/2006)
Nguyễn Huệ đánh tan "Tứ Chiêu"  (12/01/2006)
Làng rèn Thạnh Xuân  (10/01/2006)
Ai tư vãn, bằng cớ mối tình sâu nặng Ngọc Hân - Nguyễn Huệ   (08/01/2006)
Gỏi sứa  (05/01/2006)
Ngô Thì Nhậm - Một trí thức lỗi lạc vào nửa cuối thế kỷ XVIII  (03/01/2006)
Mắm ruột miền Trung  (01/01/2006)
Ẩm thực với dừa  (29/12/2005)