Đầm Đạm Thủy, cửa Đề Gi
11:8', 3/10/ 2006 (GMT+7)

Từ Hà Ra xuôi về phía Nam, theo một động cát trắng phau chạy dài gần 30km thì gặp cửa biển Đề Gi. Nằm trên địa phận xã Cát Khánh, ở về phía Đông Bắc huyện Phù Cát, Đề Gi vốn là một hải tấn quan trọng. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì cửa Đề Gi "rộng 11 trượng, thuỷ triều lên sâu 6 thước, thuỷ triều xuống sâu 4 thước. Phía tây có đầm Đạm Thuỷ, thuyền buôn thường đổ ở đây". Theo đơn vị đo lường thời Nguyễn, một trượng bằng 10 thước, tương đương với 4,21m. Như vậy, vào cuối thế kỉ 19, cửa Đề Gi rộng chừng gần 50m, lúc nước triều lên cao nước sâu chừng 2,5m và khi triều xuống thấp chỉ sâu chừng 1,7m

Tuy không phải là một cửa cảng rộng và sâu nhưng Đề Gi có hòn Lâm Sơn án ngữ như một tấm bình phong chắn gió từ hướng Bắc tạo thành một nơi trú đậu lí tưởng cho thuyền bè. Nơi đây đã từng có một thời phồn thịnh, buôn bán sầm uất mà dấu tích còn lại là chợ Gành nằm ở phía Tây với những khu vực dân cư tập trung, mang dáng dấp một đô thị cổ. Cách Đề Gi không xa về phía Đông còn mấy hòn đảo nhỏ nằm chơi với giữa biển, trong chẳng khác gì những chú trâu đang lặn ngụp, đùa giỡn cùng sóng biển nên tục gọi là Hòn Trâu.

Cửa Đề Gi nối thông với một đầm nước ở phía Bắc có hình dạng gần giống như một hình chữ nhật  với chiều dài xấp xỉ 7km chạy xuôi theo hướng Bắc-Nam và chiều rộng ước chừng non 4km. Đó là đầm Đạm Thuỷ. Vì nối thông với cửa Đề Gi nên đầm Đạm Thuỷ còn có tên trong dân gian là vũng Đề Gi. Đạm Thuỷ là tên Hán-Việt thường thấy trong các thư tịch cổ dùng để dịch nghĩa nôm na cái tên đầm Nước Ngọt mà dân địa phương quen dùng. Không hiểu vì sao và từ bao giờ đầm có tên như vậy, chứ thực ra nước trong đầm rất mặn, mặn đến mức dân trong vùng có thể lấy nước đầm làm muối. Có lẽ do biến đổi của tạo hoá, cảnh vật đã xoay vần nhưng địa danh đã ngưng chứa những gì đã qua.

Không chỉ có đầm Nước Ngọt, Bình Định còn có những địa danh khác mà tên không hợp với thực. Ở địa phận huyện Hoài Nhơn có con suối nhỏ chảy từ Phụng Du xuống sông Tam Quan, nước ngọt như nước nguồn vậy mà cây cầu bắc qua lại có tên Nước Mặn. Dân Bình Định vốn ưa hài hước, trào lộng mới đem những cái tên này gắn cho một tích dân gian, kể rằng, có một người con gái thông minh hay chữ, hát đố thử tài người bạn trai:

Tiếng đồn chàng hay chữ

Tài ngang tú cử

Lại đây em hỏi thử đôi câu:

Ngọt ngay nước chảy dưới cầu

Gọi cầu "Nước Mặn" bởi đâu hỡi chàng?

Chàng trai nọ cũng chẳng vừa, không hổ danh là người hay chữ, bèn đáp:

Thật thà là thói hồng nhan,

Ăn xuôi nói ngược thế gian lạ gì,

Mặn chằng nước vũng Đề Gi,

Gọi đầm "Nước Ngọt" lẽ gì hỡi em?

Những câu đối đáp thật thông minh và dí dỏm. Đó là chuyện văn học dân gian. Trong thực tế đã không có ít người cố gắng đi tìm lời giải thích duyên cớ của hiện tượng danh thực "bất trùng phùng" này. Theo cách lí giải của những người này, nước dưới cầu Nước Mặn trước đây vốn mặn thật. Đó thời kì mà sông Tam Quan đáy còn sâu, cửa còn rộng, mỗi khi có triều lớn, nước biển dâng lên tới tận Phụng Du. Theo thời gian, cửa sông hẹp lại và lòng sông bị bồi lấp, đầy dần lên, nước mặn không lên cao được nữa. Nước nguồn chảy ra qua năm tháng đã làm ngọt dòng suối, nhưng tên xưa thì vẫn chẳng đổi thay. Nghe đâu dấu tích nước biển vẫn còn nằm dưới những tần đất sâu. Nếu đào ở vùng quanh cầu chừng vài sải tay thì thấy ngay nước mặn.

Đối với tên Nước Ngọt của đầm Đạm Thuỷ, dân gian lại có cách giải thích khác. Người ta kể rằng, vào thời  kỳ Nguyễn Ánh đang phải trốn chạy quân Tây Sơn, có lần lương ăn, nước uống hết sạch, phải cho thuyền cập cửa Đề Gi nhưng không dám vào làng gặp dân vì sợ bị lộ. Bốn bề toàn cát trắng. Có đầm nước thì lại mặn chằng. Nguyễn Ánh mới ngửa mặt lên trời mà khấn: "Nếu mệnh trời của họ Nguyễn chưa dứt thì ban cho nước ngọt". Dứt lời khấn, Nguyễn Ánh truyền cho quân sĩ đào sấu xuống động cát thì thấy Nước Ngọt.

Không biết đó có phải là nguồn gốc đích thực của tên gọi này hay không, nhưng câu chuyện đượm màu sắc huyền thoại ấy có lõi cốt sự thật. Dưới lớp cát dày quanh đầm có nhiều mạch nước ngầm. Cho đến nay dân chúng vẫn có thể đào giếng lấy nước ngọt. Nếu vậy thì Nguyễn Ánh gặp may chứ đâu phải do cầu trời!

Đầm Đạm Thuỷ nổi tiếng vì cảnh đẹp, vì là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng, cửa Đề Gi còn được biết đến nhờ một món đặc sản là gỏi cá. Cá ở đây có hương vị ngon đặc biệt. Người ta thường ví gỏi cá Đề Gi với nem Thủ Đức, hải sâm vây cá Nha Trang - những đặc sản được cả  nước biết đến.

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Con voi ngự và người quản tượng của vua Quang Trung  (29/09/2006)
Mắm ruột cá ngừ Quy Nhơn  (27/09/2006)
Chợ tre Phù Mỹ  (24/09/2006)
Đầm Trà Ổ  (24/09/2006)
Bỏ quan làm dân  (22/09/2006)
Tiết tháo một nhà nho Bình Định   (15/09/2006)
Thầy hiệu trưởng trường Trung học Cách mạng đầu tiên  (12/09/2006)
Huyện đường Bình Khê  (11/09/2006)
Từ Côn Sơn kết bè vượt biển  (08/09/2006)
Chàng Lía và căn cứ Truông Mây  (07/09/2006)
Hoài Chung và những ký ức quê hương  (05/09/2006)
Số lùi số tới  (05/09/2006)
Một võ sư Việt kiều ước mơ đem nhạc võ Tây Sơn "xuất ngoại"  (05/09/2006)
Dấu tích thành Thị Nại  (03/09/2006)
Nhớ thầy Đinh Thành Chương   (01/09/2006)